Ngành dệt may Bình Dương: Nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu
Chiến tranh thương mại Trung Quốc - Mỹ được xem là cơ hội cho ngành dệt may trong nước khi Mỹ đã và đang có xu hướng chuyển dần đơn hàng dệt may từ Trung Quốc sang Việt Nam.
(BDO)
Cơ hội bứt phá tại thị trường Mỹ
Trong những tháng đầu năm 2018, trước căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc - Mỹ lên cao, nhiều ý kiến trái chiều đã được đưa ra cho nhóm doanh nghiệp (DN) dệt may trong nước. Một bên cho rằng rủi ro về biến động tỷ giá, đơn hàng, tính bảo hộ… sẽ tác động tiêu cực lên ngành dệt may trong nước; bên khác thì nhận định việc chuyển dịch dòng hàng hóa từ Trung Quốc sang Việt Nam vẫn là điểm sáng trong bối cảnh nói trên.
Dây chuyền sản xuất may mặc tại Công ty Chutex. Ảnh: XUÂN THI
Tại tỉnh Bình Dương, trong 9 tháng năm 2018 kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may ước đạt 1.886,6 triệu USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 10,8% kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh. Tốc độ tăng trưởng mặt hàng này của các DN trong tỉnh tại những thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… đều tăng trưởng tích cực. Đặc biệt, khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc ngày càng mở rộng thì số lượng đơn hành dịch chuyển vào Việt Nam tăng lên.
Các chuyên gia đánh giá, trước mắt tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đối với nền kinh tế của Việt Nam rất ít, không ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ. Theo Hiệp hội Dệt may Bình Dương, ngành dệt may Việt Nam đang ở vị thế tương đối tốt trong ngành dệt may thế giới. Những năm qua, DN dệt may Việt Nam đã đi vào hướng làm những mặt hàng khó. Hơn nữa, Việt Nam cũng đã có kinh nghiệm trong việc chuyển đổi mô hình từ chỗ chỉ toàn làm OEM (gia công) sang làm FOB (tự chủ nguyên phụ liệu), ODM (tự thiết kế, sản xuất). Đến nay, tỷ lệ gia công thuần túy của các DN dệt may trong nước chỉ còn 30 - 35%, FOB đạt 55 - 60%, còn ODM đạt gần 10%.
Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đặt ra thách thức lớn của ngành dệt may trong nước đó là tính cạnh tranh sẽ rất cao. Do vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng trên 10% trong năm 2018, ngành dệt may trong nước cần nỗ lực lớn và phải có sách lược đúng đắn trong thời gian tới.
Đầu tư mạnh vào công nghệ mới
Tại hội chợ Magic Show - Sourcing at Magic 2018, Tiểu bang Nevada, Hoa Kỳ, tỉnh Bình Dương tham gia 4 gian hàng dệt may. Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh, các khách hàng ghé thăm gian hàng chung của tỉnh đã đánh giátích cực về các doanh nghiệp dệt may tỉnh Bình Dương. Tại đây, các khách hàng đánh giá rất cao khả năng đáp ứng yêu cầu về sản phẩm của các doanh nghiệp tỉnh Bình Dương. Các sản phẩm mẫu được khách hàng tìm hiểu kỹ và đánh giá cao về kỹ thuật may, chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp.
Tại hội chợ này, các doanh nghiệp mua hàng của Mỹ đặt ra những yêu cầu vềsản phẩm như chất liệu vải, khả năng cung ứng đơn hàng cũng như những vấn đề về thanh toán, giao hàng… đối với DN dệt may tỉnh Bình Dương. Đặc biệt, một số khách hàng sau khi tìm hiểu thông tin trong ngày đầu tiên của hội chợ đã gửi email đề nghị DN tỉnh Bình Dương báo giá, yêu cầu cung cấp thông tin về sản phẩm. Một số khách hàng còn quay trở lại gian hàng của tỉnh Bình Dương đặt vấn đề thực hiện một số đơn hàng mẫu và mở ra khả năng đặt hàng dài hạn với sốlượng lớn đơn vị sản phẩm mỗi tháng...
Bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Bình Dương, đánh giá rất cao khả năng mở rộng thị trường của các DN dệt may trong tỉnh sau khi tham gia hội chợ tại Mỹ. Bà mong muốn trong kỳ hội chợnăm 2019, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp dệt may tham gia gian hàng chung lớn hơn và chuyên nghiệp hơn nữa nhằm tạo ra hình ảnh năng động, chuyên nghiệp, uy tín của ngành dệt may Bình Dương trong mắt các doanh nghiệp Hoa Kỳ nói riêng và thế giới nói chung.
Theo các chuyên gia kinh tế, quá trình hưởng lợi của ngành dệt may trong nước sẽ diễn ra với quy mô vừa phải và từ từ, vì đối với các tập đoàn đa quốc gia sản xuất tại Trung Quốc vẫn có sức hấp dẫn nhất định, đặc biệt là với phân khúc các sản phẩm cần trình độ nhân công cao. Đối với Việt Nam, chiến lược phát triển ngành dệt may phải gắn liền với cách mạng công nghiệp 4.0. Về phía DN dệt may trong nước, nên thực hiện đầu tư chiều sâu, tự động hóa từng bước hệ thống sản xuất để tăng năng suất lao động nhằm giảm tỷ trọng chi phí lao động trên 1 sản phẩm. Đây cũng là dư địa để tăng thu nhập cho người lao động. Thực tế hiện nay, các DN Việt Nam chỉ mạnh về dệt và may, chưa mạnh về thiết kế thời trang, thương hiệu, phân phối nên sẽ phải nỗ lực cạnh tranh rất nhiều.
Theo Sở Công thương, tình hình kinh tế thế giới đang diễn biến theo hướng có lợi cho xuất khẩu ngành dệt may trong nước. Bên cạnh đó, việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại trong những năm qua đã và đang tạo động lực cho các DN ngành dệt may Bình Dương đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu trong nước để tăng tỷ lệ nội địa hóa đáp ứng yêu cầu về xuất xứ hàng hóa để được hưởng các ưu đãi thuế quan những thị trường xuất khẩu lớn trên thế giới. Sở cũng đã phối hợp cùng các đơn vị có liên quan thường xuyên tổ chức hội thảo, tập huấn nhằm cập nhật thông tin, kiến thức về các hiệp định thương mại tự do cũng như thông tin về các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… và các thị trường xuất khẩu mới như châu Phi, Hồng Kông, Brazil… cho các DN trên địa bàn.
TIỂU MY