Ngành da giày tiếp tục khẳng định vị thế

Thứ sáu, ngày 22/02/2019

Năm 2019, Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) đề ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 21,5 tỷ USD. Các doanh nghiệp Bình Dương được kỳ vọng sẽ tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng vào kết quả chung toàn ngành trong năm nay.

(BDO)

 Nỗ lực của các doanh nghiệp

Hiện Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm giày dép đến hơn 100 nước trên thế giới, trong đó có 72 nước có kim ngạch xuất khẩu trên 1 triệu USD. 5 thị trường xuất khẩu lớn mặt hàng da giày của Việt Nam trong năm qua, chiếm trên 82,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành, gồm Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

 Sản xuất giày xuất khẩu tại Công ty Da giày Đông Hưng (TX.Dĩ An). Ảnh: XUÂN THI

Dòng vốn ngành da giày trong nước đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ, khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào lĩnh vực này. Điển hình là hiện có hơn 100 doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động trong lĩnh vực sản xuất giày da tại Việt Nam, trong đó khoảng 80% doanh nghiệp tập trung tại tỉnh Bình Dương.

Theo bà Trương Thúy Liên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Liên Phát (TX.Dĩ An), thời gian qua các doanh nghiệp da giày trong nước đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị máy móc, nâng cao trình độ sản xuất nhằm cạnh tranh với các doanh nghiệp da giày có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Điều này rất có lợi cho ngành sản xuất da giày trong nước. Tuy vậy, quá trình đào thải sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, các doanh nghiệp không nỗ lực cải thiện công nghệ, cải thiện chất lượng để nâng cao sức cạnh tranh rất khó tồn tại trong bối cảnh ngày càng có nhiều doanh nghiệp da giày FDI vào Bình Dương.

Đại diện Hiệp hội Da giày - Túi xách Bình Dương cho biết Việt Nam đang xếp thứ hai thế giới về giá trị xuất khẩu da giày (sau Trung Quốc). Hiện nay, giá trị bình quân một đôi giày sản xuất tại Việt Nam bán ra trên thị trường là 15 USD/đôi, trong khi Trung Quốc là khoảng 10 USD/đôi. Giá chênh lệch này không phải giá thành mặt hàng da giày sản xuất tại Trung Quốc cạnh tranh hơn do các chí phí rẻ hơn, mà chứng tỏ chất lượng da giày của Việt Nam tốt hơn, được nhiều thị trường lớn trên thế giới ưa chuộng.

Ngành da giày Bình Dương đóng góp quan trọng

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Busan (Hàn Quốc) cho biết trong thời gian tới, hiệp hội sẽ bàn bạc với tỉnh Bình Dương để hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao kỹ thuật mới. Sau khi có sự thống nhất giữa hai bên, dự kiến sẽ có một trường đại học hoặc viện nghiên cứu về công nghệ giày được xây dựng tại Bình Dương.

Theo Sở Công thương, hiện trên địa bàn tỉnh có 2.277 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh liên quan đến lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, trong đó chế biến gỗ có 953 doanh nghiệp, cơ khí 710 doanh nghiệp, ngành dệt may có 442 doanh nghiệp, da giày 172 doanh nghiệp. Ngành da giày của tỉnh đang có sự hỗ trợ đắc lực từ ngành công nghiệp hỗ trợ như như thuộc da, sản xuất đếgiày, mũ giày.... Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh đãhình thành các ngành công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, da giày, cơ khí, điện - điện tử. Tỉnh còn phát triển riêng một khu công nghiệp tại huyện Bàu Bàng, rộng trên 1.000 ha ưu tiên thu hút vốn đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, nhất là các dự án đầu tư nước ngoài.

Với đặc thù của ngành da giày là nguồn nguyên, phụliệu chiếm tới 60 - 70% giá thành sản phẩm, nhưng theo ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Bình Dương, hiện nguồn nguyên liệu trong nước mới chỉ cung ứng được khoảng 20 - 25% nhu cầu của doanh nghiệp, còn lại phải nhập khẩu. Nếu có được nguồn nguyên, phụliệu tại chỗ ngành này sẽ tăng thêm sức cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực; các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có khả năng thu hẹp khoảng cách với các doanh nghiệp da giày FDI.

Năm 2018, doanh nghiệp da giày trong nước chiếm tỷ trọng 21,2% giá trị xuất khẩu (năm 2017 là 19,4%). Đây là dấu hiệu tốt, khẳng định sự phát triển của các doanh nghiệp da giày nước nhà. Các chuyên gia nhận định, trong năm 2019, doanh nghiệp da giày trong nước sẽ tiếp tục mạnh tăng tỉ trọng xuất khẩu, đưa ngành da giày cả nước phát triển bền vững

 XUÂN VĨ