Ngành da giày tăng trưởng ổn định
(BDO) Từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng da giày của tỉnh tiếp tục tăng trưởng ổn định. Trong năm 2017, nhiều hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia có hiệu lực sẽ mở ra những thuận lợi nhưng cũng lắm thách thức cho các doanh nghiệp (DN).
Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu của cả tỉnh đạt gần 18,4 tỷ USD, tăng 16,5% so cùng kỳ năm 2015. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt trên 3,5 tỷ USD, tăng 10,5%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là gần 14,9 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2015. Trong các mặt hàng xuất khẩu chủlực của tỉnh, da giày là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu tăng cao. Chỉ tính riêng trong tháng 10-2016, kim ngạch xuất khẩu của ngành này ước đạt 192,6 triệu USD, tăng 13,9% so với tháng trước và chiếm tỷ trọng 9,5% kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh trong 10 tháng.
Từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu ngành giày da của Bình Dương tiếp tục tăng trưởng ổn định. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất da giày của Công ty Cổ phần Công nghiệp Đông Hưng. Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại- Đầu tư Trăn - Cásấu Ngọc Sơn cho biết, hội nhập kinh tế quốc tế đã góp phần tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho ngành da giày. Việc nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA)… đã tạo điều kiện cho việc giao lưu hàng hóa thông suốt, tạo điều kiện cho ngành da giày thâm nhập vào thị trường thế giới. Nhờ đó, xuất khẩu của công ty từ đầu năm đến nay tăng 10% so với cùng kỳ năm 2015. Còn theo bà Trương Thúy Liên, Giám đốc Công ty TNHH Liên Phát (TX.Dĩ An), từ đầu năm đến nay hoạt động sản xuất của công ty ổn định, khối lượng đơn hàng thuận lợi và lấp kín cả năm. Trong năm 2016, công ty đề ra kế hoạch đạt 2 triệu đôi, đến nay công ty đã thực hiện đạt 1,3 triệu đôi giày, trong khi đó công ty đã ký được đơn hàng 800.000 đôi cho những tháng cuối năm. Như vậy, hoạt động sản xuất của công ty trong năm nay sẽ vượt chỉ tiêu, kế hoạch cả năm. Bà Liên phấn khởi cho biết, công ty đã ký được đơn hàng xuất khẩu đến tháng 2-2017.
Bên cạnh những thuận lợi, ngành da giày Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng vẫn gặp không ít khó khăn. Cụ thể là mặt hàng này khi xuất khẩu vào các thị trường truyền thống như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) đang ngày càng khó khăn do hàng rào phi thuế quan và các tiêu chuẩn về môi trường ngày càng khắt khe hơn. Ông Sơn cho biết, mặc dù ngành da giày của Việt Nam có nhiều thuận lợi nhưng phải nhìn nhận một thực tế rằng, năng suất xuất khẩu ngành da giày của nước ta trên thị trường thế giới còn yếu. Dễ nhận thấy là nguồn nguyên phụ liệu, trình độ sản xuất của các DN trong nước còn kém nên một số DN có đơn hàng xuất khẩu tăng nhưng giáthành đơn hàng sản phẩm lại giảm. Chẳng hạn như Công ty Trăn - Cásấu Ngọc Sơn, mặc dù tăng về số lượng nhưng lại giảm 10% về giáthành. “Theo tôi, để ngành da giày tiếp tục đứng vững và phát triển, trong thời gian tới DN da giày Bình Dương cần tiếp tục xúc tiến thương mại bằng nhiều cách như qua tham tán thương mại, hội chợ tìm hiểu kỹ các mặt hàng nào được giảm và giảm như thế nào… để lên kế hoạch hoạch định phương hướng, đầu tư thiết bị công nghệ, con người”, ông Sơn nói.
Theo ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Bình Dương, các hiệp định thương mại tự do mang lại cơ hội lớn cho xuất khẩu giày dép nhưng cũng tạo sức ép không nhỏ lên DN. Để hỗ trợ DN vượt qua những khó khăn, hiệp hội sẽ cập nhật sự thay đổi trong chính sách, quy định mới, từ đó cung cấp kịp thời thông tin đến DN. Các DN cũng cần đầu tư về công nghệ để có thể sản xuất được những sản phẩm chất lượng cao, đa dạng về kiểu dáng, mẫu mã và phải xây dựng được thương hiệu quốc tế của mình nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững.
PHƯƠNG LÊ