Ngành da giày: Nỗ lực vượt khó

Thứ ba, ngày 11/02/2020

(BDO) Năm 2019, sản xuất ngành da giày của tỉnh tiếp tục tăng trưởng tốt, chủ yếu nhờ cơ hội và triển vọng phát triển, mở rộng thị trường từ hiệu ứng của các hiệp định thương mại tự do mang lại. Từ đầu năm 2020, ngành da giày của tỉnh tiếp tục nhận được nhiều đơn hàng, có những doanh nghiệp đã ký đơn hàng đến tháng 9.

 Dây chuyền sản xuất tại Công ty Giày Đông Hưng (TP.Dĩ An). Ảnh: PHƯƠNG LÊ

 Nhiều đơn hàng

Bà Trương Thị Thúy Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương, Tổng Giám đốc Công ty Giày Liên Phát (TP.Dĩ An), cho hay hiện công ty đã ký được đơn hàng gia công đến hết tháng 9 với khách hàng truyền thống là Mỹ và châu Âu. Công ty cũng chuẩn bị sẵn nguyên phụ liệu trong vòng 2 - 3 tháng.

Trong khi đó, theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), năm 2020 căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, giữa Mỹ với các đối tác thương mại khác như Ấn Độ, châu Âu… khả năng sẽ giảm dần và nền kinh tế toàn cầu sẽ dần phục hồi. Vì thế, các đơn hàng gia công giày dép, túi xách tiếp tục xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam để tận dụng ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do, thay thế cho sự sụt giảm xuất khẩu của Trung Quốc. Bên cạnh đó, khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tiếp tục đầu tư mới và mở rộng sản xuất sẽ giúp ngành da giày duy trì tăng trưởng xuất khẩu ổn định.

Ngành da giày trong nước đang phụ thuộc lớn vào nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Đáng nói, thời điểm này dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới vi rút Corona (nCoV) ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Theo bà Liên, mặc dù các hiệp định thương mại tự do mang lại nhiều đơn hàng cho ngành da giày nhưng với tình hình dịch bệnh nCoV hiện nay đang tạo ra nhiều khó khăn cho ngành da giày về nguồn nguyên liệu.

Cần sự cố gắng chung

Để ứng phó với tình huống xấu nhất, hiện một số doanh nghiệp da giày đang tính đến phương án nhập khẩu nguyên phụ liệu từ các quốc gia khác như Hàn Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Brazil… Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là việc chuyển đổi nguồn nguyên liệu qua quốc gia khác không đơn giản, đặc biệt so sánh lợi thế về đơn giá phía bạn hàng Trung Quốc luôn thấp hơn so với các nước khác, nên sẽ rất khó cạnh tranh. Trước tình hình này đòi hỏi doanh nghiệp trong nước tiếp tục tìm nguồn nguyên liệu từ các thị trường khác.

Tuy vậy, ngoài sự chủ động của doanh nghiệp, rất cần có sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách của Nhà nước. Vì hiện nay nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang cần sự tiếp sức về nguồn vốn vay ưu đãi, các gói hỗ trợ để tiếp cận công nghệ mới, những chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ. Cùng với đó, việc hỗ trợ đầu ra từ các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia của Chính phủ cần thiết thực bên cạnh khâu quảng bá, hỗ trợ kết nối, cung cấp thông tin.

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị TBS Group, cho rằng trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp da giày phải thay đổi. Theo đó, ngoài việc Nhà nước có chính sách thông thoáng, ngành da giày phải dựa trên các trụ cột, đó là: Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, nguyên phụ liệu trong nước; tăng năng suất lao động; các doanh nghiệp cần quản trị dựa trên nền tảng số và định vị lại ngành da giày theo hướng khuyến khích, ưu tiên đầu tư ở một số tỉnh miền Trung và các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh thiếu nguồn nguyên liệu, thiếu nguồn nhân lực cũng đang là một trong những khó khăn mà doanh nghiệp ngành da giày đang gặp phải. Ông Thuấn cho rằng một trong những khó khăn lớn mà ngành da giày đang phải đối mặt là về chất lượng nguồn nhân lực. Thực tế cho thấy, nguồn nhân lực các trường đào tạo ra phần lớn các doanh nghiệp tuyển dụng phải mất một thời gian cho đi đào tạo lại.

 PHƯƠNG LÊ