Ngành da giày: Nhiều giải pháp tăng giá trị sản xuất

Thứ sáu, ngày 23/02/2018

(BDO) Trong tháng 1-2018, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 2 tỷ 651 triệu USD, tăng 3,8% so với tháng trước và tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó ngành da giày đạt 266,3 triệu USD, tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 18,6% so với cùng kỳ. Đây là kết quả đáng mừng cho hoạt động của ngành da giày tỉnh Bình Dương trong năm 2018.

Bà Trương Thị Thúy Liên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Liên Phát (TX.Dĩ An), cho biết doanh nghiệp ngành da giày trong nước có lợi thế là nguồn nhân lực dồi dào, kỹ thuật, tay nghề ngày càng cao. Nhờ lợi thế này ngành da giày đã và đang thu hút nguồn vốn đầu tư lớn từ các tập đoàn của nước ngoài. Tuy nhiên, ngành da giày cũng đang gặp không ít khó khăn, như ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa phát triển xứng tầm, ngành chế tạo máy, cơ khí chính xác chưa có khả năng sản xuất ra máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ cho sản xuất, nên các doanh nghiệp da giày phải tốn nhiều chi phí để nhập khẩu máy móc, nguyên phụ liệu từ nước ngoài.

Sản xuất giày dép tại Công ty Cổ phần Công nghiệp Đông Hưng (Khu công nghiệp Sóng Thần I, TX.Dĩ An). Ảnh: THANH HỒNG

Bên cạnh đó, việc đầu tư nghiên cứu phát triển (R&D) chưa được nhiều doanh nghiệp quan tâm đúng mức, trong khi đây chính là khâu đặc biệt quan trọng, tạo giá trị gia tăng lớn cho sản phẩm xuất khẩu; cùng với đó chất lượng đào tạo nhân lực cho ngành da giày, thiết kế thời trang chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để công nghiệp hỗ trợ ngành da giày phát triển mạnh, doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư cho hoạt động R&D; doanh nghiệp phải chủ động, không trông chờ vào doanh nghiệp nước ngoài. Ðồng thời, các doanh nghiệp có thể liên doanh, liên kết với nhau để tạo các trung tâm R&D quy mô, hiện đại… bởi đây là vấn đề cốt lõi để tăng giá trị gia tăng cho ngành.

Một trong những thách thức của ngành da giày trong nước hiện nay là vấn đề năng suất lao động. Đối với các doanh nghiệp lớn, năng suất lao động mới đạt khoảng 25.000 - 27.000 USD/người/năm; các doanh nghiệp trung bình khoảng 18.000 USD/người/năm; doanh nghiệp vừa và nhỏ khoảng 12.000 USD/ người/năm. Nếu tính năng suất lao động theo giờ, hiện doanh nghiệp của Việt Nam đạt khoảng 0,6 - 0,7 đôi giày - dép/giờ, các doanh nghiệp áp dụng công nghệ, máy móc tiên tiến vào sản xuất đạt 1,2 đôi/giờ.

 Đại diện Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam cho biết, hiện nay trên 70% sản phẩm của ngành công nghiệp thời trang toàn cầu được sản xuất tại các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, Philippines, Bangladesh…; riêng Trung Quốc đã chiếm khoảng 50%. Ngành da giày trong nước đặt ra mục tiêu trong năm 2018 là xuất khẩu đạt từ 19,5 - 20 tỷ USD, tăng 10%; tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm da giày đạt 55%. Xuất khẩu mặt hàng giày dép tiếp tục đứng thứ 4 trong số những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của cả nước.

Theo các chuyên gia, trong thời gian tới nếu các doanh nghiệp mạnh dạn áp dụng phương pháp quản lý hiện đại, hiệu quả, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, năng suất lao động của ngành da dày có thể tăng 1,5 - 2 lần so với hiện tại. Thực hiện các giải pháp này sẽ giúp doanh nghiệp thay thế một phần lao động của con người, nâng cao chất lượng sản phẩm và kiểm soát tốt độ đồng đều của sản phẩm. Mặc dù việc đầu tư cho mua sắm trang thiết bị mới khá tốn kém, song đây là một trong những giải pháp chính để doanh nghiệp phát triển bền vững.

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2017, xuất khẩu của ngành giày dép sang các thị trường chủ lực đều tăng trưởng so với năm 2016. Năm qua, xuất khẩu mặt hàng giày dép sang thị trường Mỹ chiếm 34,9%, thị trường Trung Quốc chiếm 7,8%, Đức chiếm 6,8%, Bỉ chiếm 6,2%, Nhật chiếm 5,1% tổng giá trị xuất khẩu của mặt hàng này. Đối với Liên minh châu Âu (EU) nói chung, xuất khẩu giày dép tăng trên 10%, đạt 4,61 tỷ USD, chiếm 31,5% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép trong nước.

 

THANH HỒNG