Ngành Da giày: Chủ động đón đầu cơ hội khi tham gia TPP
(BDO) Phát biểu tại buổi thăm và làm việc với Công ty Cổ phần Đầu tư Giày Thái Bình (TX.Dĩ An) vừa qua, bà Trần Thị Kim Vân, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đã đánh giá ngành da giày là một trong những ngành chủ lực của Bình Dương hiện nay. Việc Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính là cơ hội lớn cho ngành da giày của tỉnh phát triển mạnh.
Hoạt động sản xuất da giày tại Công ty Cổ phần Đầu tư Giày Thái Bình Ảnh: P.AN
Nhiều thuận lợi
Chia sẻ những nhận định về cơ hội phát triển của ngành da giày, túi xách, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso), Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Giày Thái Bình, nói: “TPP thật sự mở ra cơ hội “vàng” cho ngành da giày, túi xách của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường các thành viên TPP, khi mức thuế nhập khẩu sẽ thấp hơn hiện nay. Ở Bình Dương, đây cũng chính là thời cơ lớn cho ngành da giày, túi xách”.
Hiện Bình Dương có khoảng hơn 100 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực da giày, chủ yếu là sản xuất hàng xuất khẩu. Hai thị trường chính của sản phẩm này là châu Âu và Mỹ. Điểm thuận lợi là 2 thị trường này phục hồi tốt và năng lực sản xuất của DN da giày ở tỉnh đáp ứng được nhu cầu khách hàng.
Bà Trương Thị Thúy Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương, cho biết năm nay đơn hàng của các DN tương đối ổn định, do lượng đơn hàng từ các nước chuyển hướng sang Việt Nam. Khách hàng muốn chuyển hướng trước vì tới đây, nhận đơn hàng từ Việt Nam họ sẽ được hưởng những ưu đãi mà Việt Nam ký với các nước khác. Khách hàng cũng hy vọng, từ nay đến năm 2015 họ sẽ có được những nhà máy cung cấp sản phẩm tốt nhất, có được lợi nhuận cao hơn.
Cũng theo bà Liên, năm nay các DN xuất khẩu trong ngành da giày ở Bình Dương có đơn hàng rất khả quan. Nhiều DN có đơn hàng đến cuối năm, thậm chí một số DN có đơn hàng dài hạn đến hết quý 1 năm 2015 như Công ty Cổ phần Đầu tư Giày Thái Bình, Công ty Liên Phát, Công ty Đông Hưng... Tính từ đầu năm đến nay, sản lượng sản phẩm giày dép xuất khẩu của các DN trong tỉnh tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo với đoàn cán bộ lãnh đạo HĐND tỉnh tại buổi làm việc vừa qua về tình hình phát triển sản xuất, kinh doanh của Công ty Cổ phần Đầu tư Giày Thái Bình, ông Thuấn cho biết, công ty hiện có 22.000 lao động, mỗi năm xuất khẩu 21 triệu đôi giày cao cấp, 6,5 triệu túi xách sang thị trường Mỹ. Hoạt động sản xuất của công ty mở rộng trên phạm vi cả nước. “Công ty sẵn sàng đón nhận những cơ hội mới để hội nhập quốc tế, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế của Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung. Trên cơ sở đó, định hướng của DN đến năm 2019 là phấn đấu trở thành một DN tầm trung của quốc tế và là một trong 5 DN hàng đầu của Việt Nam về sản xuất, xuất khẩu hàng thời trang”, ông Thuấn nói.
Cùng với những cơ hội thuận lợi trên, hiện nay UBND tỉnh đã có định hướng quy hoạch khu công nghiệp sản xuất phụ trợ. Lãnh đạo nhiều DN trên địa bàn tỉnh cho rằng, việc hình thành khu công nghiệp phụ trợ đặt tại Bình Dương là rất phù hợp cho cả nhập khẩu và xuất khẩu, bởi sản xuất nguyên phụ liệu mang tính chiến lược và là nền tảng cho ngành công nghiệp phát triển.
Chuẩn bị thật tốt mọi mặt
Tại buổi làm việc với Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư Giày Thái Bình, đại diện Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, các sở, ngành, công ty hoạt động trong ngành da giày, túi xách trên địa bàn tỉnh đã trao đổi thẳng thắn vấn đề đối sách, chiến lược để đón đầu TPP; làm thế nào để các DN cùng phát triển mạnh, đủ sức cạnh tranh trên trường quốc tế.
Ông Thuấn chia sẻ, DN da giày, túi xách trong nước muốn tận dụng hiệu quả cao nhất của TPP thì phải hình thành chuỗi cung ứng bên trong, có sự liên kết hữu cơ giữa các khâu. Một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh từ thiết kế - nguyên, phụ liệu - sản xuất - phân phối phải được hình thành trong cộng đồng các thành viên tham gia ký kết TPP. Các DN cũng không nên coi TPP như một cơ hội để phát triển trong ngắn hạn, mà quan trọng hơn là cần tận dụng tốt cơ hội này để gia tăng năng lực cạnh tranh, xây dựng chiến lược phát triển bền vững. Bên cạnh đó, DN phải làm chủ được công nghệ, sưu tập dự án nguyên phụ liệu cho ngành da giày và không ngừng nghiên cứu để phát triển.
Để ngành da giày phát triển, theo bà Liên, cần tăng số giờ tăng ca để bảo đảm được đơn hàng; đồng thời quan tâm tốt hơn vấn đề đào tạo an toàn lao động cho người lao động; có các hướng dẫn cụ thể về tăng mức lương tối thiểu cho người lao động từ năm 2015… Ngoài ra, cần tìm hướng đi cho ngành công nghiệp phụ trợ để giúp DN tận dụng được lợi thế của các hiệp định trong tương lai.
Kết luận tại buổi làm việc với Công ty Cổ phần Đầu tư Giày Thái Bình, bà Trần Thị Kim Vân đã đánh giá cao những kết quả đạt được của công ty và khẳng định, đây là DN mạnh và thành công trong ngành da giày, đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển công nghiệp của tỉnh Bình Dương và an sinh xã hội. Bà Vân cũng đề nghị công ty cần chủ động đón đầu cơ hội khi Việt Nam tham gia TPP để tăng lợi thế cạnh tranh trong ngành xuất khẩu da giày.
PHƯƠNG AN