Ngành da giày Bình Dương: Tái cấu trúc quy trình sản xuất trong giai đoạn mới

Thứ năm, ngày 22/08/2024

(BDO) Trong 7 tháng năm 2024, ngành da giày của Bình Dương xuất khẩu đạt hơn 1,03 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là một trong 3 ngành của tỉnh (cùng với ngành gỗ và dệt may) đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD trong 7 tháng. Hiện đơn hàng khá dồi dào nên ngành da giày đang có nhiều thuận lợi trong những tháng cuối năm.

 Hoạt động sản xuất giày xuất khẩu tại TBS Group

Có đủ đơn hàng xuất khẩu năm 2024

Những ngày này, các nhà máy của Công ty Cổ phần đầu tư Thái Bình (TBS Group) tập trung sản xuất theo đơn hàng nhằm bảo đảm tiến độ giao hàng cho các đối tác. Công ty phấn đấu đạt giá trị xuất khẩu năm nay tăng 20% trở lên so với năm 2023. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc TBS Group, cho biết hiện nay, bên cạnh sản xuất, công ty đang mở rộng các phân xưởng, thu hút thêm 10.000 lao động nhằm tiếp nhận thêm các đơn hàng mới, đồng thời để đáp ứng yêu cầu nâng cao sản lượng xuất khẩu ngay từ quý I-2025. Đến nay, công ty đã có đủ đơn hàng xuất khẩu cho cả năm 2024.

Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương, cho biết hiện nay doanh nghiệp (DN) ngành da giày ở Bình Dương đã có đủ đơn hàng xuất khẩu cho cả năm 2024. Bên cạnh đó, nhờ điều kiện sản xuất trong nước ổn định nên lượng đơn hàng những tháng cuối năm đã dịch chuyển từ một số quốc gia châu Á về Việt Nam, mở ra triển vọng tốt đẹp cho ngành da giày trong thời gian tới. Thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành da giày là Liên minh châu Âu (chiếm 34,1%), tiếp theo là Hoa Kỳ (chiếm 27,7%), Nhật Bản (chiếm 7,4%)...

Kết quả đáng chú ý, sản lượng da giày xuất khẩu của DN Bình Dương trong 7 tháng năm 2024 đạt bình quân 5 triệu đôi/tháng, tăng gần 1,1 triệu đôi/tháng so bình quân hàng tháng của năm 2023.

Mạnh dạn chuyển đổi số

Đến nay, DN ngành da giày tại Bình Dương không chỉ lớn mạnh về quy mô, cấu trúc, mà còn có sự phát triển vượt bậc về công nghệ sản xuất. Hầu hết các DN đã đầu tư thiết bị sản xuất hiện đại của Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản… Các DN như TBS Group, Công ty Cổ phần công nghiệp Đông Hưng, Công ty Chí Hùng... là những đơn vị sản xuất ứng dụng công nghệ mới hàng đầu ở Việt Nam và cũng là những đơn vị tiên phong, gặt hái thành công trong qua trình chuyển đổi số.

Cùng với quá trình đầu tư đổi mới thiết bị sản xuất, các DN da giày Bình Dương còn quan tâm đầu tư sản xuất phụ liệu từ nguyên liệu trong nước, nên chủ động được nguồn nguyên phụ liệu, góp phần giảm tỷ lệ nhập khẩu nguyên phụ liệu. Với thị trường Liên minh châu Âu, phần lớn là mặt hàng giày thể thao, tỷ lệ nhập khẩu nguyên phụ liệu giảm từ 65% năm 2010 xuống còn 20% hiện nay. Các DN sản xuất, xuất khẩu da giày còn thực hiện tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực lành nghề, kể cả đội ngũ quản lý, thiết kế mẫu mã, marketing, đáp ứng tốt yêu cầu hội nhập hiện nay.

Với quy mô hiện có, ngành da giày Bình Dương có thể sản xuất hơn 100 triệu sản phẩm xuất khẩu mỗi năm. Bên cạnh thuận lợi khi nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương được thực thi, quá trình tái cấu trúc nhiều chuỗi cung ứng lớn trên thế giới là cơ hội để ngành da giày phát triển mạnh mẽ. Tuy vậy, để đáp ứng tốt yêu cầu cạnh tranh, ngành da giày cần tiếp tục đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu, chú trọng khai thác thị trường nội địa, gắn với việc đa dạng hóa chủng loại sản phẩm ở thị trường xuất khẩu.

Ngoài các lợi thế nói trên, Bình Dương cũng đang đứng trước cơ hội đón nhận làn sóng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài lần thứ 4, tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao như điện tử, chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo. Đây là những “cơ hội vàng” mà DN Việt Nam nói chung, DN ngành da giày Bình Dương nói riêng cần tận dụng triệt để để tái cơ cấu, phát triển sản xuất, xuất khẩu theo hướng bền vững.

Tuy vậy, ngành da giày vẫn đối mặt với không ít thách thức tại các thị trường lớn như Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, vì các thị trường này đang đặt ra nhiều quy định mới về tiêu chuẩn nhập khẩu hàng hóa, chẳng hạn cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu… Điều này đòi hỏi DN ngành da giày phải nỗ lực không ngừng, liên tục đổi mới để đáp ứng các đòi hỏi của những thị trường khó tính.

Theo các chuyên gia, có thể CBAM chưa áp dụng đồng loạt vào thời điểm hiện nay nhưng khả năng cao là sẽ xảy ra vào năm 2030. Như vậy, DN ngành da giày của Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng còn 6 năm cho hành trình từ tái cấu trúc toàn bộ quy trình chuỗi cung ứng, từ nguyên phụ liệu đầu vào, đổi mới quy trình vận hành, ứng dụng công nghệ mới (công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, quy định Net Zero…) đến hoàn thiện sản phẩm đầu ra và xuất khẩu. Đây là khoảng thời gian không dài, đòi hỏi DN phải khẩn trương bắt tay hành động ngay từ bây giờ.

 Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (LEFASO), cho rằng DN da giày ở Bình Dương đang đóng góp một giá trị rất lớn vào sự phát triển và hội nhập của ngành da giày Việt Nam. Trước yêu cầu hiện nay, các DN không thể đứng ngoài cuộc cách mạng 4.0, cũng như xu thế áp dụng dây chuyền sản xuất tự động, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), phát triển xanh để không bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu. Hy vọng, ngành da giày Bình Dương tiếp tục gặt hái được những thành công mới trong thời gian tới.

 TUẤN ANH