Ngành da giày Bình Dương: Chủ động đón đầu cơ hội
Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được dự đoán sẽ giúp ngành da giày Bình Dương gặp nhiều thuận lợi nếu doanh nghiệp (DN) chủ động hoàn tất các điều kiện cần thiết.
Sản xuất giày tại Công ty Cổ phần Công nghiệp Đông Hưng
Thời cơ lớn cho da giày
Năm 2012, xuất khẩu toàn ngành da giày của Việt Nam đạt 7,2 tỷ USD, trong đó 31% ở thị trường Mỹ, với thuế suất 12%. Khi TPP được ký kết, thuế suất nhập khẩu vào thị trường Mỹ giảm từ 7 - 19% xuống còn 0% sẽ tạo thêm sức cạnh tranh cho hàng giày dép Việt Nam ở thị trường Mỹ. Theo Hiệp hội Da giày Bình Dương, nếu gia nhập TPP, da giày sẽ mở rộng xuất khẩu sang một thị trường rộng lớn với sức tiêu thụ của 2,7 tỷ người. Dự báo TPP sẽ chiếm hơn 48% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành, trong đó thị trường Mỹ chiếm khoảng 30%.
Hiện Bình Dương có khoảng 100 DN da giày, chủ yếu là sản xuất hàng xuất khẩu đi châu Âu và Mỹ. Do hai thị trường này phục hồi tốt và năng lực sản xuất của da giày Bình Dương đáp ứng được nhu cầu khách hàng nên năm nay toàn ngành da giày phát triển mạnh mẽ. Chính thuận lợi trên là yếu tố quan trọng giúp ngành da giày Bình Dương ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu quan trọng. Một số công ty như Giày An Thịnh, Chí Hùng, Liên Phát… đều có hợp đồng xuất khẩu đến hết tháng 10-2013. Cá biệt, các công ty như Nam Bình, Đông Hưng… đã có đơn hàng đến hết năm 2013. Sáu tháng đầu năm 2013, sản lượng sản phẩm giày dép thể thao của các doanh nghiệp Bình Dương đạt 18,3 triệu đôi, tăng 33,9% so với cùng kỳ…
Theo nhận định của một số chuyên gia trong ngành, nếu Việt Nam ký kết hiệp định TPP, hàng da giày Việt Nam có lợi thế cạnh tranh mạnh ở thị trường Mỹ do không có đối thủ. Các đối thủ mạnh của Việt Nam ở lĩnh vực giày dép là Trung Quốc và Ấn Độ thì chưa phải là thành viên của TPP. Trong khi đó, thị trường mới mẻ là Nhật Bản cũng lại là thành viên của TPP nên da giày Bình Dương có nhiều triển vọng đứng vững trên đất Nhật.
Chủ động bước vào TPP
Cơ hội tràn ngập nhờ việc gia nhập TPP khiến các DN da giày Bình Dương có nhiều dự báo kinh doanh lạc quan trong thời gian tới. Tuy nhiên, để được hưởng thuế suất ưu đãi 0% khi xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường lớn kể trên cũng phải tuân thủ nhiều quy định ngặt nghèo. Vì thế, để đón đầu cơ hội, các DN da giày Bình Dương phải có sự chuẩn bị đầy đủ, tránh bị động.
Một trong những quy định quan trọng của TPP là các sản phẩm xuất khẩu trong các nước thành viên phải có xuất xứ nội khối mới được hưởng chính sách ưu đãi. Ở mặt hàng da giày hiện nay, phần lớn nguyên liệu được nhập khẩu từ Trung Quốc, như vậy theo quy định của TPP thì sản phẩm sẽ không được hưởng ưu đãi thuế suất. Ông Nguyễn Văn Lê, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương cho biết: “Theo tôi, không còn cách nào khác hơn là các DN phải tự hoàn thiện tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm lên cao nhất có thể để chủ động đón đầu cơ hội từ TPP. Việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu nội khối cũng là một hướng đi mới nhằm tăng sức cạnh tranh cho da giày Bình Dương”.
Ông Lê cũng cho biết, thời gian qua, nhiều DN đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, gia tăng sử dụng nguyên phụ liệu trong nước, nhất là ở những mặt hàng giày vải, giày thể thao. Hiện tỷ lệ nội địa hóa của DN da giày khoảng 55%, dự kiến sẽ đạt 65% trong năm 2013 cho các sản phẩm giày cấp trung, giày thể thao, giày trẻ em, dép các loại. Công ty Giày Thái Bình, giày Đông Hưng và một số DN khác cũng đang xúc tiến đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất PU và gần đây cũng thấy xuất hiện nhiều mẫu giày sử dụng công nghệ cao, trước sản xuất tại Trung Quốc nay được sản xuất tại Việt Nam.
Tuy nhiên, việc tăng tỷ lệ nội địa hóa không chỉ là sự cố gắng, nỗ lực của ngành da giày mà cần trợ lực từ nhiều phía, đặc biệt là các cơ quan chức năng. Theo đánh giá của một chuyên gia trong ngành, hiện nay công nghiệp phụ trợ cho da giày Việt Nam nói chung và da giày Bình Dương nói riêng còn rất yếu. Bởi vậy, việc tìm kiếm nguyên liệu làm ra sản phẩm sao cho tỷ lệ nội địa cao không phải đơn giản. Vì thế, việc thu hút FDI vào lĩnh vực dệt nhuộm, nguyên phụ liệu cũng cần được quan tâm sớm trong thời gian tới để da giày Bình Dương vững bước hội nhập TPP.
KHÁNH VINH