Ngành công thương: Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hệ thống marketing tự động

2019-11-18 08:04:37

Thực hiện chương trình hỗ trợ doanh nghiệp (DN) ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT), thời gian qua ngành công thương tỉnh đã triển khai đến DN nhỏ và vừa ký cài đặt phần mềm bán hàng thông minh, email thương hiệu và ứng dụng truy xuất nguồn gốc, xuất xứsản phẩm.

 Tỉnh luôn đánh giá cao những mô hình khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy phát triển TMĐT. Trong ảnh: Cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo Bình Dương năm 2018. Ảnh: TIỂU MY

 Cắt giảm chi phí, mở rộng thị trường

Theo các chuyên gia, để xây dựng chiến lược bán hàng, marketing và truyền thông hiệu quả, việc xác định và hiểu đúng đối tượng mục tiêu có vai trò rất quan trọng. Việc khoanh vùng và phân tích được đối tượng mục tiêu để tiếp cận họ đúng thời điểm và thông điệp giúp tăng hiệu quả cho toàn bộ hoạt động bán hàng, marketing và truyền thông, đồng thời giúp các công ty, DN tiết kiệm tối đa chi phí cho những hoạt động này nhờ vào việc chỉ tập trung vào các đối tượng phù hợp.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, DN có thể cắt giảm được tới 56% chi phí quảng cáo nhờ phân tích khách hàng mục tiêu kỹ lưỡng. Trong khi đó, theo thống kê, có tới 51% khách hàng cảm thấy các DN đang tiếp cận họ với những thông điệp chưa phù hợp.

Hiện nay, các nền tảng công nghệ và giải pháp sáng tạo có thể giúp DN hiểu rõ hơn đối tượng mục tiêu của mình. Hệ thống dữ liệu của Five9 Việt Nam mang tên CyberTargeting được ứng dụng để thấu hiểu về tâm lý, hành vi của người dùng trên môi trường số, đoán định thu nhập, lĩnh vực nghề nghiệp; cùng với đó lượng dữ liệu người dùng lớn liên tục được cập nhật. Hệ thống marketing automation (tiếp thị tự động) và lead scoring (tiếp cận đối tượng mới để thu thập dữ liệu) sẽ tăng kênh tương tác với khách hàng tiềm năng.

Thời gian qua, Sở Công thương đã tổ chức lớp đào tạo về TMĐT với chủ đề: “Xây dựng hệ thống marketing tự động” (cơ bản) cho 100 học viên của các DN trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, sở thực hiện chương trình hỗ trợ DN ứng dụng TMĐT; triển khai đến DN nhỏ và vừa ký cài đặt phần mềm bán hàng thông minh, email thương hiệu và ứng dụng truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Đến nay, đã có 6 DN đăng ký thực hiện chương trình này.

Tại lớp tập huấn “Xây dựng hệ thống marketing tự động” vừa qua, các chuyên gia khẳng định một xu hướng ngày càng phổ biến trong marketing và truyền thông là sử dụng người có ảnh hưởng (influencer marketing) để mang thương hiệu đến gần hơn với người tiêu dùng. Theo nghiên cứu, có tới 70% người tham gia công nhận rằng họ thường được cập nhật thông tin về sản phẩm mới thông qua những trang mạng xã hội họ theo dõi và có tới 44% người tiêu dùng sẵn lòng tiếp nhận những đề xuất từ người ảnh hưởng. Để xác định nhóm người ảnh hưởng cần dựa trên nghiên cứu chuyên sâu đối tượng khách hàng mục tiêu.

Chú trọng vấn đề bảo mật

Ông Nguyễn Văn Vịnh, Khoa Công nghệ thông tin, Robot và Trí tuệ nhân tạo trường Đại học Bình Dương, cho biết DN cần chú trọng đến quá trình bảo mật đối với mạng lưới thiết bị kết nối internet (IoT). Vấn đề bảo mật cho máy tính để bàn, máy tính xách tay còn nhiều khó khăn và cần đến cả sự “chịu khó” của người dùng, trong khi đó đối với các thiết bị IoT vấn đề bảo mật còn rắc rối hơn nữa.

Sản phẩm IoT mới được phát triển nên thường tồn tại nhiều lỗ hổng bảo mật. Các tin tặc (hacker) có thể lợi dụng những lỗ hổng này để tấn công thiết bị IoT. Đây là một mối lo ngại lớn cho DN khi sử dụng các thiết bị IoT. Tội phạm mạng có thể kiểm soát toàn bộ hệ thống mạng của DN thông qua một thiết bị IoT không được bảo mật được tham gia vào mạng. Chính vì vậy, DN cần chú ý những điểm: Nếu không cần thiết thì không kết nối thiết bị với internet; cần tìm hiểu kỹ các tính năng mà thiết bị cung cấp; xem xét sự khác biệt khi kết nối internet cho thiết bị và khi không kết nối; tạo một mạng riêng: Nhiều router hỗ trợ kết nối mạng wifi cho mạng khách hàng. Kiểu phân tách này bảo đảm an toàn khi sử dụng thiết bị IoT.

Cần chọn mật khẩu an toàn khác nhau cho mỗi thiết bị. Chọn mật khẩu mạnh và an toàn là rất quan trọng nhưng cũng cần chọn cho mỗi loại thiết bị một mật khẩu riêng. Bởi vì khi tin tặc có được một trong các mật khẩu của người dùng, chúng thường sẽ thử nó với các dịch vụ và thiết bị khác của người đó. Tuy nhiên, khi có nhiều mật khẩu nên sử dụng một trình quản lý mật khẩu; vô hiệu hóa chức năng universal plug and play (UPnP) trên thiết bị. UPnP được thiết kế giúp các thiết bị mạng tương tác với nhau đơn giản mà không cần cấu hình. Tuy nhiên, UPnP có thể làm cho các router, máy in, máy ảnh và các thiết bị khác dễ bị tấn công. Bởi tin tặc cũng có thể tấn công thông qua lỗ hổng trong giao thức UPnP. Vì vậy, tốt nhất nên vô hiệu hóa chức năng này trên thiết bị.

Luôn cập nhật phần mềm mới nhất. Nếu muốn bảo đảm có bản vá lỗi bảo mật mới nhất và giảm được nguy cơ thành công của cuộc tấn công thì người dùng cần cập nhật phần mềm thường xuyên cho các thiết bị. Do vậy, các lỗ hổng và mã khai thác sẽ được sửa khi chúng xuất hiện trên các thiết bị IoT và router. Cần thiết lập tự động việc cập nhật ở bất cứ nơi nào có thể hoặc thiết lập một lịch trình để kiểm tra cập nhật chu kỳ 3 tháng hoặc lâu hơn; cần cảnh giác với các dịch vụ đám mây. Nhiều thiết bị IoT được triển khai trên các dịch vụ đám mây nhưng để có kết nối internet cho một số chức năng có thể là một vấn đề. Bởi thiết bị không thể hoạt động khi không có kết nối mạng mà việc đồng bộ hóa dữ liệu nhạy cảm hoặc cung cấp một kênh kết nối tới ngôi nhà thông minh cần hết sức thận trọng. Người dùng cần nghiên cứu chính sách bảo mật của nhà cung cấp và xem xét sự bảo đảm về mã hóa và bảo vệ dữ liệu.

Nên có chính sách quản lý thiết bị cá nhân (BYOD) trong công việc. Mỗi DN cần có chính sách BYOD rõ ràng. Không nên cho phép các thiết bị IoT của cá nhân kết nối vào mạng của DN hoặc chỉ cho phép kết nối vào mạng khách hàng; theo dõi và đánh giá thiết bị. Các DN cần phải theo dõi tất cả mọi thứ được kết nối vào mạng và giám sát luồng lưu lượng. Các thiết bị cần phải được đánh giá để xác định mức độ truy cập, bảo đảm được cập nhật và vá lỗi đầy đủ. Những thiết bị không được nhận dạng nên gắn cờ cảnh báo. Việc hiểu về các thiết bị được kết nối và cách chúng hoạt động là điều kiện tiên quyết để bảo đảm đưa ra biện pháp an toàn thông tin một cách thích hợp.

Ông Vịnh cho rằng cách tốt nhất là chỉ kết nối thiết bị cần thiết vào mạng và liên tục theo dõi, giám sát, từ đó phát hiện sớm các hành vi bất thường, cập nhật bản vá cho phần mềm. Đồng thời, giữ cho hệ điều hành và phần mềm, website của bạn luôn được cập nhật, sử dụng một sản phẩm bảo mật tốt để bảo vệ tất cả các thiết bị của bạn trong mạng và quan trọng nhất, nâng cao nhận thức của bản thân về các sản phẩm IoT.

 Các chuyên gia khẳng định, xây dựng chiến lược hội nhập quốc tế mới trong thời đại kinh tế số, thực hiện “đổi mới” và “hội nhập” vào thị trường kinh tế số toàn cầu đi đôi với kích thích phát triển và hỗ trợ đúng mức để nuôi dưỡng và thúc đẩy các DN số trong nước không ngừng lớn mạnh. Chiến lược hội nhập quốc tế cần kết hợp vừa “mở cửa, hội nhập” thị trường kinh tế số, vừa phải có chiến lược thúc đẩy phát triển các DN công nghệ Việt Nam thông qua chính sách hỗ trợ và ưu đãi có chọn lọc, nhất là với những DN công nghệ nội địa tiềm năng vươn lên chiếm lĩnh thị trường trong nước và sớm đủ sức vươn ra cạnh tranh với bên ngoài.

 TIỂU MY

Báo Bình Dương