Ngành công thương: Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử
(BDO) Bình Dương được đánh giá là miền đất hứa để phát triển thương mại điện tử (TMĐT). Ngành công thương tỉnh đã và đang nỗ lực hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp (DN) đầu tư phát triển lĩnh vực kết nối và thâm nhập thị trường.
Dưa lưới Hợp tác xã Kim Long tham gia Hội nghị kết nối cung cầu nông sản Bình Dương 2018. Ảnh: TIỂU MY
Nhiều cố gắng
Hiểu được tầm quan trọng của sự phát triển lĩnh vực TMĐT, Sở Công thương đã xây dựng sàn giao dịch TMĐT của tỉnh. Theo đó, tỉnh đẩy mạnh nghiên cứu và xây dựng mô hình thanh toán TMĐT; xây dựng giải pháp bán hàng trực tuyến; xây dựng hệ thống giám sát và quản lý hoạt động TMĐT trên môi trường trực tuyến… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp các địa phương tận dụng tối đa những lợi ích mà TMĐT đem lại. Sở cũng đã có nhiều chương trình thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng TMĐT; triển khai đến doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn ký cài đặt phần mềm bán hàng thông minh, email thương hiệu và ứng dụng truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.
Từ cuối tháng 10-2018, Bộ Công an đã công bố Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều trong Luật An ninh mạng. Ngay sau đó, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phối hợp với Cục TMĐT và Kinh tế số, Hiệp hội TMĐT (VECOM) tổ chức tọa đàm góp ý cho dự thảo. Các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến tham gia tọa đàm đánh giá cách diễn đạt của một số điều khoản trong dự thảo nghị định còn chưa rõ ràng, dễ gây hiểu nhầm. Tuy nhiên, các quy định trong dự thảo không gia tăng đáng kể chi phí hoạt động của các doanh nghiệp TMĐT.
Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1-1-2019 của Chính phủ giao Bộ Công an trình dự thảo nghị định này trong tháng 3-2019. Các hội viên VECOM tiếp tục phối hợp với các cơ quan, tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp hướng tới mục tiêu giữ vững an ninh quốc gia trên môi trường mạng, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho việc kinh doanh trực tuyến.
Minh bạch thông tin, nguồn gốc sản phẩm
Theo ông Tony Lai, Đồng Chủ tịch CodeX Standford Blockchian Group (Hoa Kỳ), trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, cũng như tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn còn khó kiểm soát, người tiêu dùng ngày càng có những yêu cầu cao hơn trong việc minh bạch thông tin, nguồn gốc sản phẩm. Việc ứng dụng Blockchain trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho phép truyền tải dữ liệu một cách an toàn bằng một hệ thống mã hóa phức tạp và được mở rộng theo thời gian.
Thời gian qua, nhiều sản phẩm hàng hóa Việt đã có những cải tiến mẫu mã, bao bì theo hướng hiện đại, tiện lợi, giới thiệu rõ những tính năng, thành phần sản phẩm, hạn sử dụng... Tuy nhiên, ghi nhận cho thấy một số sản phẩm vẫn chưa thực sự tiện lợi, các thông tin giới thiệu sản phẩm còn nằm ở vị trí khuất, khó nhìn. Nhiều ý kiến người tiêu dùng cho rằng doanh nghiệp muốn nâng cao năng lực tiếp cận thị trường thông qua sàn giao dịch cần minh bạch, rõ ràng trong nhãn mác, thông tin về sản phẩm để đáp ứng thị hiếu và yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đặc biệt, doanh nghiệp cần hướng tới áp dụng các phương án truy xuất hiện đại, các loại bao bì cần đa dạng, thân thiện với môi trường...
Đối với mặt hàng thực phẩm, trước tình trạng hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn khó kiểm soát trên thị trường như hiện nay, nhiều người tiêu dùng mong muốn các sản phẩm Việt cần minh bạch thông tin về nguồn gốc xuất xứ, thành phần sản phẩm, hàm lượng dưỡng chất...
Ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc Hợp tác xã dưa lưới Kim Long, chia sẻ với xu thế thị trường có nhiều biến động, nhất là khi sản phẩm nông nghiệp Việt phải cạnh tranh khốc liệt với hàng ngoại nhập cùng loại khi thị trường ngày càng mở cửa, doanh nghiệp sản xuất trong nước cần chủ động minh bạch các thông tin sản phẩm, nhất là thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, thành phần, ngày sản xuất - ngày hết hạn, các tiêu chí an toàn, bảo vệ môi trường đạt chuẩn cần thiết để người tiêu dùng có thêm cơ sở tham khảo, lựa chọn và tin dùng sản phẩm Việt.
Hợp tác xã dưa lưới Kim Long đã đầu tư các trang web của đơn vị khá công phu, bao gồm quy trình sản xuất, thông tin sản phẩm, các trang trại… để người tiêu dùng biết nhiều hơn về quy trình trồng dưa lưới của đơn vị. Bên cạnh đó, hợp tác xã thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa thông qua mã vạch để người tiêu dùng có thể sử dụng điện thoại thông minh quét mã sản phẩm, qua đó kiểm tra nguồn gốc, quy trình sản xuất của sản phẩm.
Hiện nay, một điểm yếu dễ thấy của hàng Việt nói chung là khâu bao bì thiết kế chưa được chú trọng. Người tiêu dùng đề xuất bao bì, mẫu mã các sản phẩm Việt cần được thiết kế đa dạng, tiện lợi hơn, đặc biệt là các thông tin về sản phẩm, hạn sử dụng, thành phần dưỡng chất... cần được thể hiện minh bạch, công khai, góp phần tạo cầu nối, tiếng nói chung giữa người tiêu dùng với nhà sản xuất.
TIỂU MY