Ngành công thương: Nỗ lực quản lý tốt lĩnh vực công nghiệp

Thứ năm, ngày 24/10/2019

(BDO) Thời gian qua, Sở Công thương đã có nhiều nỗ lực thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực công nghiệp, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp tỉnh nhà phát triển ổn định.

 Lãnh đạo Sở Công thương tìm hiểu hoạt động của doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn. Ảnh: TIỂU MY

 Làm tốt công tác tham mưu

Theo quy hoạch đã được phê duyệt, toàn tỉnh có 12 CCN với tổng diện tích 789,9 ha, trong đó có 10 CCN đã đi vào hoạt động với diện tích 648,29 ha. Đến nay, tỷ lệ lấp đầy diện tích bình quân của các CCN đã đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh khoảng 67,4%. Trong số này có 4 CCN tỷ lệ lấp đầy đạt 100%, gồm các CCN Bình Chuẩn, An Thạnh, Tân Đông Hiệp, Thành Phố Đẹp; 1 CCN đã lấp đầy 90% diện tích (CCN Thanh An). Đạt được kết quả nói trên là nhờ ngành công thương tỉnh đã và đang có nhiều nỗ lực đóng góp cùng tỉnh phát triển công nghiệp; quản lý, quy hoạch các cụm công nghiệp (CCN) bài bản.

Riêng từ đầu năm đến nay, Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh chấp thuận chủ trương thực hiện quy trình thỏa thuận với Bộ Công thương bổ sung quy hoạch thành lập CCN Tam Lập 2; hướng dẫn UBND TX.Thuận An, UBND TX.Dĩ An thực hiện thủ tục đưa ra khỏi quy hoạch 3 CCN; hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện phương án xử lý đối với 3 CCN với diện tích trên 75ha. Bên cạnh đó, sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 149/QĐ-UBND về việc thành lập CCN Thanh An và Quyết định số 260/QĐ- UBND về việc thành lập CCN Tân Thành; trình UBND tỉnh xin chủ trương thành lập CCN Phước Hòa, CCN Tam Lập 3, 4...

Hiện sở đang đẩy mạnh thực hiện các đề án, như: Nâng cao tỷ trọng nội địa hóa, hàm lượng công nghệ và hàm lượng tri thức trong các sản phẩm xuất khẩu chủ lực và dịch vụ hỗ trợ trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; định hướng ngành nghề, dự án kêu gọi thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại; phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030...

Trong thời gian tới, Sở Công thương tiếp tục nỗ lực triển khai thực hiện tốt các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Chính phủ, Bộ Công thương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện nhóm biện pháp, điều hành cụ thể trước diễn biến khó lường của tình hình kinh tế thế giới.

Nỗ lực bảo đảm an toàn sản xuất

Hiện Sở Công thương cũng đang thực hiện tốt công tác quản lý hoạt động hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ để bảo đảm an toàn trong hoạt động sản xuất, lao động.

Đến nay, toàn tỉnh có trên 250 doanh nghiệp công nghiệp hóa chất, 150 doanh nghiệp sản xuất hóa chất và hàng ngàn doanh nghiệp sử dụng hóa chất trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây là ngành có nguy cơ gây ô nhiễm cao đối với môi trường. Do đó, công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất luôn được lãnh đạo Sở Công thương quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Chỉ tính từ đầu năm đến nay, sở đã phối hợp với Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) kiểm tra điều kiện kinh doanh của 76 cửa hàng xăng dầu, 11 doanh nghiệp kinh doanh khí, 28 doanh nghiệp sử dụng hóa chất. Đồng thời, sở đề nghị UBND các huyện, thị, thành phố chỉ đạo các Phòng Kinh tế kiểm tra công tác PCCC các cơ sở kinh doanh xăng dầu, hóa chất... trên địa bàn. Đối với các cơ sở không đủ điều kiện, sở không cấp lại giấy chứng nhận đủ điền kiện kinh doanh.

Trong thời gian tới, sở tiếp tục phối hợp với các ngành tăng cường kiểm tra công tác an toàn PCCC tại các cửa hàng kinh doanh và các kho chứa xăng dầu, trạm nạp, trạm cấp khí gas; tổ chức diễn tập ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh. Đồng thời, sở xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp hoạt động hóa chất (kết hợp hệ thống thông tin địa lý GIS); xây dựng sổ tay hướng dẫn ứng cứu sự cố hóa chất phù hợp với từng loại hình, nguy cơ. Sở cũng phối hợp với UBND các huyện, thị, thành phố có biện pháp xử lý đối với các cửa hàng kinh doanh hóa chất không đáp ứng điều kiện an toàn; tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế phối hợp quản lý hóa chất trên địa bàn tỉnh…

 TIỂU MY