Ngành công thương đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao chất lượng phục vụ
(BDO) Sở Công thương đang tập trung thực hiện nhiệm vụ được phân công chi tiết theo từng lĩnh vực để số hóa dữ liệu quản lý của ngành. Trước mắt, sở xây dựng kho dữ liệu ngành công thương giai đoạn I, sau đó tiếp thu ý kiến và phát triển hệ thống thông tin trong giai đoạn II, kết hợp với số hóa dữ liệu, dự báo, dự đoán tình hình công nghiệp, thương mại trên địa bàn tỉnh.
Ngành công thương nỗ lực khai thác hiệu quả Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh tỉnh Bình Dương (IOC)
Chủ động phục vụ
Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, nhằm hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ Công thương giao về chuyển đổi số, Sở Công thương tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức cho các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, người dân về triển khai thực hiện chuyển đổi số, tạo sự đồng thuận. Cùng với đó, sở triển khai đồng bộ, hiệu quả đối với lĩnh vực ngành, ứng dụng công nghệ thông tin vào phục vụ công tác quản lý điều hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách tốt nhất.
Ngành công thương chủ động phối hợp với các sở, ngành xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai các khóa đào tạo, đặc biệt các bài giảng trực tuyến mở trên môi trường số, hỗ trợ đào tạo tại cơ sở sản xuất, kinh doanh hướng đến mục tiêu 100% cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp có nội dung đào tạo, chương trình đào tạo gắn với chuyển đổi số, công nghệ số, thương mại điện tử.
Sàn thương mại điện tử đã phối hợp đăng tải dữ liệu, đến nay lũy kế có 304 doanh nghiệp, 1.772 sản phẩm. Hiện nay, lượt truy cập trung bình vào website của sàn thương mại điện tử tỉnh đạt 451 lượt/tháng, lũy kế đạt 49.650 lượt. Sàn đã cập nhật 28/28 sản phẩm OCOP và 42/42 bộ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2022. |
Đến nay, việc thu thập và xử lý dữ liệu từ các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin của Sở Công thương đã được thiết lập trong từng lĩnh vực một cách tập trung, phục vụ công tác phân tích, xử lý dữ liệu, hiển thị trực quan qua các bảng điều hành (dashboard); triển khai thử nghiệm một số dịch vụ công nghệ thông tin mới nhằm cung cấp dữ liệu cho các lĩnh vực cần giám sát, điều hành và đáp ứng nhu cầu quản lý, đồng thời bảo đảm khai thác hiệu quả Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh tỉnh Bình Dương (Trung tâm IOC). Sở thực hiện giám sát và quản lý một cách tổng thể, phân tích dữ liệu lớn, dự báo, hỗ trợ ra quyết định nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, liên thông với Trung tâm Giám sát điều hành tập trung Bộ Công thương và Trung tâm IOC tỉnh Bình Dương; hoàn thiện dự án xây dựng cơ sở dữ liệu ngành công thương, cập nhật thêm một số ứng dụng phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Sở Công thương thiết lập một hệ thống phần mềm tổ chức, quản lý, đăng ký tham gia quảng bá thương hiệu, sản phẩm OCOP, hội chợ triển lãm trực tuyến, bảo đảm kết nối thông tin chủ động giữa người bán và người mua, kết nối cung cầu hàng hóa, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại; tăng cường ứng dụng mô hình kinh doanh trên môi trường trực tuyến, qua đó giúp doanh nghiệp có thêm không gian, địa điểm cũng như liên kết các doanh nghiệp để quảng bá trực tiếp sản phẩm đến người tiêu dùng, tăng doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Ngành công thương ý thức rõ việc xây dựng và triển khai đề án hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ngành nghề truyền thống là cấp thiết để kịp thời hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh mới. Cùng với đó, chuyển đổi số công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, số hóa công tác hành chính của Sở Công thương, 100% văn bản được phát hành điện tử dưới dạng có chữ ký số của lãnh đạo cấp phòng, lãnh đạo sở.
Chuyển đổi phương thức quản lý
Ông Nguyễn Thanh Toàn cho biết sau gần 2 năm thi công, đến năm 2022 công tác kiểm tra nghiệm thu vận hành cơ sở dữ liệu ngành đang được tập trung toàn nguồn lực để đưa vào sử dụng với khối lượng bao gồm 423 chức năng, 41 lớp dữ liệu, 4.590 điểm tọa độ doanh nghiệp. Số hóa tổng số 4.350 hồ sơ với 543.700 trang A4. Các hạng mục quan trọng của dự án là xây dựng phần mềm xử lý nghiệp vụ các thủ tục hành chính tại Sở Công thương bảo đảm liên thông với trục liên thông của tỉnh để kết nối với các phần mềm dùng chung của tỉnh, như: Phần mềm một cửa, phần mềm quản lý văn bản... Đến nay, dự án đã nhập dữ liệu đầu kỳ cho các danh mục ngành công thương gồm các phân hệ quản lý dữ liệu, các lớp dữ liệu tọa độ địa lý; số hóa toàn bộ hồ sơ nghiệp vụ của ngành hiện có, thuê hạ tầng vận hành phần mềm và hệ thống CSDL ngành; triển khai phần mềm cho các phòng ban, đơn vị trực thuộc của sở và đào tạo, chuyển giao công nghệ cho người dùng.
Sở Công thương thực hiện thu thập 11 tọa độ trung tâm logistics, xây dựng chức năng quản lý dữ liệu quy hoạch ngành dịch vụ logistics, quản lý dữ liệu, quản lý doanh thu, lao động theo thời gian, báo cáo thống kê dữ liệu Trung tâm Logistic theo 5 tiêu chí cơ bản: Ngành nghề kinh doanh, loại nhà đầu tư, trạng thái, hạng, loại hình dịch vụ cung cấp. Sở Công thương cũng thực hiện thu thập 313 tọa độ doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm, 598 tọa độ doanh nghiệp hoạt động điện lực dưới 3MW; quản lý dữ liệu sản lượng cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm theo 5 tiêu chí cơ bản: Lĩnh vực, ngành nghề, loại năng lượng sử dụng, tình trạng báo cáo kiểm toán, trạng thái; số hóa các hồ sơ kiểm toán năng lượng.
TIỂU MY