Ngành Công thương Bình Dương tích cực triển khai hoạt động chuyển đổi số

Chủ nhật, ngày 10/11/2024

(BDO)

Chuyển đổi số đang trở thành một xu thế, một động lực thúc đẩy quan trọng trong phát triển của xã hội nói chung và của từng doanh nghiệp, đơn vị nói riêng. Trong tương lai, chuyển đổi số sẽ giúp tạo ra khối lượng của cải, vật chất trong xã hội gấp nhiều lần các giai đoạn trước cộng lại. Đồng hành cùng quá trình đó, ngành Công thương Bình Dương luôn xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành. Trong năm 2024, ngành đã triển khai rất nhiều các hoạt động liên quan đến hoạt động này.

UBND tỉnh Bình Dương khen thưởng Sở Công thương và 15 tập thể có thành tích xuất sắc trong cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 và thành phố thông minh năm 2023. Ảnh: Kim Cúc

Sở Công thương đã tập trung Xây dựng Văn phòng Số, chuyển đổi số công tác chỉ đạo điều hành; xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu ngành Công thương với 5.659 thông tin cập nhập về lớp dữ liệu và thực hiện liên kế dữ liệu với hệ thống Một cửa điện tử của tỉnh trong quá trình tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, chia sẽ dữ liệu quản lý của ngành trên Trung tâm IOC của tỉnh. Qua đó, giúp người dân, doanh nghiệp có thể dễ dàng tìm kiếm các thông tin liên quan đến ngành.

Hiện nay, Sở đã thực hiện ứng dụng 100% chữ ký số trong phát hành văn bản đi của cơ quan, tỷ lệ số hóa hồ sơ các thủ tục hành chính đạt 100%. Ngoài ra, cũng thực hiện các kết nối quốc tế, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường thông qua các hình thức trực tuyến. Qua đó, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả các hoạt động của ngành, giảm chi phí, tạo thuận lợi và minh bạch hơn trong quá trình điều hành, phân bổ nguồn lực để thực hiện tốt các nhiệm vụ mà ngành được giao.

 

Hội thảo “Hành trình thay đổi diện mạo, năng lực chuyển đổi số ngành Công thương”. Ảnh: Sưu tầm

Đối với công tác hỗ trợ doanh nghiệp, ngành tập trung tuyên truyền về chuyển đổi số, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho doanh nghiệp, đã tổ chức, phối hợp tổ chức hội thảo “Hành trình thay đổi diện mạo, năng lực chuyển đổi số ngành Công thương”; Hội nghị “Thúc đẩy mô hình chuyển đổi số cho doanh nghiệp ngành Công thương năm 2024”, v.v…

Xây dựng kênh tuyên truyền về phát triển thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế trên địa bàn tỉnh (qua các nền tảng mạng xã hội), tích hợp Cổng thông tin điện tử và fanpage của Sở; Thí điểm sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt tại một số doanh nghiệp ngành Công thương, chợ truyền thống;

Tăng cường ứng dụng mô hình kinh doanh trên môi trường trực tuyến, quảng bá trực tiếp sản phẩm sản xuất đến người tiêu dùng, tăng doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa cải tiến máy móc thiết bị, ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh, thường xuyên tiếp xúc, trao đổi và kịp thời đề xuất, kiến nghị với các cấp, các ngành những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là trong quá trình thúc đẩy các hoạt động ứng dụng số, đổi mới công nghệ, sáng tạo, v.v…

Chuyển đổi số sẽ mang lại những lợi ích trực tiếp cho doanh nghiệp, tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí, tiếp cận khách hàng dễ hơn (khai thác dữ liệu khách hàng, hiểu rõ hơn cảm xúc, mong muốn của khách hàng), phục vụ khách hàng tốt hơn, làm cho công tác quản lí, quản trị doanh nghiệp dễ dàng hơn thông qua tự động hóa quy trình, ứng dụng trí tuệ nhân tạo hay robot ảo.

Tuy nhiên, hoạt động chuyển đổi số đang còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức như: chi phí đầu tư ứng dụng công nghệ số đòi hỏi các khoản đầu tư lớn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa; việc thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh của doanh nghiệp là vấn đề không đơn giản đối với đa số doanh nghiệp, thậm chí rủi ro cho mô hình kinh doanh hiện tại; nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong tìm kiếm, thu hút các nhân viên, kỹ sư có trình độ chuyên môn cho quá trình chuyển đổi số; vấn đề an ninh mạng cũng đặt ra cho doanh nghiệp các thách thức của chuyển đổi số về việc trang bị các sản phẩm, phần mềm bảo bảo mật chất lượng cao, v.v…

Quang cảnh Hội nghị “Thúc đẩy mô hình chuyển đổi số cho doanh nghiệp ngành Công thương năm 2024” tháng 10-2024. Ảnh: Kim Cúc

Để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hoạt động chuyển đổi số ngành Công thương, trong thời gian tới, ngành sẽ tập trung thực hiện các giải pháp sau:

1. Tập trung chuyển đổi số cho các doanh nghiệp trong các ngành dịch vụ chất lượng cao, đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, để đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng văn minh, hiện đại; từng bước chuyển đổi số các doanh nghiệp trong sản xuất công nghiệp như dệt may, da giày, cơ khí, gỗ, trong hoạt động sản xuất năng lượng… góp phần đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững, thực hiện lộ trình hướng tới Net-Zero...

2. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền; phổ biến, tuyên truyền sâu rộng nội dung các chỉ thị, nghị quyết của trung ương, địa phương, của ngành về chuyển đổi số để nâng cao nhận thức của công chức, viên chức, người lao động trong ngành và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, người dân về việc áp dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực Công thương. Đẩy mạnh công tác xây dựng tin, bài, chuyên đề đối với các mô hình Chuyển đổi số ngành Công thương. Đẩy mạnh thanh toán điện tử, tạo điều kiện cho thị thường thương mại điện tử, số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu các lĩnh vực của ngành.

3. Đẩy mạnh triển khai các Nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số… Xây dựng, triển khai các dịch vụ, tiện ích thông minh phục vụ công tác quản lý, tăng tương tác với người dân. Duy trì và thường xuyên nâng cấp Trang Thông tin điện tử của Sở Công thương; thử nghiệm và triển khai hiệu quả các dịch vụ đô thị thông minh gắn liền với hệ thống Chính quyền điện tử trên cơ sở hệ thống nền tảng đặt tại Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh của tỉnh. Tiếp tục thực hiện chuyển đổi số toàn diện, số hóa hoàn toàn các quy trình nghiệp vụ của Sở Công thương. Tích hợp hệ thống thông tin của Sở với cơ sở dữ liệu mở của Bộ Công thương, liên kết với cơ sở dữ liệu các ngành có liên quan như xây dựng, tài nguyên và môi trường, kế hoạch đầu tư, v.v… để tạo thành một hệ thống thông tin thống nhất, chia sẻ và khai thác dữ liệu hiệu quả. Tập trung hoàn thiện hệ thống báo cáo, thống kê. Tích hợp các công nghệ hiện đại như AI, Big Data để hỗ trợ quá trình phân tích dữ liệu, hỗ trợ lãnh đạo đưa ra quyết định chính xác và dự báo xu hướng.

4. Nghiên cứu, tham mưu các chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện Chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và sản xuất kinh doanh, tăng lợi thế cạnh tranh. Phát huy vai trò tích cực, chủ động của các hiệp hội, doanh nghiệp trong việc tổ chức các chương trình phổ biến kiến thức về sử dụng các công nghệ số, các loại mô hình kinh tế số đổi mới sáng tạo, chia sẻ kinh nghiệm của những doanh nghiệp đang thành công với công nghệ số. Thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và người tiêu dùng, phát triển thị trường tiêu thụ trong nước, xuất khẩu, đặc biệt chú trọng các thị trường quốc tế.

Doanh nghiệp tham quan tại một gian hàng trưng bày tại Hội nghị “Thúc đẩy mô hình chuyển đổi số cho doanh nghiệp ngành Công thương năm 2024”. Ảnh: Sưu tầm

5. Hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp số có quy mô lớn và uy tín trong nước và quốc tế tổ chức tập huấn, đào tạo cho các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp… ứng dụng công nghệ số trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tập trung vào chuyển đổi kỹ năng, cung cấp các khóa học đại trà trực tuyến mở. Triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có hoạt động thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ số trong thanh toán, mua/ bán hàng hóa/ dịch vụ ...; Đào tạo, tập huấn, tuyên truyền, khuyến khích người dân tham gia thị trường thương mại điện tử, để nâng cao tính cạnh tranh.

Hy vọng với những giải pháp toàn diện, đồng bộ đối với hoạt động chuyển đổi số của ngành Công thương Bình Dương trong thời gian tới sẽ góp phần cùng với hệ thống chính trị đẩy nhanh quá trình thực hiện thành công cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thực hiện mạnh mẽ hơn nữa việc chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực.

                                                                Kim Cúc – Văn phòng Sở