Ngành Công Thương Bình Dương: Khó khăn nhưng vẫn giữ vững tốc độ tăng trưởng
Năm 2011, trong bối cảnh kinh tế cả nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, song nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ từ Nghị quyết 11 của Chính phủ và của ngành. Ngành công thương Bình Dương đã đạt được kết quả khá toàn diện, đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương
Cụ thể, các chỉ tiêu sản xuất công nghiệp, thương mại, xuất khẩu của tỉnh vẫn giữ vững tốc độ tăng trưởng cao. Trong đó, giá trị sản xuất công ngiệp đạt 123.201 tỷ đồng, tăng gần 17,8% so với năm 2010, kim ngạch xuất khẩu đạt 10.342 triệu USD, tăng 21,1%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt trên 59.367 tỷ đồng, tăng 30,5%; tiết kiệm điện tăng 27,8% so với chỉ tiêu đề ra.
Năm 2012, ngành công thương tập trung thực hiện khuyến công để đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn
Nêu lên những kinh nghiệm thực hiện kế hoạch năm 2011 vừa qua, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Hữu cho rằng, kết quả này, trước hết là sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu tập thể công nhân viên để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bám sát vào các chỉ đạo, đề án chương trình của bộ, tỉnh đối với ngành công thương đã đăng ký trong năm 2011, từ đó có kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện theo đúng tiến độ đề ra. Bên cạnh đó là sự đồng thuận thực hiện của doanh nghiệp (DN), nhân dân thông qua việc điều hành của Nhà nước như chương trình bán các mặt hàng bình ổn tại các điểm kinh doanh của DN, các khu - cụm công nghiệp, các xã nông thôn khu vực vùng sâu vùng xa; đã có tác dụng ổn định thị trường, tâm lý người dân; chương trình thực hiện giá điện cho hộ nghèo, hộ thu nhập thấp,...
Theo ý kiến từ một số DN, ngoài sự tự nỗ lực vượt khó của DN hàng quý, Sở Công Thương đã chủ động gặp gỡ, trao đổi, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của DN và qua đó kịp thời kiến nghị cơ quan hữu quan tháo gỡ vướng mắc, khó khăn góp phần giữ vững hoạt động... Tổng giám đốc Công ty ván sàn Sao Nam (Tân Uyên) Đỗ Thị Kim Loan cho biết, bên cạnh 70% nỗ lực vượt khó của DN, 30% phần trăm còn lại chính là sự tạo điều kiện của sở thông qua những buổi họp mặt các ngành, hội và cũng từ đó những khó khăn, kiến nghị của DN đã được các cấp, ngành lắng nghe và kịp thời tháo gỡ.
Phó trưởng đại diện Bộ Công Thương Vũ Xuân Mừng cho rằng, năm 2011 kim ngạch nhập khẩu của tỉnh thực hiện hơn 9 tỷ USD, tăng 24,7% so với năm 2011, Bình Dương đã xuất siêu hơn 1,2 tỷ USD. Đây là một cố gắng vượt bậc trong bối cảnh cả nước phải ra sức kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô... Về lĩnh vực công nghiệp năm 2011, Bình Dương là một trong những địa phương dẫn đầu về quy mô và tốc độ tăng trưởng công nghiệp toàn quốc, chiếm tỷ trọng 17,84% giá trị sản xuất công nghiệp cả nước. Bình Dương là một trong những địa phương đi đầu của cả nước trong việc triển khai thực hiện các gói kích cầu của Chính phủ nhất là đối với các hoạt động hỗ trợ DN thiết thực, dẫn đến các chỉ tiêu kinh tế đều tăng trưởng cao góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực chung trong cả nước trong năm 2012
Trước những những thách thức đặt ra trong năm 2012, ngành sẽ tập trung phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Trong đó, phấn đấu đưa giá trị sản xuất công nghiệp tăng 18%; xuất khẩu tăng 20%; doanh thu dịch vụ tăng 30%, chỉ tiêu tiết kiệm đạt 100% kế hoạch. Để đạt được những mục tiêu này, ông Nguyễn Văn Hữu cho biết, ngành tiếp tục nỗ lực để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng; xây dựng, triển khai thực hiện sớm các chương trình bình ổn thị trường; giữ vững cân đối cung cầu thị trường nhằm kiềm chế tăng giá, ngăn ngừa lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”. Với kinh nghiệm và thành quả năm 2011 cùng với những giải pháp khả thi và thiết thực, tin rằng nền công nghiệp, thương mại dịch vụ của tỉnh sẽ tiếp tục tăng trưởng theo hướng nhanh, bền vững, đáp ứng được yêu cầu phát triển trong trong tình hình mới.
TRÚC HUỲNH