Ngành Công thương Bình Dương: Điểm sáng trên đường phát triển
Được thành lập sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, mặc dù có nhiều khó khăn do hậu quả chiến tranh để lại nhưng ngành công thương (CT) Bình Dương đã thực hiện tốt nhiệm vụ khôi phục kinh tế, phát triển sản xuất - kinh doanh, cung cấp lương thực thực phẩm và hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân...
Phát triển vượt bậc
Suốt chặng đường hoạt động 36 năm qua, ngành CT Bình Dương luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà ngành, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Dương giao cho. Đặc biệt, từ khi chuyển sang cơ chế thị trường, công nghiệp Bình Dương đã ngày càng phát triển mạnh, từ chỗ chỉ có một vài doanh nghiệp (DN) Nhà nước hoạt động thì đến nay đã có hàng chục ngàn DN thuộc tất cả các thành phần kinh tế tham gia sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Nhiều sản phẩm công nghiệp của Bình Dương không những chiếm lĩnh được thị trường nội địa mà còn đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Các ngành dệt may, giày da; chế biến gỗ, sản xuất thép, gốm sứ mỹ nghệ... luôn có tốc độ phát triển nhanh và ổn định. Trong giai đoạn 1997-2008, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 33,4%; giai đoạn 2009-2010, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế kéo dài, lạm phát tăng cao nhưng ngành CT Bình Dương cũng tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp hơn 105.000 tỷ đồng, tăng 26,6 lần so với năm 1997. Kim ngạch xuất khẩu năm 2010 đạt trên 8,2 tỷ USD, tăng 23,5% so với năm 2009, chiếm hơn 10% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Hàng hóa xuất khẩu có mặt ở 183 nước và vùng lãnh thổ khắp các châu lục.
Hạ tầng dịch vụ thương mại của Bình Dương phát triển mạnh (Trong ảnh; Một góc siêu thị Metro Bình Dương)
Về thị trường nội địa từ chỗ chỉ có thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán là 2 thành phần kinh tế chủ yếu, thực hiện nhiệm vụ phân phối hàng hóa bằng chế độ tem phiếu, đến nay đã có nhiều thành phần kinh tế khác tham gia phát triển rất mạnh. Cơ sở vật chất trong lĩnh vực thương mại được đầu tư đổi mới, cùng với loại hình chợ truyền thống được cải tạo, nâng cấp và xây mới theo chủ trương xã hội hóa, nhiều loại hình kinh doanh hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại được hình thành và ngày càng phát triển. Tính đến hết năm 2010, bên cạnh hệ thống 83 chợ, trên địa bàn tỉnh có 5 siêu thị chuyên ngành, 5 trung tâm thương mại và hơn 20.000 cơ sở kinh doanh thương mại với cơ sở vật chất khá hiện đại, phương thức mua bán văn minh, mang lại diện mạo mới cũng như đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng người dân trong tỉnh. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ năm 2010 là 44.130 tỷ đồng, tăng 19 lần so với năm 1997. Công nghiệp, dịch vụ, thương mại phát triển đúng hướng đã làm thay đổi nhanh chóng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, tạo diện mạo mới, khang trang, văn minh, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, giải quyết công ăn việc làm ổn định cho trên 700 ngàn lao động trong và ngoài tỉnh.
Nhận xét về kết quả hoạt động của ngành CT Bình Dương trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ CT Nguyễn Nam Hải cho biết, trải qua quá trình 36 năm hình thành và phát triển, ngành CT Bình Dương đã thể hiện rõ là một tỉnh phát triển mạnh với kim ngạch xuất khẩu, giá trị sản xuất công nghiêp đứng hàng thứ ba của cả nước. Ngành có nhiều hoạt động tích cực trong phong trào vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, hay chương trình đưa hàng Việt về nông thôn để mở rông mạng lưới phân phối phục vụ người tiêu dùng...
Nỗ lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ
Phát động phong trào thi đua yêu nước năm 2011, ngành CT tỉnh Bình Dương phấn đấu đạt được các chỉ tiêu: tăng trưởng sản xuất công nghiệp đạt 127.108 tỷ đồng, tăng 20%; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 57.810 tỷ đồng, tăng 31%; kim ngạch xuất khẩu đạt gần 19 tỷ USD, tăng 20%. Ngành sẽ tiếp tục giảm tỷ lệ nhập siêu và đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế... Phó Giám đốc Sở CT Bình Dương Nguyễn Văn Hữu cho biết, trong năm 2011, ngành sẽ tập trung triển khai nhiều giải pháp nâng cao năng lực quản lý, hiệu quả sản xuất - kinh doanh; cải cách thủ tục hành chính; cải tiến kỹ thuật, ứng dụng các tiến bộ công nghệ để nâng cao năng suất lao động. Song song đó, ngành cũng sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, tháo gỡ khó khăn giúp DN nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh... góp phần kiềm chế lạm phát trong giai đoạn hiện nay theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ cũng như chương trình hành động của tỉnh và ngành CT đã đề ra.
Có thể nói, trong bối cảnh kinh tế thế giới được dự báo là tiếp tục còn nhiều khó khăn, đây là một nhiệm vụ hết sức nặng nề, đòi hỏi toàn ngành phải có những nỗ lực rất lớn. Tin rằng, bằng những kinh nghiệm thực tiễn, cùng những giải pháp thiết thực và nỗ lực vượt khó, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, chung tay phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ mà các cấp, ngành đã giao, góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, đưa Bình Dương bước vững chắc trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
T.HUỲNH
Theo thống kê, hiện nay toàn ngành CT đã đóng góp quan trọng trong tổng GDP cả nước, khoảng 70% thu ngân sách Nhà nước hàng năm, tạo việc làm trực tiếp cho hàng triệu lao động. Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2006-2010 đạt 13,7%/năm. Các thị trường xuất khẩu liên tục được mở rộng tới gần 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng với tốc độ trung bình đạt 17,3%/năm trong giai đoạn 2006-2010, riêng năm 2010 tăng trưởng 26,4%. Ngành CT đang cung cấp các sản phẩm thiết yếu cho nền kinh tế như: năng lượng, khoáng sản, dầu mỏ, khí đốt, thép, hóa chất, phân bón, sản phẩm cơ khí... và phục vụ tiêu dùng như dệt may, giày dép, thuốc lá, bia, rượu, nước giải khát, thực phẩm. Về phát triển công nghiệp, đã xây dựng và hình thành được một số ngành công nghiệp có đủ năng lực đáp ứng nhu cầu trong nước và có khả năng cạnh tranh quốc tế...