Ngành Công thương Bình Dương: Chủ động ứng phó, phòng vệ thương mại

Thứ bảy, ngày 22/12/2018

(BDO) Việc ký kết và thực hiện các cam kết quốc tế trong tiến trình hội nhập kinh tế khiến hàng hóa của Việt Nam đối diện với xu thế gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM). Và, doanh nghiệp (DN) cần phải nỗ lực để ứng phó nhằm giữ vững thị trường trong xu thế hội nhập.

Sở Công thương đẩy mạnh việc triển khai các lớp tập huấn về kiến thức hội nhập cho doanh nghiệp

 

Tập huấn kiến thức về hội nhập cho DN nông nghiệp trong tỉnh

 

Từ ngành chức năng chủ động ứng phó...

Theo thống kê từ Cục PVTM (Bộ Công Thương), thời gian qua, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đã bị 17 quốc gia và vùng lãnh thổ khởi xướng điều tra PVTM với 130 vụ việc sau 10 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Các quốc gia thường xuyên áp dụng biện pháp PVTM với hàng hóa Việt Nam là Mỹ, EU, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Brazil... thông qua hình thức điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp và nghi ngờ lẩn tránh thuế. Đây là hình thức vô cùng phức tạp, bởi tùy theo quy định và cách tính của mỗi nước cũng như cách vận dụng và thực hiện khác nhau của từng DN sẽ kéo theo diễn biến chi tiết từng vụ việc, từng thị trường cũng khác nhau. Đáng chú ý, các mặt hàng thế mạnh của Bình Dương chịu biện pháp PVTM ngày càng mở rộng, từ dệt may, da giày, các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo...

Đánh giá về tình hình này trước Quốc hội trong kỳ họp vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, các biện pháp PVTM đối với các sản phẩm xuất khẩu (XK) của Việt Nam là một xu thế “khó tránh khỏi” trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và xu thế này sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới, đặc biệt là với những quốc gia có tăng trưởng nóng các mặt hàng XK như Việt Nam.

Để hạn chế các tác động tiêu cực, thời gian qua, Bộ Công thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó 3 nhóm giải pháp quan trọng được ưu tiên, gồm: Thứ nhất, thường xuyên cập nhật với các DN và hiệp hội về xu hướng áp dụng các biện pháp PVTM để các DN nắm vững, có kế hoạch ứng phó hiệu quả. Thứ hai, nâng cấp hệ thống cảnh báo sớm để đánh giá những mặt hàng XK có nguy cơ bị áp dụng biện pháp PVTM, giúp các DN chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất và XK và có biện pháp ứng phó kịp thời, hạn chế việc vướng phải các vụ kiện. Thứ ba, chủ động theo dõi chặt chẽ quy trình điều tra của nước nhập khẩu (NK) để bảo đảm các bước trong quy trình điều tra tuân thủ đầy đủ các quy định của WTO, cam kết trong các điều ước quốc tế và nội luật của nước NK.

Cùng với các giải pháp ứng phó với xu thế PVTM từ các thị trường XK, thời gian qua, Việt Nam cũng đã chủ động sử dụng các biện pháp kỹ thuật, biện pháp PVTM phù hợp để bảo vệ sản xuất và lợi ích người tiêu dùng trong nước thông qua công tác hoàn thiện cơ sở pháp lý, tăng cường thể chế và đẩy mạnh thực thi các biện pháp PVTM. Cụ thể, từ năm 2016 đến tháng 8-2018, Việt Nam đã áp dụng 6 biện pháp PVTM để bảo vệ sản xuất trong nước đối với các sản phẩm sắt thép (phôi thép, thép dài, thép mạ, thép hình và tôn màu), phân bón DAP, bột ngọt. Hiện Bộ Công thương đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ để kịp thời thực hiện các biện pháp PVTM phù hợp để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước, như: thép, nhôm, gỗ, nông sản....

... Đến DN tích cực phòng vệ

PVTM được xem là công cụ kiểm soát hàng hóa NK, bảo vệ hoạt động sản xuất trong nước, thế nhưng hiện nay nhiều DN Việt Nam vẫn chưa quan tâm đến vấn đề này. Theo đánh giá của các chuyên gia, các biện pháp PVTM không chỉ góp phần bảo vệ sản xuất mà còn góp phần ổn định giá đầu vào cho một số ngành sản xuất trong nước. Hiện nay, những ngành sản xuất đang được áp dụng biện pháp PVTM đóng góp khoảng 6,13% GDP của cả nước. Thuế PVTM cũng đã góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách và các biện pháp PVTM đã bảo vệ việc làm của gần 100.000 lao động, khuyến khích sản xuất trong nước phát triển và hỗ trợ cân bằng cán cân thanh toán quốc tế.

Thời gian qua, một số mặt hàng bị điều tra chống bán phá giá thường liên quan đến các nhóm sản phẩm kim loại, hóa chất, cao su, máy móc thiết bị, dệt may, giấy, đá, nhựa. Các nhóm hàng bị điều tra chống trợ cấp thường là kim loại, cao su, nhựa, hóa chất, thức uống đóng hộp, rượu, bia, thuốc lá, dệt may, động vật sống, giấy... Đặc biệt, xu hướng này đang ngày càng tăng lên, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất của DN. Vì thế, DN phải hết sức chú ý. Đáng chú ý, những thị trường XK lớn của Việt Nam như Mỹ, EU được cho là thường áp dụng các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, WTO lại không quy định chi tiết kỹ thuật về điều tra PVTM, nên các nước tiên tiến thường có cách tính khác nhau sau mỗi năm. Chính vì vậy, khi áp dụng các biện pháp PVTM, Việt Nam cũng phải tìm hiểu hồ sơ các nước đã thực hiện để rút ra những điều phù hợp và cách tính áp dụng cho thị trường của mình. Trong khi đó, các nước mới phát triển và các nền kinh tế còn “non nớt” thường áp dụng biện pháp tự vệ.

Theo các chuyên gia Cục PVTM, dù tính chất của vấn đề đang được cho là khá nghiêm trọng nhưng DN Việt Nam vẫn còn rất thờ ơ. Khi tiếp nhận thông tin hàng XK của DN trong nước bị các thị trường áp dụng biện pháp PVTM, Cục PVTM thường gọi điện thoại thông báo ngay cho DN, nhưng nhân viên của DN không tiếp nhận thông tin, thậm chí còn không bắt máy. Để nhanh chóng giải quyết vấn đề, Cục PVTM phải gửi công văn đến DN và tất nhiên cách làm này sẽ mất nhiều thời gian hơn. Do vậy, DN cần lưu ý và nhắc nhở bộ phận tiếp nhận thông tin của DN mình trong việc tiếp nhận và xử lý thông tin do các cơ quan quản lý cung cấp.

Gần đây, chia sẻ về kinh nghiệm ứng phó với các biện pháp PVTM của các nước, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) khuyến cáo không nên để một vụ kiện bán phá giá nào xảy ra ở thị trường XK của DN. Bởi vụ việc có thể kéo dài nhiều năm liền, thậm chí vài chục năm. Vì vậy, trong giai đoạn dọa kiện, điều tra phán xét giá, DN phải đấu tranh để bảo vệ mình, giữ thị trường và vượt qua vụ kiện. Minh chứng bằng vụ kiện tôm XK vào thị trường Mỹ, nhờ có kinh nghiệm từ vụ cá da trơn nên các DN xuất khẩu tôm dù bị áp thuế nhưng mức thuế áp không cao như trong vụ kiện cá da trơn và trong các kỳ xem xét hành chính tình hình cũng thuận lợi hơn. Nhờ vậy, sau 14 năm, mặc dù tôm Việt Nam vẫn bị Mỹ áp thuế phá giá nhưng vẫn được XK đều đặn.

Thời gian qua, Sở Công thương đã tổ chức tập huấn về các nội dung DN cần chú trọng trong hội nhập, trong đó có vấn đề tăng cường các giải pháp PVTM và những điều DN cần lưu ý. Theo ý kiến Sở Công thương, PVTM là biện pháp chung của tất cả các nước. Thế nên, khi bị thị trường XK dọa kiện, điều tra, nếu DN ngán ngại, bỏ thị trường, không tham gia kháng kiện sẽ khiến những thị trường khác có thể nhìn vào và vin vào đó để áp biện pháp khởi động điều tra lên mặt hàng của DN, từ đó rất dễ dẫn đến tình trạng ngành hàng bị khởi kiện theo chuỗi. Vì vậy, khi bị dọa điều tra và kiện, DN cần hợp tác để phản kháng lại quyết định của thị trường XK thông qua chia sẻ thông tin, kinh phí. Như vậy, lợi ích mang lại không chỉ cho mỗi DN mà còn cho cả ngành hàng.

Theo thông tin từ Bộ Công thương, trong thời gian tới bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan theo dõi sát diễn biến giá và rà soát định kỳ để điều chỉnh phù hợp thực tiễn, tránh hiện tượng hàng hóa tăng giá do biện pháp PVTM hay giảm động lực cạnh tranh của DN trong nước với mục tiêu ngăn chặn những tác động tiêu cực của hàng NK ồ ạt, cạnh tranh không lành mạnh với hàng hóa trong nước và bảo đảm giữ vững sản xuất trong nước cũng như tăng cường năng lực cạnh tranh.

TIỂU MY