Ngành công nghiệp tiếp tục tăng trưởng tốt

Thứ ba, ngày 21/05/2019

(BDO) Từ đầu năm đến nay, ngành công nghiệp Bình Dương tiếp tục giữ đà tăng trưởng ấn tượng. Ngành công nghiệp không chỉ giữ vững vai trò chủ lực mà còn góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đề ra.

4 tháng đầu năm 2019, công nghiệp của Bình Dương tiếp tục tăng trưởng tốt. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất inox tại Công ty Sung Gwang Vina, Cụm công nghiệp Uyên Hưng (TX.Tân Uyên). Ảnh: KHÁNH VINHĐóng vai trò chủ lực

Công nghiệp - ngành sản xuất mũi nhọn chủ lực của tỉnh tiếp tục thể hiện sức tăng trưởng ấn tượng. Từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất công nghiệp trong toàn tỉnh tiếp tục phát triển ổn định, các doanh nghiệp duy trì tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ vững tốc độ tăng trưởng, tích cực thực hiện tốt các giải pháp thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm, phát triển thị trường. Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng 7,51% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thuộc tốp đầu cả nước.

Nếu chỉ tính riêng trong tháng 4, Chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 9% so với tháng trước và tăng 12,85% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó khai khoáng tăng 5,76%, chế biến và chế tạo tăng 7,49%, sản xuất và phân phối điện tăng 15,87%, cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 5,63%. Đáng chú ý, có đến 22/25 sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh tăng so với cùng kỳ năm trước và có đến 11 nhóm tăng trên 7%. Đây là một tín hiệu lạc quan cho ngành công nghiệp tỉnh nhà.

Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết tới đây Bình Dương tiếp tục triển khai thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp, kế hoạch sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. Ông cũng yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn cần sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng, nguyên liệu đầu vào, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, bảo đảm phát triển bền vững.

Để công nghiệp đi vào chiều sâu, trong thời gian tới tỉnh tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp mũi nhọn, chế biến chế tạo, cung cấp nguyên phụ liệu; cùng với đó nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm công nghiệp. Bình Dương cũng sẽ xây dựng kế hoạch từng bước chuyển đổi công năng các khu, cụm công nghiệp phía Nam phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị, dịch vụ. Đặc biệt, tỉnh sẽ tập trung thực hiện đúng lộ trình phát triển các khu công nghiệp đã có chủ trương của Thủ tướng Chính phủ.

Nếu xét trên bình diện cả nước, mức tăng trưởng kinh tế của Bình Dương trong 4 tháng qua tiếp tục nằm trong tốp 10 tỉnh, thành có tốc độ tăng trưởng công nghiệp cao nhất. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, chỉ số sản xuất công nghiệp của 59/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó Thanh Hóa có tốc độ tăng cao nhất với mức tăng 51,2% do Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn mới đi vào sản xuất. Tiếp đến là các tỉnh, thành Hải Phòng, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bình Dương…

Có được sức tăng trưởng ấn tượng nói trên là nhờ trong những năm qua, Bình Dương đã từng bước chọn lọc và tập trung kêu gọi phát triển những dự án đầu tư có trình độ kỹ thuật, công nghệ sản xuất hiện đại, đặc biệt là các dự án lớn nhằm phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ chất lượng cao. Hầu hết vốn đầu tư trong nước lẫn đầu tư nước ngoài trong thời gian qua vào Bình Dương tập trung vào lĩnh vực công nghiệp cho thấy sức phát triển nhanh, mạnh mẽ của ngành mũi nhọn này. Nhờ đó, ngành công nghiệp của Bình Dương tiếp tục phát triển theo chiều sâu, tạo động lực cho phát triển đô thị, dịch vụ, thương mại trên địa bàn.

Giải pháp để công nghiệp đột phá

Có thể nói, trong thời gian qua, ngành công nghiệp của tỉnh đã có những nỗ lực vượt bậc, vượt qua những khó khăn, thách thức để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới ngành công nghiệp tỉnh nhà cần có sự cố gắng hơn nữa, xứng đáng là ngành kinh tế chủ lực, phát triển đúng định hướng, theo chiều sâu, tạo động lực cho phát triển đô thị, dịch vụ, thương mại trên địa bàn.

Theo kế hoạch, trong năm 2019 Bình Dương sẽ tập trung chủ đề công nghiệp và dịch vụ thông minh; hoàn thiện hơn nữa mô hình hợp tác “ba nhà” (Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp); đồng thời đẩy mạnh kết nối, trao đổi quốc tế. Tỉnh cũng phát huy tối đa cơ hội hợp tác với các mạng lưới, tổ chức quốc tế của các thành phố thông minh, khoa học - công nghệ trên thế giới; triển khai ít nhất 3 dự án có hiệu quả trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp…

Để đạt được mục tiêu nói trên, các cấp, các ngành của tỉnh đang và sẽ triển khai thực hiện 11 dự án trọng điểm. Theo đó, các cấp, các ngành phát triển dịch vụ logistics thông minh để tạo động lực thu hút các doanh nghiệp có giá trị gia tăng cao, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; phát triển nhà máy bán dẫn công đoạn back-end (kết thúc một quá trình xử lý) để thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao. Đồng thời, các đơn vị tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển khu công nghiệp khoa học - công nghệ; phát triển các chương trình phát triển bền vững như năng lượng sạch, bảo vệ môi trường, xử lý rác thải; xây dựng đường dây nóng, hệ thống camera giao thông thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin cho thành phố thông minh...

Đáng chú ý, trong năm 2019, Bình Dương tiếp tục tổ chức các sự kiện lớn mang tầm quốc tế như Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á (Horasis) 2019, cuộc thi ý tưởng sáng tạo hàng năm về thành phố thông minh. Theo đó, Horasis 2019 dự kiến sẽ diễn ra từ 24 đến 25-11-2019 tại thành phố mới Bình Dương. Đây là những sự kiện lớn mang tầm quốc tế và được cho là có tác động rất lớn đến ngành công nghiệp-dịch vụ của Bình Dương trong tương lai gần. Chính vì thế, theo nhiều chuyên gia, ngành công nghiệp của Bình Dương sẽ có những bước bước tiến đáng kể trong thời gian tới, tạo những điểm nhấn trên biểu đồ phát triển công nghiệp của cả nước.

Công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp cả nước
Số liệu thống kê từ Tổng cục Thống kê cho thấy, sản xuất công nghiệp của cả nước trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2019 tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt, thúc đẩy tăng trưởng chung của nền kinh tế nước ta. Đối với ngành sản xuất và phân phối điện, tiếp tục bảo đảm đáp ứng tốt cho hoạt động sản xuất và sử dụng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân cả nước với tốc độ tăng giá trị sản xuất cao hơn mức tăng chung của toàn ngành.
Trong tháng 4-2019, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng tăng 2%, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,5%, sản xuất và phân phối điện tăng 9,4%, cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,8%. Tính chung 4 tháng đầu năm 2019, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 10,7% của cùng kỳ năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng 7,4% và 6,6% của cùng kỳ năm 2016 và năm 2017. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,9% (cùng kỳ năm trước tăng 12,9%), đóng góp 8,3 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,2%, đóng góp 0,8 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,3%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng bằng cùng kỳ năm trước (khai thác than tăng 13%, khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 4,1%).
MINH KHÁNH

KHÁNH VINH

 

Từ khóa: