Ngành công nghiệp huyện Phú Giáo: Động lực phát triển kinh tế của địa phương

Thứ tư, ngày 08/05/2024

(BDO) Xác định phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp là động lực quan trọng, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, huyện Phú Giáo đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nâng cao năng lực, tiếp cận tốt các nguồn lực, khuyến khích thành lập các DN mới gia nhập thị trường.

 Ngành công nghiệp đóng góp quan trọng vào ngân sách địa phương. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Cổ phần Hưng Hải Thịnh, Cụm công nghiệp Tam Lập 1

Tiềm năng lớn

Huyện Phú Giáo có quỹ đất nông nghiệp lớn, có khả năng chuyển đổi sang đất công nghiệp để hình thành các khu, cụm công nghiệp (CCN). Đồng thời, trên địa bàn huyện có trữ lượng lớn các khoáng sản phi kim loại như đá xây dựng, đất làm gạch ngói, có thể khai thác phục vụ sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các ngành gốm sứ, vật liệu xây dựng. Cùng với đó, trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp sẽ tạo ra nguồn nguyên liệu nông sản dồi dào phục vụ công nghiệp chế biến.

Xã Tam Lập được biết đến là địa phương đầu tiên của huyện Phú Giáo phát triển công nghiệp với việc hình thành và đưa vào hoạt động CCN Tam Lập 1, tại ấp Đồng Tâm. Ông Nguyễn Anh Vũ, Chủ tịch UBND xã Tam Lập, cho biết: “Tam Lập từ một xã nghèo của Phú Giáo đã và đang vươn lên mạnh mẽ, trở thành đầu tàu trong quá trình phát triển nền kinh tế đa dạng với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và công nghiệp, thương mại - dịch vụ”. Cũng theo ông Nguyễn Anh Vũ, toàn xã hiện có 6 nhà máy đang hoạt động sản xuất, chế biến và 2 cơ sở tiểu thủ công nghiệp. Sản xuất, kinh doanh ở các DN ổn định, mức tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 12%.

Theo ông Đoàn Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, việc xây dựng CCN Tam Lập 1 là bước đột phá cho quá trình phát triển kinh tế của huyện. Đối với một huyện nông nghiệp như Phú Giáo đây là điểm nhấn, một bước tiến mới, đưa Phú Giáo tiến nhanh, tiến mạnh trong quá trình thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp, công nghiệp phát triển trong tương lai.

Hiện tại, ngoài CCN Tam Lập 1 với diện tích trên 61 ha đã đưa vào vận hành sản xuất, huyện Phú Giáo đã đề xuất UBND tỉnh đưa vào quy hoạch 4 khu công nghiệp và 15 CCN (bao gồm CCN Tam Lập 1) vào giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cùng với đó, huyện sẽ tăng cường mời gọi đầu tư phát triển hạ tầng các khu, CCN đã được phê duyệt.

Thúc đẩy phát triển

Cơ cấu kinh tế của huyện đang chuyển địch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp. Theo lãnh đạo huyện, trong thời gian qua, ngành công nghiệp trên địa bàn bị tác động chủ yếu do tình hình kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, thị trường bị thu hẹp, khan hiếm đơn hàng, các DN hoạt động sản xuất cầm chừng. Trong khi đó, việc tiếp cận vốn khó, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào nguyên liệu cao cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của DN.

 Sản phẩm công nghiệp trưng bày tại hội nghị kết nối cung cầu vừa được huyện Phú Giáo tổ chức

Để tạo điều kiện thuận lợi cho DN, huyện tập trung cải cách hành chính theo hướng công khai và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục. Huyện cũng duy trì cơ chế đối thoại, tổ chức hội nghị kết nối cung cầu để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho DN. Song song đó, để đánh thức tiềm năng phát triển công nghiệp, huyện không ngừng đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu, CCN và đẩy mạnh thu hút đầu tư.

Mục tiêu tổng quát mà huyện Phú Giáo đặt ra là phát triển công nghiệp phải đi đôi với phát triển đô thị, dịch vụ và các khu dân cư theo quy hoạch. Đồng thời, từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, hoàn thành và giữ vững các tiêu chí nông thôn mới. Với sự quyết tâm cao, đầy tinh thần trách nhiệm cùng với những tiềm năng lợi thế của địa phương, kỳ vọng ngành công nghiệp huyện Phú Giáo sẽ có bước tiến nhanh và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, đóng góp đáng kể cho sự phát triển chung của địa phương.

 Đến nay, trên địa bàn huyện Phú Giáo đã hình thành một số nhóm ngành công nghiệp chủ yếu như chế biến nông sản thực phẩm, khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến gỗ. Toàn huyện hiện có trên 600 DN, cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp bao gồm nhiều thành phần kinh tế, thu hút khoảng 4.000 lao động làm việc. Trong quý I-2024, huyện có 11 DN đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký 75,5 tỷ đồng.

 TIẾN HẠNH