Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: Nỗ lực cao, tăng trưởng tốt

2024-11-20 09:18:53

 Công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì tăng trưởng ổn định, trong đó một số ngành chủ lực tăng trưởng cao, tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng nền kinh tế tỉnh nhà trong 10 tháng năm 2024.

 Hoạt động sản xuất tại Công ty Cơ khí Kim Chung (TP.Tân Uyên)

 Nắm bắt nhanh cơ hội

Theo Cục Thống kê, 10 tháng năm 2024, giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, một số lĩnh vực chỉ số sản xuất tăng cao, như sản xuất đồ uống tăng 13,6%, dệt tăng 14,1%, da và các sản phẩm có liên quan tăng 28,3%, sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 14,6%, sản xuất kim loại tăng 10,1%.

Bà Trịnh Thị Hồng Châu, Giám đốc Công ty Cơ khí Kim Chung (TP.Tân Uyên), cho biết năm 2024 công ty kỳ vọng đạt mức tăng trưởng 50% do cơ hội lớn từ chuỗi cung ứng đang được mở rộng. Trên thực tế cơ hội còn lớn hơn, song hiện nay để có khả năng đầu tư sản phẩm tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn, công ty cần đáp ứng ít nhất 2 tiêu chí: Chất lượng và giá thành. Điều này đòi hỏi công ty phải có công nghệ tốt, tìm được phương thức sản xuất tối ưu để giảm chi phí, từ đó giảm giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, công ty đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay để đầu tư công nghệ mới nên phấn đấu mức độ tăng trưởng hợp lý.

Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương, Giám đốc Công ty TNHH Nam Bình, cho biết năm 2024, nhiều doanh nghiệp (DN) trong ngành đạt mức tăng trưởng cao do nắm bắt được những cơ hội thị trường. “Tại Công ty Giày Nam Bình, mức tăng trưởng năm nay dự kiến đạt trên 50%. Chúng tôi đã và đang chủ động mọi nguồn lực để đáp ứng tiêu chuẩn của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, chấp nhận biên độ lợi nhuận thấp hơn so với trước đây để phát triển bền vững. Chúng tôi đang giữ tỷ lệ 50% hàng hóa phục vụ thị trường trong nước và 50% cho thị trường xuất khẩu để tránh bị động trước những biến động của tình hình thế giới”, ông Nguyễn Quang Vũ chia sẻ.

Theo bà Trần Thị Trà, Giám đốc Công ty Cổ phần Găng tay HTC (TP.Bến Cát), sau cao điểm dịch bệnh Covid-19, để giữ vững tăng trưởng công ty quyết định đầu tư thêm thiết bị và máy móc mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Công ty đẩy mạnh năng lực sản xuất, bảo đảm nguồn cung găng tay y tế đáp ứng các đơn hàng đã ký kết và nguồn cung cho các đối tác lớn trong nước cũng như quốc tế, bảo đảm chất lượng và giá cả ổn định.

Tạo lực đẩy tham gia sâu chuỗi cung ứng

Theo ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Gỗ Hiệp Long (TP.Thuận An), trong năm 2024 sản xuất của ngành công nghiệp này vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Do đó, cần có nhiều biện pháp hỗ trợ sản xuất, đặc biệt là giải pháp đầu ra cho sản phẩm thông qua các biện pháp kích cầu tiêu dùng trong nước, tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng đơn hàng xuất khẩu, khơi thông thị trường.

Tại hội thảo do Bộ Công thương tổ chức mới đây về giải pháp thị trường cho ngành chế biến, chế tạo, Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, cho biết về tổng thể, một trong những khó khăn, thách thức với các DN nói chung, DN chế biến, chế tạo nói riêng đang gặp phải là từ căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh nước lớn trên thế giới ngày càng gia tăng, cùng với đó sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam còn chậm. Rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu, giá cước vận tải tăng cao cũng tác động trực tiếp tới hoạt động xuất nhập khẩu và nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam. “Hoạt động xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục phụ thuộc vào một số thị trường, mặt hàng và khu vực đầu tư nước ngoài. Nhiều thị trường xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục gia tăng các yêu cầu mới đối với thương mại quốc tế, thiết lập dày đặc hơn các rào cản thị trường, tăng xu hướng bảo hộ thương mại, chuyển đổi xanh; chú trọng các nhóm sản phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm organic, có yếu tố chuyển đổi năng lượng, phát triển bền vững…”, Chuyên gia Nguyễn Minh Phong nói.

Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết ngành công thương luôn tạo điều kiện thuận lợi để DN tiếp cận thông tin, giải pháp thị trường, tạo lực đẩy cho các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và chế biến, chế tạo tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, ngành cũng tích cực hỗ trợ DN đổi mới mô hình sản xuất, kinh doanh gắn với mục tiêu phát triển bền vững; chú trọng hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng được yêu cầu đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất đáp ứng được yêu cầu và xu thế phát triển hiện nay.

 Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương: Để bắt kịp những thay đổi, thích ứng sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu, trong thời gian tới các DN công nghiệp chế biến, chế tạo cần tận dụng, chủ động thích nghi với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghệ số, cách mạng công nghiệp 4.0. Vì đây là một xu thế bắt buộc, do đó các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cần xây dựng, thực hiện các chiến lược tổng thể, nhất là tập trung phát triển, đổi mới, ứng dụng từ các công nghệ số và phải gắn liền các hoạt động chuyển đổi số.

 TIỂU MY - THANH TUYÊN

Báo Bình Dương