Ngành chế biến gỗ xuất khẩu: Vẫn còn nhiều thách thức
Toàn tỉnh hiện có 537 doanh nghiệp (DN) thuộc ngành gỗ. Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) quý I-2012 đạt 353,7 triệu USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ, chiếm 14,6% tổng KNXK của tỉnh. Hầu hết các DN gỗ đã ký được đơn hàng XK đến hết quý II và III năm nay, nhưng do giá cả đầu vào tăng, lãi suất ngân hàng còn cao nên lợi nhuận của đa số các DN gỗ đều giảm so với trước...
Khó khăn ngày càng nhiều
Trong khi thị trường đang rộng mở và KNXK ngày càng tăng thì nhiều DN gỗ rơi vào tình trạng khó khăn về nguyên liệu. Ông Võ Trường Thành, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, cho biết: “Nguồn nguyên liệu cho ngành gỗ XK đang thiếu trầm trọng. Hàng năm chúng tôi phải nhập 80% gỗ nguyên liệu, chiếm tới 37% giá thành sản phẩm. Hơn 90% nguồn nguyên liệu gỗ trước đây được nhập khẩu từ Lào và Campuchia thì nay đã cạn kiệt, gỗ xẻ ở Malaysia và Indonesia thì đóng cửa. Giá nhiều loại gỗ đã tăng bình quân từ 5 - 7%, đặc biệt gỗ cứng tăng từ 30 - 40%. Trong khi đó lãi vay ngân hàng còn cao, khiến nhiều DN gỗ rơi vào tình trạng có đơn hàng nhưng không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận rất thấp”.
Sản xuất đồ gỗ gia công xuất khẩu tại Công ty Triệu Phú Lộc (Tân Uyên)
Ngoài ra, nhiều DN gỗ còn phải đối mặt với các khó khăn riêng là phải bán hàng qua trung gian. Mặt khác, đa số DN trong ngành gỗ là DN vừa và nhỏ, yếu về năng lực quản lý, thiếu công nhân kỹ thuật, thiếu vốn, công nghệ chế biến gỗ còn thô sơ, mang nặng tính thủ công, nên chủ yếu dừng lại ở khâu gia công nguyên liệu là chính. Một số DN khó khăn đến mức phải bán “lúa non”, tức vừa mới nhập nguyên liệu về đã tìm cách bán lấy tiền xoay sở...
Từ những khó khăn nói trên, nhiều DN gỗ đã chuyển sang làm hàng gia công theo mẫu mã, hợp đồng đặt hàng của các DN nước ngoài. Điều này vô tình đã biến các DN gỗ thành “kẻ làm thuê” cho các thương hiệu nước ngoài.
Giải pháp nào để phát triển?
Những khó khăn nói trên đang gây ảnh hưởng lớn đến thương hiệu gỗ Việt Nam trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung đó vẫn có một số DN đã vượt khó, vươn lên bằng cách cải tiến kỹ thuật, mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng... Ông Huỳnh Quang Thanh, Giám đốc Công ty Hiệp Long, chia sẻ: “Thị trường ngày càng đòi hỏi cao hơn về tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã sản phẩm, nhưng giá cả thì phải cạnh tranh. Để tồn tại chúng tôi phải cải tiến tất cả các khâu từ kỹ thuật cho đến con người. Để đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, mỗi năm công ty chúng tôi đều đầu tư đổi mới công nghệ với số tiền lên đến hàng tỷ đồng”.
Theo bà Đỗ Thị Kim Loan, Giám đốc Công ty Sao Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, xu thế của ngành gỗ nói chung là ngày càng tiết kiệm nguyên liệu và bảo vệ môi trường. Nước ta tuy nổi tiếng là “rừng vàng, biển bạc” nhưng ngành gỗ vẫn phải nhập nguyên liệu từ các nước khác trên thế giới. Nguyên nhân là do nguồn nguyên liệu trong nước bị khai thác đến cạn kiệt mà không được tái tạo. Nếu Chính phủ chú trọng hơn việc tái tạo rừng thì ngành gỗ Việt Nam trong những thập niên tiếp theo mới có cơ hội phát triển bền vững. Để ngành gỗ phát triển bền vững, bà Loan ước ao: “Chúng ta phải chú trọng việc trồng rừng, nhất là trồng các loại như tràm bông vàng (keo lai F1 hoặc F2). Đây là nguồn nguyên liệu chính để sản xuất giấy và đồ gỗ. Các dòng sản phẩm bàn ghế gỗ giả cổ được làm từ tràm bông vàng mang lại giá trị kinh tế rất cao, được cộng đồng tiêu dùng quốc tế ưa thích. Cái lợi của trồng rừng là vừa chủ động về nguyên liệu, vừa bảo vệ được môi trường”.
Tuy nhiên, đó là những giải pháp dài hơi, còn trước mắt hầu hết các DN gỗ đều đang mong đợi sự hỗ trợ của Nhà nước để vượt qua khó khăn như chính sách giãn giảm thuế, hạ thấp lãi suất tiền vay... Do đa số khách hàng của các DN gỗ đều đến từ Mỹ, nên các DN rất cần sự hỗ trợ của ngành chức năng về thông tin thị trường và giải pháp để tránh bị áp thuế chống bán phá giá khi tiếp cận thị trường này.
BẢO ANH