Ngành chế biến gỗ: Giải pháp nào để tăng năng lực cạnh tranh?

Thứ năm, ngày 31/10/2013

Dù ngành chế biến gỗ (CBG) vẫn đang dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của tỉnh (9 tháng đầu năm 2013 ước đạt hơn 1.109 triệu USD), song tốc độ tăng trưởng tương đối chậm (0,3%). Trước thực tế khó khăn, ngành CBG Bình Dương cần sự đồng hành tích cực hơn nữa của ngành chức năng, bên cạnh là sự vươn lên tự “cứu” mình…

Sản xuất phụ thuộc, lợi nhuận thấp

Hiện các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu vào thị trường các nước Mỹ, Đức… thuận lợi hơn do thị trường có sự hồi phục và tăng trưởng nhẹ. Đặc biệt, thị trường Nhật tăng trưởng mạnh (năm 2012 tăng khoảng 20% so năm 2011, năm 2013 dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng). Ông Lương Ngọc Kim, Phó Chủ tịch Hiệp hội CBG Bình Dương (BIFA) cho biết: “Đến nay, hầu hết các DN thành viên đã ký hợp đồng đến hết tháng 11, có DN đã có hợp đồng sản xuất đến tháng 12-2013. Ước 9 tháng, ngành CBG thực hiện đạt 70% kế hoạch sản xuất, kinh doanh (SXKD) cả năm”.

Ngành chế biến gỗ đang gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải nỗ lực tự “cứu” mình bằng nhiều giải pháp. Trong ảnh: Chế biến gỗ xuất khẩu tại Công ty Minh Phương

Tuy có đơn hàng, nhưng do giá cả đầu vào tăng (xăng, dầu, lương công nhân…), riêng giá nguyên phụ liệu 9 tháng tăng 10% so năm 2012, công nghệ ngày càng lạc hậu, năng suất lao động giảm… nhưng giá sản phẩm đầu ra không tăng, dẫn đến lợi nhuận giảm. Ông Lương Ngọc Kim cho biết thêm, đa số các DN CBG nhập khẩu nguyên liệu từ 60 - 70%, riêng phụ liệu nhập 70 - 80%, có DN phải nhập gần như hoàn toàn. Qua đó cho thấy phần lớn DN CBG phụ thuộc khách hàng nước ngoài rất nhiều từ đơn đặt hàng, thiết kế sản phẩm, phân phối, đến nguyên phụ liệu nên đa số các ở các nước Malaysia, Indonesia có nguồn nguyên liệu tại chỗ… Trước đây, DN nhập nguyên liệu nhiều để chủ động SXKD trong vòng nửa năm. Tuy nhiên, từ đầu năm 2013, do tình hình xuất khẩu khó khăn, thiếu vốn, nhiều DN đã giảm hơn 50% lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu, ảnh hưởng không ít đến SXKD. Qua đó, cho thấy DN CBG Bình Dương còn phụ thuộc vào nước ngoài rất nhiều và sản phẩm ít giá trị gia tăng, lợi nhuận thấp.

Cần những giải pháp đồng bộ

Đại diện các DN ngành gỗ cho rằng, đơn hàng hiện không thiếu, nhưng giá đầu ra thấp, còn phát sinh thêm khó khăn do cạnh tranh không lành mạnh trong ngành, điều này làm thiệt hại cho toàn ngành. Các DN kiến nghị nên có cơ quan làm trung gian, có chiến lược cụ thể để đàm phán với đối tác, giúp DN gỗ tận dụng được thời cơ, tăng thị phần trên thị trường thế giới, tăng hiệu quả SXKD. Các ban, ngành cần có chính sách bình ổn giá xăng, dầu, điện. Cần thống kê lại các văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực để phổ biến cho DN, xem lại chính sách trợ cấp thất nghiệp, vì thực chất người lao động nghỉ để hưởng trợ cấp, chứ không phải là thất nghiệp thật sự. Cần hỗ trợ DN trang bị phần mềm quản trị tổng thể ERP. Điều chỉnh chính sách thuế nhập khẩu nguyên liệu như trước đây (nhập nguyên liệu 3 tháng rồi mới nộp thuế) để DN có thời gian tổ chức SXKD. Giãn thời gian báo cáo đánh giá tác động môi trường ra 6 tháng/lần (hiện 3 tháng /lần, làm DN rất mất thời gian, chi phí)…

Đề cập đến giải pháp tháo gỡ khó khăn của ngành CBG, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng: “Việt Nam đã được coi là “công xưởng gỗ” của thế giới. Bên cạnh vấn đề nguyên liệu, ngành CBG của Việt Nam chủ yếu hướng tới xuất khẩu, trong khi phải đáp ứng các yêu cầu mới của các thị trường nhập khẩu như Luật Lacey của Mỹ, FLEGT của cộng đồng châu Âu về nguồn gốc, xuất xứ của gỗ hợp pháp. Đây cũng là những thách thức rất lớn đối với quản lý rừng, sản xuất bền vững của Việt Nam. Đòi hỏi Việt Nam phải nâng cao trình độ quản lý rừng, quản lý sản xuất lâm nghiệp để phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế. Nhưng trước hết phải xác định trồng những cây gì là đặc biệt của Việt Nam. Muốn làm được điều đó, mỗi địa phương phải tìm ra thế mạnh của mình và tập trung vào cây trồng thế mạnh”.

Để ngành gỗ Bình Dương tăng trưởng bền vững, bên cạnh giải pháp lâu dài là “trồng rừng” đang được các DN xúc tiến, các DN cần thực hiện giải pháp cấp tốc để tự “cứu” mình! Trước hết cần có sự chủ động, nhất là trong vấn đề đầu ra. Các DN cũng cần tập trung phát triển sản phẩm có ưu thế cạnh tranh cao như đồ gỗ nội thất, ngoài trời, mộc mỹ nghệ và sản phẩm mây tre, quế, hồi… Đặc biệt là triển khai xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm, lĩnh vực quyết định lợi nhuận của DN CBG đối với cả thị trường ngoài nước và sự “trở về” với thị trường nội địa.

Với cầu nối là BIFA, các DN CBG phải liên kết lại, loại bỏ việc cạnh tranh không lành mạnh, khắc phục nhược điểm quy mô nhỏ, san sẻ các đơn hàng nhằm đáp ứng kịp thời gian của hợp đồng. Các DN đang rất cần sự đồng hành, tháo gỡ khó khăn của Nhà nước, các ban ngành chức năng. Hỗ trợ vốn vay cho DN để đổi mới máy móc thiết bị, nhập khẩu nguyên liệu, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tăng năng lực cạnh tranh… để DN CBG không cảm thấy “bơ vơ, kém cỏi” giữa xứ người.

BẢO ANH