Ngành chăn nuôi bảo đảm nguồn cung cho thị trường tết

Thứ hai, ngày 21/11/2022

(BDO) Nhờ diễn biến thời tiết tương đối thuận lợi, dịch bệnh trên đàn vật nuôi được kiểm soát, các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang tập trung tái đàn vật nuôi để cung cấp cho thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

 Chăn nuôi theo hướng hiện đại, khép kín, an toàn sinh học giúp nâng cao giá trị sản phẩm một cách bền vững. Trong ảnh: Trại gà lạnh của trang trại Lưu Thị Mỹ Hằng (ấp Mương Đào, xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng)

 Phát triển ổn định

Từ đầu năm đến nay, mặc dù vẫn còn ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cũng như các loại dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm, nhưng ngành nông nghiệp Bình Dương vẫn giữ vững được đà tăng trưởng trong lĩnh vực chăn nuôi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm an toàn cho thị trường. Theo đại diện trang trại gà lạnh Lưu Thị Mỹ Hằng (ấp Mương Đào, xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng), do dịch Covid-19 khiến việc tiêu thụ gà trong dịp Tết Nguyên đán năm 2021 và 2022 gặp khó khăn, giá thấp, trong khi giá thức ăn tăng cao, khiến không ít người chăn nuôi dè dặt trong việc tái đàn. Tuy nhiên, từ đầu năm nay, dịch bệnh được kiểm soát giúp việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn. Vì vậy, các hộ chăn nuôi yên tâm tái đàn, có thể cung cấp hơn 140.000 con gà với chất lượng cao trong dịp Tết Nguyên đán 2023.

Ðiểm mới là năm nay nhiều hộ chăn nuôi chuyển hướng chăn nuôi an toàn sinh học phục vụ yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, mặc dù trong 2 năm qua ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng ngành chăn nuôi của tỉnh vẫn phát triển ổn định. Tính đến thời điểm này, tổng đàn heo đạt 706.000 con, tăng hơn 26.000 con so với cùng kỳ; tổng đàn gia cầm đạt gần 13 triệu con, tăng 617.000 con so với cùng kỳ; tổng đàn trâu là gần 5.000 con; tổng đàn bò 25.000 con, tăng 1,71 % so với cùng kỳ. 100% các sản phẩm chăn nuôi từ các trang trại lớn, quy mô công nghiệp đều có hàm lượng công nghệ cao. Các trang trại chăn nuôi heo, gà, trâu bò đều có ứng dụng ít nhất một biện pháp kỹ thuật công nghệ cao hoặc sản phẩm của công nghệ cao trong quá trình sản xuất, sơ chế sản phẩm.

Không chỉ duy trì mức tăng trưởng, các mô hình chăn nuôi theo hướng hiện đại, khép kín, an toàn sinh học, chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm còn được mở rộng, giúp nông dân nâng cao giá trị sản phẩm một cách bền vững, chủ yếu tập trung ở 4 huyện phía bắc (Bàu Bàng, Phú Giáo, Dầu Tiếng và Bắc Tân Uyên). Chăn nuôi gà hiện có 149 trang trại, trong đó có các công ty đầu tư chăn nuôi gà giống, gà đẻ trứng và gà thịt, với tổng đàn 8,3 triệu con. Chăn nuôi vịt thịt hiện có 44 trại với số lượng 517.000 con. Chăn nuôi heo có 253 trang trại với tổng đàn gần 700.000 con. Ngoài ra, mô hình nông nghiệp đô thị cũng phát triển, chủ yếu là nuôi cá cảnh, ba ba, nhím, rắn, kỳ đà, gấu… với 2.870 hộ đầu tư với số lượng 16.000 con các loại.

Theo ông Trần Minh Đức, Trưởng trạm Chăn nuôi Thú y huyện Phú Giáo, trong những năm qua, huyện đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng an toàn sinh học, an toàn vệ sinh thực phẩm trong các trang trại tập trung, gắn với công tác xử lý chất thải, bảo đảm vệ sinh môi trường. Hiện tại, tình hình dịch bệnh không phát sinh, giá cả ổn định, tạo sự an tâm cho người dân chăn nuôi phát triển đàn. Nhờ vậy, đàn vật nuôi trên địa bàn luôn phát triển ổn định. Tổng đàn heo 260.000 con, tổng đàn gia cầm gần 3 triệu con, số lượng đàn trâu, bò vẫn được người dân duy trì để tạo thêm thu nhập.

Chủ động nguồn cung

Nhờ công tác chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát; đặc biệt nhờ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là trong khâu sản xuất con giống, nên chất lượng sản phẩm chăn nuôi ngày càng nâng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, theo nhận định của ngành chức năng, giá thịt heo hơi xuất chuồng có xu hướng tăng trong những tháng cuối năm 2022, góp phần giảm bớt áp lực chi phí đối với các cơ sở chăn nuôi, các hộ yên tâm tái đàn, chuẩn bị nguồn thực phẩm đáp ứng nhu cầu tăng cao dịp cuối năm.

Để duy trì ổn định sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, ngành nông nghiệp và các địa phương đã tăng cường công tác quản lý; thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Chăn nuôi và các văn bản có liên quan đến người chăn nuôi; đẩy mạnh công tác dự tính, dự báo về thị trường, xác định nhu cầu sản phẩm chăn nuôi trên thị trường để có cảnh báo, điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với yêu cầu của thị trường. Ông Trần Phú Cường, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, cho biết dự kiến đến cuối năm 2022 đàn vật nuôi cơ bản đạt kế hoạch đề ra. Nguồn sản phẩm cơ bản bảo đảm nhu cầu tiêu dùng cho người dân trong tỉnh và xuất bán ra thị trường các tỉnh khác.

Cũng theo ông Cường, hiện nay ngành nông nghiệp đang hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn, thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, bảo đảm an toàn dịch bệnh nhằm hạn chế rủi ro. Đồng thời, ngành nông nghiệp khuyến cáo người chăn nuôi tham gia, mở rộng các chuỗi liên kết trong chăn nuôi nhằm ổn định giá cả và đầu ra cho sản phẩm. Cùng với đó, ngành nông nghiệp tăng cường phối hợp cùng các địa phương để theo dõi tình hình phát triển sản xuất chăn nuôi và dịch bệnh; thực hiện tăng đàn, tái đàn heo trên địa bàn tỉnh để bảo đảm nguồn cung.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh đang tích cực phối hợp với các địa phương tổ chức tiêm phòng vắc xin định kỳ cho đàn gia súc, gia cầm; đồng thời phối hợp tổ chức các đợt vệ sinh, khử trùng tiêu độc phòng, chống dịch bệnh.

 Ngành nông nghiệp tỉnh chú trọng chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng trang trại chăn nuôi quy mô lớn cũng như khuyến khích phát triển chăn nuôi theo quy mô công nghiệp, chăn nuôi khép kín, chăn nuôi hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao. Tập trung liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn, đến chế biến để nâng cao năng suất, giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả và tăng khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập ngoại.

 THOẠI PHƯƠNG