Ngành cấp thoát nước tăng tốc chuyển đổi số

Thứ ba, ngày 05/04/2022

(BDO)  Chuyển đổi số (CĐS) được xác định là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong giai đoạn phát triển mới, các doanh nghiệp (DN) phải tăng tốc để hòa nhập chung vào xu hướng kinh doanh trong cuộc cách mạng 4.0 hiện nay.

 

Gian hàng giới thiệu trang thiết bị, công nghệ phục vụ cho quá trình CĐS của ngành nước tại hội thảo vừa được tổ chức

 Yếu tố sống còn của DN

Ngành cấp thoát nước là lĩnh vực đặc thù, không chỉ mục đích kinh doanh mà còn phục vụ xã hội. Tỷ lệ nước sạch sử dụng trong dân, tỷ lệ chất thải trong sinh hoạt, sản xuất được xử lý triệt để… là những thước đo của một đô thị văn minh, hiện đại. Bắt nhịp cùng xu hướng CĐS của thế giới cũng như những đòi hỏi bắt buộc trong thời đại công nghiệp 4.0, từ nhiều năm nay, ngành cấp thoát nước, xử lý môi trường trên địa bàn tỉnh đã từng bước đầu tư, ứng dụng công nghệ số vào quá trình quản lý, vận hành, sản xuất, kinh doanh. Mục tiêu cuối cùng đó là đem lại năng suất, hiệu quả cao nhất trong hoạt động cũng như tạo ra những tiện ích, sự hài lòng cho người dân, khách hàng.

Ông Trần Chiến Công, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) chia sẻ, từ khoảng 10 năm nay Biwase đã xác định CĐS trong hoạt động sản xuất, kinh doanh chính là nền tảng quan trọng, không những mang lại giá trị kinh tế mà còn đem lại sự thuận tiện, hài lòng cho khách hàng. Theo ông Công, DN phải chủ động, nhất là mạnh dạn đầu tư đối với công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, phục vụ khách hàng tốt nhất. “Năm 2022, chính phủ tập trung đẩy mạnh CĐS trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội. Theo tôi, CĐS là một định hướng đúng đắn trong môi trường sản xuất, kinh doanh hiện nay và càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh dịch Covid-19. Trong thời gian qua, CĐS, số hóa trong hoạt động đã giúp nhiều DN, trong đó có Biwase có thể chủ động thích ứng linh hoạt hơn để duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh”, ông Công chia sẻ.

Được biết, trong thời gian qua Biwase đã đẩy mạnh CĐS, nhất là mạnh dạn ứng dụng, đổi mới công nghệ trong tất cả các khâu vận hành tại các nhà máy, công tác quản lý cho đến phục vụ nhu cầu khách hàng. Cụ thể, trong 2 năm vừa qua, nhờ CĐS mà Biwase đã tạo ra những kênh phục vụ trực tuyến hữu ích cho khách hàng trong hoàn cảnh phải giãn cách xã hội. Công tác đăng ký, lắp đặt đồng hồ nước, thanh toán tiền nước đều thực hiện trực tuyến thông qua công nghệ. Từ đó tạo thuận lợi, phục vụ tốt hơn cho khách hàng, người dân.

Bước đi vững chắc

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch Hiệp hội Cấp nước Việt Nam (VWSA), cho biết sau thời gian khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều đơn vị điển hình như Biwase đã vượt qua những khó khăn, trở thành gương mặt điển hình của DN Việt Nam nói chung và ngành nước nói riêng. Chưa dừng lại đó, chặng đường phát triển của ngành nước vẫn còn nhiều chông gai, những vấn đề vướng mắc về cơ chế chính sách, khó khăn trong thu hút vốn đầu tư… đòi hỏi các bên liên quan phải có sự phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả để đưa ngành nước đạt mục tiêu phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân, DN. Trong đó vấn đề CĐS, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông minh trong hoạt động của các DN ngành cấp, thoát nước hiện nay đã góp phần quan trọng thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để phát triển.

Ông Trần Gia Đặng, Giám đốc bán hàng Công ty TNHH Metrohm Việt Nam, cho biết CĐS của ngành cấp nước hiện nay rất quan trọng, mang tính quyết định sự phát triển ổn định của DN, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Thời gian qua Metrohm cung cấp các giải pháp truyền dữ liệu, thông tin về hệ thống thông minh kết nối trung tâm điều khiển Scada tại các nhà máy nước rất kịp thời. Cung cấp sensor thiết bị phân tích, kiểm tra chất lượng nước cho các nhà máy nước, các thông số tiêu chuẩn nước từ nhà máy đến với người dùng.

“Nhu cầu ứng dụng công nghệ số, giải pháp thông minh hiện nay được nhiều DN ngành nước mạnh dạn chuyển đổi, đang dần thay thế hoạt động kiểm tra thủ công chất lượng nước trước và sau khi xử lý đến với người dùng theo các tiêu chuẩn cho phép. Hiện nhiều nhà máy nước đã chuyển sang kiểm tra trực tuyến thông qua các thiết bị công nghệ tiên tiến đến từ châu Âu, Mỹ. Ứng dụng này sẽ góp phần tăng năng suất, gia tăng hiệu quả sản xuất của DN tốt hơn”, ông Đặng chia sẻ.

Tương tự, ông Huỳnh Hữu Nghị, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Tân Hoa, cho biết để thúc đẩy tiến trình CĐS tại các DN ngành cấp thoát nước, đơn vị cũng đã cung ứng các máy biến tầng điều chỉnh tốc độ cho động cơ để tự điều chỉnh lượng nước mong muốn. Thiết bị kết nối thông minh giúp các động cơ không chạy quá công suất để tiết kiệm điện. “Theo tính toán, nếu không dùng “biến tầng thông minh” có thể tiết kiệm khoảng 30% tiền điện. Hệ thống được kết nối đến trung tâm điều khiển Scada của nhà máy. Ngoài ra, hệ thống có thể kết nối điều khiển qua điện thoại thông minh, đồng thời có chức năng chạy kiểm tra đường ống có bị rò rỉ nước hay không”, ông Nghị nói.

 Mới đây, tại thành phố mới Bình Dương, Hiệp hội Cấp nước Việt Nam (VWSA) phối hợp với Biwase tổ chức hội thảo “chính sách ngành nước”, nhiều DN bày tỏ cổ phần hóa chính là động lực để các DN tăng tốc, tạo ra những đột phá trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả hơn. Tại hội thảo, các DN cũng cho rằng CĐS, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động là yếu tố “sống còn” của các DN, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

 MINH DUY