Ngành cấp thoát nước Bình Dương: Trưởng thành bằng cách chắt chiu từng đồng vốn
Từ chỗ “Cứ bì bõm bơm nước trong phạm vi vài cây số xung quanh nhà máy” do công suất nhỏ chỉ 4.000m3/ngày đêm, hệ thống đường ống cấp nước cũ kỹ, khó quản lý, thất thoát lớn, Xí nghiệp Cấp nước Thủ Dầu Một được UBND tỉnh nâng cấp thành Công ty Cấp nước Bình Dương và chuyển từ cơ chế “xin - cho” sang “mua - bán” đúng theo chủ trương đổi mới của Đảng. Dù đứng trước muôn vàn khó khăn trở ngại nhưng với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, chắt chiu từng đồng vốn để phát triển sản xuất, đổi mới công nghệ, Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) đã vượt qua khó khăn đáp ứng tốt nhu cầu hội nhập và phát triển của tỉnh, trở thành đơn vị trong tốp đầu ngành cấp thoát nước Việt Nam.
(BDO) Lãnh đạo tỉnh cắt băng khánh thành Nhà máy nước Dĩ An II đầu tư bằng hình thức công - tư
Nỗ lực vượt khó
Nhắc lại kỷ niệm những ngày đầu thành lập Công ty Cấp nước Bình Dương, nay là Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương, ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc công ty nhớ như in lời phê bình của Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Minh Phương lúc đó: “Việc cấp nước cứ bì bõm trong phạm vi vài cây số xung quanh nhà máy. Người dân sử dụng nước máy phải dùng cái lu âm xuống đất để hứng từng giọt nước mà xài”. Nguyên nhân là do lúc đó công suất nhà máy đã nhỏ vì nguồn cung là mạch nước ngầm, lại phải gánh cả hệ thống đường ống mênh mông cũ kỹ từ thời kháng chiến mà không có sơ đồ quản lý, thất thoát nước rất lớn.
Cột mốc quan trọng là năm 1997, Bình Dương được Chính phủ chọn triển khai thí điểm khu công nghiệp (KCN) đầu tiên liên doanh giữa 2 nước Việt Nam và Singapore. Thời điểm đó, tỉnh Bình Dương kiến tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật xung quanh khu công nghiệp như: giao thông, điện, nước… trong điều kiện ngân sách thiếu hụt, phải thường xuyên nhận trợ cấp từ Trung ương. Trong khi đó, tiêu chuẩn hoạt động của KCN là phải có nước sạch đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của khách hàng và người dân xung quanh. Bởi vì người dân sống xung quanh KCN vừa là nguồn cung ứng lao động cơ bản, vừa là cơ sở hậu cần quan trọng để KCN hoạt động lâu dài.
Ông CAO LẠI QUANG, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam: Bình Dương là địa phương làm tốt công tác cấp thoát nước Hơn 80% đô thị tại Việt Nam đang lâm vào tình trạng ngập do thoát nước kém, mà nguyên nhân chủ yếu là từ quy hoạch. Bình Dương cũng khởi đầu từ khó khăn, nhưng biết tận dụng cơ hội, tiếp cận khoa học - công nghệ, quản lý tốt đầu tư nên đã làm tốt công tác cấp thoát nước và dẫn đầu cả nước về lĩnh vực này. Ông NGUYỄN VĂN THIỀN, Tổng Giám đốc Biwase: Muốn thành công phải biết tiết kiệm và chịu khó Từ điểm xuất phát thấp, Biwase rất cần vốn và công nghệ để phát triển bằng cách phát huy nội lực và tranh thủ ngoại lực. Nhờ những đồng vốn vay từ trong nước và quốc tế mà công ty có điều kiện tiếp cận, mở rộng quan hệ quốc tế, tìm kiếm công nghệ hiện đại và phát triển sản xuất. Hiện tại, tỷ lệ thất thoát nước của Bình Dương đứng thấp nhất cả nước với 7,8%, chỉ sau Singapore (5,5%) và tốt hơn cả Nhật Bản (8%). |
“Với công suất nhà máy và nguồn cấp là mạch nước ngầm như hiện tại thì không thể nào đáp ứng nhu cầu đặt ra. Công ty nhận thấy chỉ còn cách là bỏ hẳn hệ thống ống cũ, xây dựng nhà máy mới và chuyển từ nguồn nước ngầm sang nguồn nước mặt. Sau khi công ty đề xuất vấn đề này, UBND tỉnh đồng ý ngay chủ trương và quyết định chuyển từ xí nghiệp sang công ty dịch vụ công ích. Tuy vậy, khi đó vốn cấp cho công ty hoạt động cũng còn hạn chế mà công việc phía trước thì vô cùng bề bộn. Có thể nói, đây là thời điểm khó khăn, “ngàn cân treo sợi tóc” đối với chúng tôi”, ông Thiền nói.
Phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực
Công ty Cấp nước Bình Dương được thành lập với nhiệm vụ ban đầu là cung cấp nước sinh hoạt và nước sản xuất cho khu vực đô thị Thủ Dầu Một, KCN Việt Nam - Singapore và chuyển hẳn từ cơ chế “xin - cho” sang “mua - bán” theo chủ trương đổi mới của Đảng. Nhưng để “mua - bán” được theo yêu cầu của khách hàng, công ty phải đầu tư hệ thống đường ống dẫn nước mới từ nhà máy đến KCN dài 15km. Công trình này đòi hỏi số vốn rất lớn ngoài khả năng đầu tư của tỉnh, công ty phải vay quỹ Đầu tư phát triển của Bộ Tài chính nhưng cũng không thấm vào đâu. Lãnh đạo công ty lại phải ra Hà Nội để được học tập, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ các nhà tài trợ quốc tế.
Nhờ sự quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ của Chính phủ cùng các bộ, ban ngành Trung ương và sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Bình Dương trong việc tìm kiếm nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển hạ tầng cho địa phương, công ty đã tiếp cận được với nguồn vốn từ quỹ OECF (Viện trợ phát triển không hoàn lại) của Chính phủ Nhật Bản trên 300.000 USD để cải tạo 10km đường ống đầu tiên và nguồn vốn DANIDA của Đan Mạch để đầu tư nhà máy nước khu vực Dĩ An, Thuận An công suất 15.000m3/ ngày đêm với vốn đầu tư 3,6 triệu USD.
Việc triển khai thực hiện công trình rất gian nan, vất vả, do nguồn vốn eo hẹp, yêu cầu công việc lại quá lớn, công ty đã chọn hình thức đầu tư “cuốn chiếu” để khắc phục dần các hạn chế, yếu kém. Từ mối quan hệ hợp tác quốc tế này mà cán bộ, công nhân viên công ty có điều kiện tiếp cận công nghệ mới, kinh nghiệm quản lý vận hành, phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến năm 2001, công ty cơ bản thay xong hệ thống đường ống cấp nước cũ, ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý vận hành và tiếp tục tìm kiếm nguồn vốn để phát triển thêm dự án mới đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp của tỉnh.
Hội nhập quốc tế
Cùng với nhiệm vụ cung cấp nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất, để bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Biwase còn được giao nhiệm vụ thoát nước đô thị, xử lý môi trường. Từ nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Châu Á, hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của các nước Nhật Bản, Hà Lan, Phần Lan… Biwase đã đầu tư và vận hành hiệu quả Khu xử lý rác thải Nam Bình Dương tại phường Chánh Phú Hòa, TX.Bến Cát bằng công nghệ xử lý hiện đại, hạn chế chôn lấp. Mỗi ngày nơi đây tiếp nhận từ 1.000 - 1.500 tấn rác thải sinh hoạt cùng rác thải công nghiệp, rác thải nguy hại từ các bệnh viện, cơ sở sản xuất đặc biệt trong tỉnh. Mỗi loại rác thải được xử lý theo quy trình riêng, đúng tiêu chuẩn đăng ký. Sau mỗi công đoạn xử lý, từ nhiệt độ, khí thải phát sinh trong quá trình ủ rác đến các loại tạp chất khác đều được thu gom tận dụng để phát điện, sản xuất vật liệu xây dựng, phân bón… góp phần hạn chế chôn lấp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiết kiệm chi phí xử lý.
Ông Nghiêm Văn Trang, đại diện Công ty Lê Công Kiều (TX.Tân Uyên) nhận xét, Biwase sản xuất rất nhiều sản phẩm, dịch vụ phục vụ các nhà đầu tư như nước cấp, nước uống đóng chai… Người Nhật vốn rất kỹ trong sinh hoạt và làm việc nên trước khi chọn dùng sản phẩm của Biwase, họ lấy mẫu chuyển về nước kiểm nghiệm, đạt yêu cầu rồi thông báo: “Chất lượng sản phẩm của Biwase không thua kém với sản phẩm cùng loại bên Nhật”.
Với mục tiêu xây dựng Bình Dương trở thành đô thị văn minh, hiện đại, đồng thời bảo đảm sức khỏe cộng đồng, bảo vệ nguồn nước mặt hai con sông lớn là Sài Gòn và Đồng Nai, dự án thu gom xử lý nước thải sinh hoạt Nam Bình Dương do Biwase làm chủ đầu tư đã mang lại hiệu quả bước đầu. Theo đó, hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt Thủ Dầu Một đã đi vào hoạt động với công suất 17.000m3/ngày đêm; các công trình thoát nước đô thị, hệ thống thu gom cùng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt thuộc dự án trên cũng đang được triển khai tại TX.Thuận An và TX.Dĩ An.
Một niềm vui khác mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh không thể nào quên là công trình Nâng cấp cải tạo kênh Ba Bò phía đầu nguồn Bình Dương do Biwase thực hiện đã mang lại hình ảnh mới, sức sống mới cho người dân nơi đây.
• DUY CHÍ