Ngăn ngừa tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng, soạn thảo văn bản

Thứ sáu, ngày 26/04/2024

(BDO) Hoàn thiện cơ chế kiểm soát chất lượng văn bản quy phạm pháp luật nhất là văn bản dưới luật; bổ sung cơ chế để xử lý, xem xét trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, văn bản trái pháp luật để chủ động ngăn ngừa tiêu cực, lợi ích nhóm trong quá trình xây dựng, soạn thảo văn bản.


Hội nghị Tổng kết thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đây là đề xuất của các đại biểu tại Hội nghị tổng kết thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tư pháp tổ chức sáng 26/4.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết, trải qua hơn 8 năm thi hành, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế ở nước ta; qua đó tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước. Luật đã phát huy hiệu quả, làm tăng tính khả thi, tính thống nhất, đồng bộ và kịp thời của hệ thống pháp luật; giúp quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đi vào nền nếp ở cả Trung ương và địa phương...

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thi hành cho thấy, Luật cần được nghiên cứu sửa đổi để đáp ứng các yêu cầu phát sinh từ thực tiễn, phù hợp hơn với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhất là sau đại dịch COVID19, đồng thời nhằm thực hiện các mục tiêu hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoàn thiện, đổi mới quy trình xây dựng pháp luật, xây dựng chính sách bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả và các mục tiêu hoàn thiện hệ thống pháp luật được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII nêu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW.

"Để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhằm phục vụ việc nghiên cứu, xây dựng Luật, việc tổng kết kết quả thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật kể từ khi được ban hành đến nay là rất cần thiết", Thứ trưởng Trần Tiến Dũng nhấn mạnh.

Đánh giá về kết quả đạt được trong quá trình triển khai thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đỗ Đức Hiển cho rằng, với nhiều đổi mới quan trọng, Luật đã tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu cho công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật thời gian qua. Luật giảm hình thức, cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản, nhờ đó giảm bớt sự cồng kềnh, phức tạp của hệ thống pháp luật. Luật đã đổi mới căn bản việc lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội (trước đây là chương trình nhiệm kỳ và chương trình hàng năm nhưng hiện nay chỉ còn chương trình hàng năm) với yêu cầu cao hơn về hồ sơ; nhờ đó tính khả thi của Chương trình cao hơn, từng bước khắc phục tình trạng xin lùi, rút, nâng cao chất lượng dự án đưa vào Chương trình…

Cơ bản nhất trí với những định hướng sửa đổi Luật, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Đỗ Đức Hiển đề xuất thêm một số nội dung. Theo đó, tiếp tục đơn giản hóa, giảm bớt tầng nấc, thu gọn đầu mối các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật; làm rõ các phạm vi, vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, bổ sung các quy định điều chỉnh việc ban hành văn bản của cơ quan chính quyền địa phương nơi tổ chức chính quyền đô thị; tăng cường cơ chế thí điểm đối với nội dung vấn đề chưa chín, chưa đủ rõ để thích ứng linh hoạt hơn với yêu cầu, diễn biến tình hình trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Đỗ Đức Hiển cũng đề nghị luật hóa tối đa vấn đề quan trọng của đất nước thuộc thẩm quyền của Quốc hội; làm rõ hơn cơ chế giải thích pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nghiên cứu cải tiến cách thức đề nghị, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật; khắc phục vướng mắc thời gian qua như những dự án luật chưa được Quốc hội thông qua trình tiếp như thế nào, ai trình; làm rõ trách nhiệm của từng chủ thể tham gia vào từng công đoạn để tạo chuyển biến căn cơ trong quá trình soạn thảo văn bản.

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ: Nghị quyết số 27-NQ/TW đặt ra nhiều yêu cầu đối với công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có việc tiếp tục nghiên cứu đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, Bộ trưởng đề nghị tiếp tục nghiên cứu đổi mới quy trình xây dựng pháp luật theo hướng chặt chẽ nhưng có độ mở, độ linh hoạt nhất định để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; làm tốt từng khâu, đặt yêu cầu cao về chất lượng, bám sát và kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Bộ trưởng Tư pháp yêu cầu nghiên cứu để đưa ra các quy định nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo, tích cực gắn với vai trò, trách nhiệm của các chủ thể, đặc biệt là Chính phủ, nâng cao năng lực phản ứng chính sách, xử lý các vấn đề cấp bách phát sinh từ thực tiễn.

Bộ trưởng giao Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị hoàn thiện Báo cáo tổng kết để sớm báo cáo Chính phủ, nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật này.

Theo TTXVN