Ngân hàng vào cuộc “giải cứu” giá heo hơi
Sau khi có chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã vào cuộc hỗ trợ người chăn nuôi heo. Đây là một trong những giải pháp của ngành ngân hàng góp sức cùng ngành chăn nuôi heo giải quyết khó khăn hiện nay.
(BDO)
Các ngân hàng vào cuộc “giải cứu” ngành chăn nuôi heo. Trong ảnh: Tổ trưởng các tổ tiết kiệm vay vốn tại phường An Thạnh, TX.Thuận An làm thủ tục nộp tiền vay. Ảnh: THANH HỒNG
Góp sức chia sẻ khó khăn
Tuy tỷ trọng ngân hàng cho vay lĩnh vực chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh không lớn nhưng sau khi có chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng rà soát và thực hiện các giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi heo vay vốn.
Ông Nguyễn Bá Phương, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh Bình Dương cho biết, giá heo đi xuống thấp khiến cho nhiều khách hàng vay tại NHCSXH lâm vào thế khó khăn vì đến thời hạn phải trả nợ vay ngân hàng. Để thanh toán nợ vay nông dân phải bán sản phẩm, nhưng tại thời điểm này giá heo hơi giảm sâu nên họ bị thua lỗ nặng. Trên cơ sở đề nghị của Ngân hàng Nhà nước và khách hàng cá nhân, đơn vị đã điều chỉnh kéo giãn thời hạn trả nợ cho người vay với thời hạn trung bình 12 tháng, theo đó đã điều chỉnh giãn kỳ hạn nợ khi đến hạn với số tiền khoảng 3,2 tỷ đồng trên tổng số dư nợ cho vay sản xuất, chăn nuôi heo khoảng 11,6 tỷ đồng. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục xử lý và thực hiện cơ chế gia hạn nợ, cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ hoặc cho vay mới đối với khách hàng đến kỳ trả nợ nhưng có nhu cầu hỗ trợ về tài chính chưa tiêu thụ được sản phẩm”, ông Phương nói.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng khác trên địa bàn tỉnh cũng cho biết sẽ tích cực hỗ trợ ngành chăn nuôi heo khi có yêu cầu từ phía khách hàng.
Theo thống kê ban đầu của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Dương, tính đến ngày 5-5, đã có 12/18 ngân hàng trên địa bàn tỉnh thực hiện cho vay đối với ngành chăn nuôi heo. Theo đó, các tổ chức tín dụng cho vay về lĩnh vực chăn nuôi heo đạt gần 540 tỷ đồng với 2.151 khách hàng vay, chủ yếu là khách hàng vay cá nhân, hộ gia đình.
Cần giải pháp căn cơ
Ông Bùi Văn Nu, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Dương cho biết, trong khó khăn chung của ngành chăn nuôi heo cả nước, Bình Dương cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá heo hơi giảm sâu; trong khi đó chi phí thức ăn và thuốc thú y lại tăng nên người chăn nuôi heo bị lỗ nặng. Thực tế này đã tác động đến quan hệ vay vốn ngân hàng của ngành chăn nuôi heo, khách hàng vay chăn nuôi bị thua lỗ nên gặp rất nhiều khó khăn khi trả nợ gốc và lãi vay ngân hàng, kéo theo khách hàng sản xuất thức ăn và thuốc thú y phục vụ chăn nuôi cũng gặp khó trong tiêu thụ, thu hồi nợ từ người chăn nuôi. Chính vì vậy, các tổ chức tín dụng vẫn đang thực hiện sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước theo các nội dung đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y trên địa bàn tỉnh.
Tuy vậy, để tránh tình trạng cung vượt cầu, theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Dương, rất cần có những giải pháp căn cơ để ngành chăn nuôi heo phát triển ổn định. Cụ thể, cần hạn chế hoặc cấm nhập khẩu thịt heo giá thấp từ nước ngoài; tập trung giải quyết tình trạng giá thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y trong nước luôn cao so với mặt bằng của khu vực; có chính sách khuyến khích các siêu thị, cửa hàng, tiểu thương, hộ kinh doanh liên kết nhà chăn nuôi và cơ sở giết mổ để giảm bớt các khâu trung gian nhằm giảm giá thành đến tay người tiêu dùng.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Dương cũng cho rằng, ngành chức năng, địa phương cần chú trọng mở rộng thị trường tiêu thụ thịt heo, phát triển mạnh ngành chế biến thực phẩm từ thịt heo nhằm tăng nhu cầu tiêu thụ heo và sản phẩm từ thịt heo; kiểm soát tốt nguồn cung từ khâu chăn nuôi để bảo đảm ngành chăn nuôi heo phát triển ổn định...
THANH HỒNG