Ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp thiếu vốn, vì sao?
Đó là một thực tế hiện nay, khi tốc độ huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn vẫn tăng ổn định trong khi cho vay rất ì ạch.
Vốn vay vẫn “ế”!
Năm 2014, nhiệm vụ tài chính, tín dụng của hệ thống các ngân hàng (NH) được thực hiện trong bối cảnh tình hình kinh tế trong và ngoài nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn, phục hồi chậm hơn dự kiến. Các NH thương mại đã xác định tập trung vốn cho vay đối với nền kinh tế. Ghi nhận thị trường tiền tệ Bình Dương thời gian qua cho thấy, các chương trình ưu đãi vay của các NH như Vietcombank, Sacombank, VPbank, MB, SHB… xuất hiện rầm rộ. Có thể nói, đây là thời điểm khá thuận lợi cho doanh nghiệp (DN), cá nhân vay tiền để phục vụ sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng vì lãi vay đã giảm chỉ còn khoảng 50% so với thời điểm lên cao ngất ngưởng 24%/năm vào năm 2011. Về phía NH cũng kỳ vọng các gói tín dụng với lãi suất hợp lý sẽ kích thích tăng tín dụng mạnh. Thế nhưng, nhiều NH đang lo lắng dòng vốn đang “ế” dài vì không tìm được người vay.
NH Nhà nước Việt Nam vừa có chỉ đạo các tổ chức tín dụng tùy theo điều kiện của mình tiếp tục xem xét miễn giảm lãi vay đối với những khách hàng trả được nợ gốc. Ảnh: Khách hàng gửi tiền tại Ngân hàng TMCP Quân đội chi nhánh Bình Dương.Ảnh: THANH HỒNG
Giám đốc Vietcombank Bình Dương Nguyễn Đình Phục cho biết, thời gian qua, Vietcombank Bình Dương rất chủ động trong việc hạ lãi suất cho vay cùng với các giải pháp hỗ trợ kèm theo tạo điều kiện tốt nhất cho người vay tiếp cận vốn. Thế nhưng trong 3 tháng vừa qua, dư nợ cho vay tăng chưa đạt 10% so với đầu năm 2014 với số lượng 6 khách vay, trong số này có 5 DN nhỏ là khách hàng truyền thống và duy nhất chỉ có một khách hàng vay mới. “Với tốc độ vay ì ạch, tìm kiếm khách vay khó khăn, chúng tôi rất băn khoăn mục tiêu tăng tín dụng 15% của VCB Bình Dương trong năm nay”, ông Phục nói.
Giám đốc NH TMCP Công Thương (Vietinbank) KCN Bình Dương Mai Xuân Long lại mong muốn tăng trưởng tín dụng nhiều hơn chỉ tiêu 30% đã đề ra trong năm 2014 nhưng diễn biến đang chiều ngược lại vì mức tăng tín dụng chỉ đạt 10%. “Chúng tôi sẵn sàng nguồn vốn cho mọi đối tượng vay, đặc biệt rất ưu ái DN vay mới nhưng hiện khách vay tập trung ở DN truyền thống, DN lớn, còn khách vay lần đầu tiên hầu như không đáng kể. Xem ra, mức cho vay tăng 30% là một thách thức lớn với NH”, ông Long tâm sự. Trong khi đó, tốc độ tăng dư nợ cho vay của NH Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh KCN Sóng Thần rất khá so với các NH khác nhưng Giám đốc Phạm Thị Kim Nga cũng than thở, dù NH đã tăng cho vay đạt 58% so với đầu năm và tăng 38,5% so cùng kỳ năm 2013, nhưng 90% là khách vay cũ còn khách vay mới chẳng có bao nhiêu. “Thách thức lớn nhất hiện nay vẫn là làm thế nào để đẩy tín dụng ra ngay trong quý II đối với nhóm khách hàng mục tiêu”, bà Nga nói.
Thực tế hoạt động tín dụng của các NH trong 3 tháng đầu năm cho thấy, tuy doanh số cho vay vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm trước (18,67%) nhưng nếu nhìn kết quả cho vay của từng NH thì mức tăng trưởng cho vay của NH lại không đủ bù vào số tăng thấp của NH kia khiến tín dụng giảm âm. Theo NH Nhà nước (NHNN) - Chi nhánh Bình Dương, trong quý I, tốc độ tăng dư nợ tín dụng thấp hơn tốc độ tăng huy động vốn, tổng dư nợ đạt trên 65.000 tỷ đồng, giảm âm tới 1,75% trong khi tổng nguồn huy động vốn tăng 1,73% so với đầu năm 2014. Điều này cho thấy, dòng vốn vẫn đang bị ách tắc trong hệ thống các ngân hàng vì không tìm được người vay.
Tại ai?
Với khả năng cung ứng vốn dồi dào, chương trình cho vay DN triển khai ào ạt, lãi vay thấp, DN có nhu cầu vay nhưng vì sao tín dụng vẫn sụt giảm. Điều mà các DN băn khoăn hiện nay là mức lãi vay trung dài hạn liệu có được các NH đưa về mức hợp lý? Theo phản ánh của một số DN, mặc dù lãi suất cho vay đã giảm trung bình 1 - 3%/năm, nhưng cơ bản lãi suất ưu đãi vẫn chỉ hướng cho DN vay trong ngắn hạn, trong khi DN rất cần vốn trung dài hạn thì lãi suất giảm chưa đáng kể. Giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Thanh Thủy (ấp 7, xã Long Nguyên, Bến Cát, Bình Dương), cho biết những tháng trước lãi vay ngắn hạn NH ở mức 0,9%/năm nay giảm còn 0,7%/năm là tốt, nhưng lãi vay trung dài hạn vẫn ở mức 14,4%/năm, quá cao so với các chi phí DN đang gồng gánh và DN rất ngán ngại đầu tư mở rộng hoạt động khi phải vay với mức lãi suất như thế.
Đại diện một số DN trong lĩnh vực may mặc, gỗ tại Bình Dương, cho biết lý do khiến DN thận trọng vay vốn đầu tư do các khoản vay ngắn hạn vẫn chịu lãi vay khá cao, cao hơn mức 9 - 10% dành cho nhóm được hưởng ưu đãi khoảng 2 -3%/năm. Như vậy, dù có khá nhiều DN trong ngành rất cần vốn để thực hiện hợp đồng xuất khẩu, nhưng lãi vay trung bình khoảng 13%/năm và những mức lãi suất vay thấp được đưa ra thường có tác dụng theo đợt, định kỳ rất ngắn và thường hướng tới khách hàng thân quen. “Lãi vay thấp chỉ được duy trì trong mấy tháng đầu và từ các tháng sau được thả nổi nên thực tế, theo tính toán của DN, các chính sách tín dụng tung ra vẫn nằm trong khoảng từ 12 - 14%/năm, mức lãi vay này thực ra không ưu đãi gì. Thành ra, chỉ những DN đang sống hoặc có đầu ra nhưng bí bách vốn sản xuất ngắn hạn mới có nhu cầu vay vốn bổ sung, còn vay vốn trung và dài hạn thì lợi nhuận trên đồng vốn đang thấp, DN không dám vay và NH vẫn thừa tiền”, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương Huỳnh Quang Thanh cho biết.
Cần sự tin tưởng lẫn nhau
Trong chuyến thăm và làm việc với Bình Dương mới đây, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn nhận xét, mức tăng GDP quý I của tỉnh cho thấy nhiều khả năng Bình Dương sẽ đạt và vượt chỉ tiêu tăng trưởng 13% trong năm nay. Tuy nhiên, tín dụng tăng trưởng âm là nghịch lý với nhu cầu vốn của hàng chục ngàn DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ tại Bình Dương. Trong thời gian tới, tỉnh và ngành NH cần tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN phát triển, đặc biệt là khu vực DN vừa và nhỏ, ưu tiên các điều kiện để khối DN này vươn lên.
Như vậy, về phía cung ứng vốn, mục tiêu, nhiệm vụ và sự quyết tâm đã được hệ thống NH thể hiện rõ. Nhưng trước thực trạng sản xuất, kinh doanh vẫn chưa hết khó khăn, sức cầu thị trường còn yếu và cốt lõi vấn đề là thực lực của DN chưa tạo được sự tin tưởng đối với NH nên bài toán tăng trưởng tín dụng không dễ giải. Giám đốc Vietcombank Bình Dương Nguyễn Đình Phục chia sẻ, DN khó khăn trong tiếp cận vốn hoặc NH thừa tiền nhưng không dám cho vay, cần xét ở 2 khía cạnh. DN khỏe thì NH mới khỏe, DN cần xem xét lại mô hình hoạt động kinh doanh của mình có đủ sức tồn tại và phát triển bền vững hay không. Báo cáo tài chính minh bạch, phương án kinh doanh cụ thể hay kế hoạch trả nợ rõ ràng… không nên coi là điều kiện cho vay ngặt nghèo vì đó chỉ là những điều kiện tối thiểu. Ông Phục dẫn chứng: “Tại Vietcombank, việc tiếp cận vốn không khó, có khoản vay lãi suất vay VND chỉ 5% - 7%/năm và 2,5% - 3%/năm đối với USD. Tuy nhiên, loại DN nào cho vay lãi suất 12%/ năm và DN nào thì không cho vay cũng cần phải cân đối phù hợp. Do đó, NH không thể cho vay dưới chuẩn. Nếu NH không có các tiêu chí xét duyệt tín dụng như vậy mà cứ cho vay tràn lan thì nợ xấu tăng, sẽ không còn ai tin tưởng tìm tới NH gửi tiền nữa. Nói cách nào đó, giữa DN và NH cần có niềm tin trên cơ sở các điều kiện phù hợp”.
THANH HỒNG