Ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp thiếu vốn, vì sao?

Thứ sáu, ngày 05/04/2024

(BDO) Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô được tổ chức mới đây, lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại thừa nhận đang nắm giữ lượng vốn rất lớn và sẵn sàng cho doanh nghiệp (DN) vay.

Tuy vậy, một thực tế đối nghịch tưởng chừng như vô lý song đang hiện hữu khi nhiều DN trên địa bàn lại gặp khó khăn trong tiếp cận các nguồn lực, trong đó có nguồn vốn. Đặc biệt là DN nhỏ và vừa do quy mô nhỏ, năng lực hạn chế. Nghịch lý này là vấn đề cần được tháo gỡ để tạo đà phát triển. Trước thực tế này, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận, nguyên nhân chủ quan là một số ngân hàng thận trọng trong thực hiện cấp tín dụng, xét duyệt vay do lo ngại nợ xấu tăng, khiến tỷ lệ giải ngân thấp.

Phía các DN cho rằng sau một khoảng thời gian dài chống chọi với dịch bệnh, biến động của kinh tế thế giới, “sức khỏe” của DN đã sụt giảm nghiêm trọng. Hiện nay, dù đơn hàng đang bắt đầu khởi sắc, song khả năng tiếp cận vốn của DN trong năm 2024 vẫn đáng lo. Đơn hàng tăng lên, nhưng DN đã cạn nguồn vốn, hết tài sản thế chấp để vay thêm, khó khăn chồng chất khó khăn. Vì vậy, nhiều DN đau đầu với bài toán sinh tồn.

Song vấn đề nằm ở chỗ, việc giải ngân vốn phụ thuộc rất nhiều vào DN. DN sản xuất hiệu quả, đầu ra ổn định, có nhu cầu mở rộng quy mô hay không, từ đó mới dẫn đến nhu cầu về vay vốn tín dụng. DN cần hỗ trợ tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng và chi phí thấp hơn. Chính sách gia hạn nợ cần đi kèm với chính sách ân hạn nợ, nghĩa là DN gia hạn nợ được phép hoàn trả khoản vốn vay gia hạn tại năm cuối cùng của kỳ hạn vay. Bàn về giải pháp, các chuyên gia cho rằng, điều quan trọng nhất là bản thân các ngân hàng thương mại cần giảm lãi suất cho vay một cách thực chất, bởi hiện không ít DN vẫn đang vay với lãi suất không thấp hơn mức 10%/năm.

KHẢI ANH