Ngân hàng Thế giới: TPP sẽ đóng góp thêm 8% GDP của Việt Nam
Kinh tế Việt Nam đã ứng phó tương đối tốt trước những biến động của môi trường kinh tế bên ngoài với tăng trưởng GDP ước tính đạt mức 6,5% trong năm nay. Đó là báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố tại Hà Nội. Báo cáo cho biết, đều đáng lưu ý là Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mới hoàn tất đàm phán gần đây sẽ không chỉ cải thiện tiếp cận thị trường, mà còn là một nhân tố quan trọng cho giai đoạn tiếp theo của các cải cách cơ cấu tại Việt Nam.
Theo báo cáo này, là thành viên có mức thu nhập bình quân đầu người thấp nhất trong TPP, song Việt Nam có những lợi thế so sánh đặc biệt mà các thành viên khác không có, đặc biệt là trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng nhiều lao động. Các kết quả mô phỏng cho thấy, trong vòng 20 năm tới TPP sẽ đóng góp thêm 8% GDP của Việt Nam, 17% giá trị xuất khẩu thực tế và 12% năng lực sản xuất. Mặc dù sẽ có nhiều thách thức nhưng tác động chung của TPP đối với Việt Nam là tích cực.
Bản báo cáo cũng cho biết, điều kiện kinh tế vĩ mô thuận lợi hơn đã giúp duy trì ổn định hệ thống ngân hàng và viễn cảnh trung hạn của Việt Nam là tích cực. Tuy nhiên, tốc độ tái cơ cấu chậm có thể gây rủi ro đối với tiềm năng tăng trưởng trung hạn và những trì hoãn trong việc thắt chặt tài khóa sẽ làm ảnh hưởng tới mức độ bền vững của nợ công.
Trong điều kiện môi trường kinh tế còn nhiều bất ổn như vậy, các chuyên gia của WB khuyến nghị Việt Nam cần bảo đảm quản lý kinh tế vĩ mô tốt thì mới có thể tạo khoảng đệm chính sách và đối phó được với các cú sốc trong tương lai; đồng thời tiếp tục củng cố tài khóa, đẩy nhanh cải cách cơ cấu và tăng cường dự trữ ngoại tệ để giúp giảm bớt các tác động bất lợi.
Theo thông lệ, báo cáo này của WB sẽ là báo cáo nền tại Diễn đàn Đối tác phát triển diễn ra vào ngày 5-12 tới tại Hà Nội.
P.V