Ngân hàng Thế giới là đối tác phát triển rất tin cậy, quan trọng của Việt Nam
(BDO)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà lưu niệm cho bà Manuela V. Ferro, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Chiều 22/3, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp Bà Manuela Ferro, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương đang công tác tại Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội chúc mừng Bà Manuela Ferro được bổ nhiệm vào vị trí Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương; đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng với năng lực, kinh nghiệm lãnh đạo và điều hành tại nhiều quốc gia, châu lục và tâm huyết của bà, ở cương vị mới, bà Manuela Ferro sẽ tiếp tục tích cực hỗ trợ cho chiến lược phát triển quốc gia của các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dành thời gian cho cuộc tiếp, Bà Manuela Ferro cho biết trong nhiều thập kỷ qua, Việt Nam đã có những nỗ lực, tiến bộ trong phát triển kinh tế-xã hội; đã bước sang giai đoạn mới, đang hướng tới mục tiêu đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Trong 30 năm qua, thế giới chứng kiến quá trình hội nhập toàn cầu, thương mại quốc tế ngày càng phát triển, kết nối với nhau. Đó chính là bối cảnh tạo điều kiện cho Việt Nam tạo dựng được những tiến bộ hết sức to lớn, Việt Nam cũng đã hội nhập với nền kinh tế thế giới và có những đóng góp lớn, được thể hiện tỷ trọng của Việt Nam trong thương mại quốc tế gia tăng. Đó là sự tương hỗ hai chiều.
Bà Manuela Ferro cho rằng trong 30 năm tới, bối cảnh sẽ phức tạp hơn, hiện thế giới đang chứng kiến những thách thức như đại dịch COVID-19, thay đổi về địa chính trị, thương mại quốc tế. Trong bối cảnh đó, cần có tầm nhìn dài hạn hơn, rõ ràng hơn, rất cần sự lãnh đạo, định hướng chiến lược quốc gia. WB cam kết có những thông tin đầu vào để có thể hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật tốt nhất cũng như thông tin toàn cầu làm cơ sở để Việt Nam có thể đưa ra quyết sách chiến lược của mình.
Chủ tịch Quốc hội cho biết khi Quốc hội Việt Nam tổ chức “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững” vào tháng 12/2021 vừa qua để có luận cứ khi quyết định gói hỗ trợ tiền tệ cho phục hồi và phát triển kinh tế, đại diện WB đã tham gia và có những đóng góp vào thành công của diễn đàn này.
Chia sẻ về những ưu tiên của Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội cho biết trong quá trình phát triển Việt Nam cần huy động vốn lớn trên nguyên tắc tự cường, coi nguồn lực trong nước có ý nghĩa quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng. Trong huy động các nguồn lực, Quốc hội nhiều lần điều chỉnh, hoàn thiện luật liên quan, giám sát việc sử dụng nguồn vốn ODA. Chính phủ, Quốc hội có nhiều nỗ lực cơ cấu lại tài chính công, nợ công, đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Tại cuộc tiếp, Chủ tịch Quốc hội và Bà Manuela Ferro cùng trao đổi, chia sẻ quan điểm về việc cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án do WB tài trợ. Cho biết Quốc hội Việt Nam mong muốn hợp tác với WB tiếp tục tái cơ cấu tài chính công, nợ công theo hướng ngày càng bền vững hơn, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ Quốc hội, Chính phủ, người dân luôn quan tâm về hiệu quả sử dụng ngân sách, đầu tư công; đánh giá tầm quan trọng của tính minh bạch trong đấu thầu, tăng cường trách nhiệm giải trình... để tăng hiệu quả sử dụng nguồn vốn.
Sắp tới, Quốc hội giao cho các cơ quan hữu quan tăng cường giám sát lĩnh vực này; tiếp tục tăng cường siết chặt hơn nữa kỷ luật, kỷ cương tài chính…; mong muốn WB tiếp tục duy trì cơ chế tham vấn giữa WB với các bộ, ngành Việt Nam, rà soát tìm nguyên nhân và cách thức giải quyết để tăng hiệu quả trong sử dụng nguồn vốn vay.
Tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội đã nhất trí ban hành Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô khoảng 350.000 tỷ đồng để chủ động trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ kịp thời cho phục hồi và phát triển bền vững kinh tế-xã hội.
Để khắc phục tình trạng giải ngân vốn ODA chậm, Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu… nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và quy trình, thủ tục để thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư và thực hiện phân cấp, phân quyền một cách mạnh mẽ.
Quang cảnh buổi tiếp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội mong WB và các đối tác phát triển khác quan tâm hỗ trợ Việt Nam trong xây dưng hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, nhất là thể chế phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay, trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới. WB hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật, tư vấn chính sách nhất là những lĩnh vực trọng tâm như phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, cam kết của Việt Nam đối với cắt giảm khí thải nhà kính đã được đưa ra mạnh mẽ tại Hội nghị COP 26 vừa qua.
Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, các cơ quan của Quốc hội Việt Nam sẽ tổ chức Diễn đàn kinh tế thường niên quốc gia, tập hợp các nhà khoa học trong và ngoài nước để nghe tư vấn chính sách cho Quốc hội; nhấn mạnh WB là đối tác phát triển rất tin cậy, quan trọng của Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội mong WB tham gia tích cực vào quá trình này, từ nội dung, chủ đề, cung cấp diễn giả để trao đổi các kinh nghiệm quốc tế.
Quốc hội Việt Nam cũng đã quyết định hình thành mạng lưới sáng kiến Quốc hội nhằm tập hợp những chuyên gia trong và ngoài nước, nguyên đại biểu Quốc hội..., mong WB hỗ trợ thiết lập, hợp tác trong lĩnh vực này. Cùng với đó, các cơ quan của Quốc hội mong hợp tác với các định chế tài chính như WB, IMF.
Bà Manuela Ferro nhất trí với ý kiến với Chủ tịch Quốc hội và cho biết, WB mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác với Quốc hội Việt Nam trong thời gian tới. Đánh giá Diễn đàn kinh tế mà Quốc hội Việt Nam tổ chức vừa qua rất thành công, bà Manuela Ferro khẳng định WB có nguồn chuyên gia đầu vào sẵn sàng hợp tác với Quốc hội Việt Nam. Diễn đàn thành công cho thấy Quốc hội Việt Nam luôn giữ vai trò chủ động trong việc đưa ra chính sách, quyết sách, dự thảo luật... trong quá trình phát triển đất nước.
Đánh giá vai trò giám sát của Quốc hội ngày càng được tăng cường, nhất là trong lĩnh vực tài chính công, Bà Manuela Ferro chia sẻ WB đang phối hợp cùng các cơ quan hữu quan của Việt Nam xây dựng Báo cáo Việt Nam 2045, đưa ra định hướng phát triển chiến lược. Do đó, WB mong có nhiều cơ hội trao đổi thông tin với các cơ quan Quốc hội.
WB đang hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, kế hoạch phục hồi kinh tế, chuyển dịch nguồn năng lượng. Bà Manuela Ferro đánh giá các cam kết của Việt Nam đưa ra tại Hội nghị COP26 quan trọng không kém các mục tiêu phát triển quốc gia. WB mong muốn đồng hành để Việt Nam có thể kết hợp hài hòa giữa các cam kết này với các mục tiêu phát triển của mình theo hướng hài hòa, thiết thực và khả thi.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các đại biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhất trí với ý kiến của bà Manuela Ferro cho rằng trong khi nguồn vốn hạn hẹp, cần phải được sử dụng đúng mục đích vào những lĩnh vực gắn với tư vấn kỹ thuật, tư vấn chính sách của các đối tác phát triển; đồng thời hoan nghênh WB đã phối hợp với Việt Nam trong xây dựng Báo cáo Việt Nam 2045, khẳng định các cơ quan của Quốc hội sẵn sàng tham gia, góp phần để Báo cáo đạt chất lượng cao nhất, thiết thực cho Việt Nam trong nghiên cứu và hoạch định chính sách trong tương lai.
Chiều cùng ngày (22/3), tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng đã tiếp, làm việc với Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Manuela V Ferro về phương hướng hợp tác giữa hai cơ quan trong thời gian tới.
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng khẳng định từ nhiều năm nay, Ngân hàng Thế giới luôn là đối tác hỗ trợ, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, với những hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn hiệu quả cho công tác xây dựng chính sách, chia sẻ kinh nghiệm từ những chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới.
Đối với Học viện, thời gian qua, Ngân hàng Thế giới đã có nhiều hỗ trợ cụ thể liên quan tới đào tạo và nghiên cứu như cử chuyên gia thuyết trình tại các lớp cán bộ quy hoạch cấp chiến lược về chủ đề: Giới và kinh tế ở Việt Nam; chương trình trao đổi học thuật và chia sẻ tri thức giữa Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Ngân hàng Thế giới; cùng tổ chức một số tọa đàm cập nhật tình hình kinh tế khu vực và lĩnh vực đổi mới công nghệ, kinh nghiệm chuyển đổi chính phủ số...
Bày tỏ ấn tượng với những thành tựu phát triển của Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, bà Manuela V. Ferro nhấn mạnh Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trên chặng đường phát triển sắp tới, sẵn sàng hỗ trợ tích cực xây dựng Báo cáo Việt Nam 2045 nhằm góp phần giúp Việt Nam đạt được các chiến lược, kế hoạch, mục tiêu đề ra, đặc biệt là trong huy động các nguồn lực xã hội, phát triển hạ tầng, thực hiện tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển nhanh, bền vững, bao trùm...
Bà Manuela V. Ferro khẳng định Ngân hàng Thế giới sẵn sàng hợp tác, chia sẻ, trao đổi tri thức, kinh nghiệm để Việt Nam tham khảo, chọn lọc, từ đó xây dựng định hướng và chính sách phát triển./.
Theo TTXVN