Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Bình Dương: Xử phạt nhiều sai phạm của các tổ chức tín dụng
(BDO) Sau 17 cuộc thanh tra, 9 cuộc kiểm tra trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam - Chi nhánh Bình Dương đã phát hiện hàng loạt sai phạm của các tổ chức tín dụng (TCTD) và doanh nghiệp (DN) trong nhiều hoạt động. Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh Bình Dương, cho biết đơn vị triển khai quyết liệt thực hiện công tác thanh tra, kiểm soát các TCTD và xử lý vi phạm đối với DN năm 2022.
Theo đó, NHNN Chi nhánh Bình Dương đã thực hiện tổng cộng 26 cuộc thanh tra, kiểm tra cả theo kế hoạch và đột xuất. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện một số tồn tại, sai phạm của các TCTD, Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, công ty tài chính. Các vi phạm bao gồm về giới hạn cấp tín dụng, hoạt động quản trị, điều hành, kiểm soát, kiểm toán nội bộ, điều kiện vay vốn, thẩm định, xét duyệt cho vay, định giá tài sản bảo đảm, tỷ lệ nợ xấu… Căn cứ kết quả thanh tra đã đưa ra 112 kiến nghị, yêu cầu các TCTD, DN khắc phục tồn tại, sai phạm. Theo đó, đã thực hiện được 49 kiến nghị hoàn thành và khắc phục theo lộ trình, đang thực hiện 63 kiến nghị.
Trên cơ sở những sai phạm được phát hiện, năm 2022, NHNN Chi nhánh Bình Dương đã ban hành 12 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với TCTD và 5 công văn chuyển đến Cục I - Cơ quan Thanh tra, giám sát NHNN Việt Nam. Tổng số tiền phạt thu được 1,687 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Văn Phước, thông qua kết quả thanh tra, kiểm tra chi nhánh đã đưa ra những cảnh báo kịp thời các nguy cơ tìm ẩn phát sinh trong hoạt động TCTD, hạn chế rủi ro trong hoạt động, tạo môi trường pháp lý bình đẳng trong kinh doanh, tạo sự phát triển ổn định cho các TCTD trên địa bàn. Công tác thanh tra giám sát luôn được quan tâm chỉ đạo, triển khai kịp thời.
Ông Nguyễn Văn Phước cũng cho biết, nhằm bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, NHNN Chi nhánh Bình Dương xác định rõ năm 2023 tiếp tục tập trung vào công tác kiểm tra, thanh tra giám sát hoạt động của các TCTD. Trong đó, giám sát việc chấp hành tỷ lệ, giới hạn an toàn hoạt động ở tầm vĩ mô toàn hệ thống và vi mô từng TCTD. Bao gồm các quy định về giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng, cấp tín dụng, theo dõi chặt chẽ tiến độ xử lý nợ xấu, xử lý nghiêm đối với các vi phạm. Bên cạnh đó, nội dung giám sát không chỉ dừng ở việc giám sát việc tuân thủ pháp luật, chấp hành các tỷ lệ, giới hạn an toàn hoạt động mà còn chú trọng đánh giá, cảnh báo rủi ro trong hoạt động của TCTD.
TRÚC HUỲNH