Ngân hàng Nhà nước: Vàng tăng giá chỉ là biến động nhất thời
(BDO)
Ảnh minh họa. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Trong những ngày gần đây, giá vàng thế giới và giá vàng trong nước biến động mạnh, đặc biệt trong ngày hôm nay (6-7) giá vàng SJC đã tăng 2,6 triệu đồng/lượng so với chốt phiên chiều qua và gần chạm mốc 40 triệu đồng/lượng.
Để tìm hiểu nguyên nhân này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xung quanh vấn đề này.
- Thưa ông, trong những ngày gần đây, giá vàng thế giới biến động mạnh, ông đánh giá như thế nào về diễn biến này?
Ông Nguyễn Ngọc Cảnh: Nguyên nhân khiến giá vàng thế giới tăng mạnh trong những ngày qua chủ yếu là do tác động tâm lý của thị trường sau khi có công bố Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Sau sự kiện này, một số chuyên gia kinh tế dự báo Anh có thểsẽ bước vào một thời kỳ đi xuống và thậm chí có thể gây ra hiệu ứng “domino”, dẫn đến nguy cơ liên minh châu Âu sẽ dần tan rã, đẩy nền kinh tế toàn cầu vào một thời kỳ bất ổn mới.
Một nguyên nhân khác tác động đến giá vàng tăng đó là việc Fed tiếp tục trì hoãn tiến trình tăng lãi suất. Trên thị trường tài chính quốc tế, một số nhà đầu tư có tâm lý phòng ngừa rủi ro, tìm đến vàng như tài sản an toàn, bảo toàn vốn đầu tư.
- Vậy, trong bối cảnh diễn biến giá vàng thế giới tăng, thị trường vàng trong nước biến động ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Ngọc Cảnh: Trước diễn biến nêu trên, Ngân hàng Nhà nước đã theo dõi sát diễn biến của thị trường vàng quốc tế và thị trường trong nước, thấy rằng, giá vàng trong nước diễn biến phù với biến động tăng của giá vàng thế giới.
Sau sự kiện Brexit cho đến sáng ngày 5/7/2016, giá vàng trong nước tăng chậm hơn so với tốc độ tăng của giá vàng thế giới nên nhiều thời điểm giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới (có ngày thấp hơn 800.000 đồng/lượng). Tâm lý của người dân ít chịu tác động bởi diễn biến tăng của giá vàng, phản ánh qua số liệu về doanh số mua, bán vàng trong tuần sau sự kiện Brexit so với tuần trước đó tăng không đáng kể.
Tuy nhiên, từ chiều ngày 5/7 đến 6/7, giá vàng trong nước có xu hướng tăng nhanh hơn giá vàng thế giới và giá vàng trong nước đã cao hơn giá vàng thế giới. Diễn biến này tác động đến tâm lý của thị trường, một số người có xu hướng chưa bán vàng ngay ra thị trường gây thiếu hụt nguồn cung tạm thời.
Mặc dù vậy, khối lượng vàng giao dịch trên thị trường không tăng đột biến, không có tình trạng người dân xếp hàng, đổ xô đi mua vàng như những thời kỳ trước đây.
- Vậy, ông có khuyến nghị gì đối với người dân và định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới là gì thưa ông?
Ông Nguyễn Ngọc Cảnh: Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến của thị trường và sẵn sàng các phương án và có đủ nguồn lực để can thiệp thị trường vàng khi cần thiết. Việc can thiệp bình ổn thị trường vàng sẽ được thực hiện nhất quán với chủ trương quản lý thị trường vàng tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP.
Thực tiễn cho thấy, việc thực hiện các giải pháp quản lý thị trường vàng theo tinh thần Nghị định 24 trong thời gian qua đã ổn định được thị trường, giảm sức hấp dẫn của vàng miếng, không còn tình trạng đầu cơ, làm giá gây bất ổn nền kinh tế; tình trạng ”vàng hóa” trong nền kinh tế từng bước được ngăn chặn, việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán đã được kiểm soát.
Mặc dù từ tháng Hai đến đầu tháng Sáu năm nay, giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới nhưng nhu cầu mua vàng của người dân vẫn ở mức rất thấp, doanh số giao dịch chỉ bằng 50% so với cùng kỳ các năm trước.
Như vậy, biến động thị trường như đã nêu trên chỉ là biến động nhất thời, chưa có xu hướng rõ ràng. Những thông tin đa chiều từ thị trường thế giới đã tác động đến tâm lý thị trường trong nước. Nhiều chuyên gia liên tục cảnh báo các nhà đầu tư và người dân nên thận trọng để tránh bị thua thiệt. Do vậy, người dân cần hết sức thận trọng trong mọi quyết định mua, bán của mình, tránh những rủi ro không đáng có gây thiệt hại cho bản thân như giai đoạn trước đây.
- Xin cảm ơn ông!
Theo TTXVN