Ngân hàng Nhà nước bất ngờ tăng tỷ giá thêm hơn 2%
Quyết định điều chỉnh được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố cuối chiều 17-8, sau gần một tháng đôla thị trường tự do lên cơn sốt giá và vượt qua mức niêm yết của ngân hàng.
Với quyết định mới, kể từ 18-8, tỷ giá bình quân liên ngân hàng sẽ lên 18.932 đồng ăn một đôla, thay vì mức 18.544 đồng nhiều ngày nay. Ngân hàng Nhà nước giải thích, việc điều chỉnh này phục vụ mục tiêu kiểm soát nhập siêu.
Biên độ tỷ giá vẫn giữ nguyên mức 3%, khống chế giá trần giao dịch tại các ngân hàng không quá 19.500 đồng, cao hơn mức 19.100 đồng duy trì nhiều ngày nay.
Đây lần điều chỉnh tỷ giá thứ hai của Ngân hàng Nhà nước kể từ tháng 2 năm nay và lần thứ ba trong vòng gần 9 tháng qua. Sáng 11/2, Ngân hàng Nhà nước bất ngờ tăng tỷ giá liên ngân hàng từ mức 17.941 đồng đổi một đôla lên mức 18.544 đồng và áp dụng ngay trong ngày. Trước đó, tháng 11/2009, cơ quan này đồng thời hạ biên độ tỷ giá từ mức 5% xuống 3% và nâng tỷ giá liên ngân hàng thêm 5,44% lên mức 17.961 đồng ăn một đôla.
Tỷ giá tự do đi lên suốt tháng nay và đặc biệt tăng mạnh trong tuần này. Cuối chiều 17/8, trước khi Ngân hàng Nhà nước công bố quyết định mới, giá bán tại các cửa hàng Hà Nội chạm 19.340 đồng ăn một đôla, cao hơn 1,25% so với mức trần của ngân hàng.
Trưởng phòng Kinh doanh ngoại tệ một ngân hàng quy mô lớn cho biết doanh số giao dịch (cả mua và bán) tại ngân hàng này đang giảm mạnh, khoảng 30-40% so với trước. Trạng thái ngoại tệ của ngân hàng này đã âm vài ngày nay, nhưng chưa được nhiều hỗ trợ để cân đối lại. Với mức giá thấp hơn 200-300 đồng so với thị trường tự do, ngân hàng khó xoay nguồn mua để bán cho khách.
"Những ngân hàng có khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tình hình dễ dàng hơn, bởi khách cũng dễ chấp nhận mức giá của thị trường. Nhưng các doanh nghiệp quốc doanh thì khó, họ không muốn bán giá thấp như niêm yết của ngân hàng và cũng không muốn mua giá cao theo thị trường", vị trưởng phòng than thở.
Cán bộ kinh doanh ngoại tệ của một ngân hàng quốc doanh cũng xác nhận cung cầu trong hệ thống đang căng hơn những tháng trước, giao dịch tại đơn vị này giảm 10%. Tuy nhiên, theo ông, diễn biến thị trường những ngày này không nằm ngoài tiên liệu đã đưa ra từ đầu năm.
Những tháng đầu năm, sau quyết định điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước và do lãi suất VND vênh xa so với lãi ngoại tệ, nhiều doanh nghiệp vay đôla rồi chuyển hóa thành tiền đồng kinh doanh. Nguồn cung đôla trên thị trường vì thế tăng cao khác thường, tạo sức ép đẩy tỷ giá tự do xuống thấp hơn ngân hàng. Nhưng ngay từ lúc đó, nhiều chuyên gia đã cảnh báo tình hình sẽ xoay ngược lại khi đến hạn các doanh nghiệp phải gom đôla để trả cho ngân hàng.
Dẫu vậy, vị chuyên gia này cho rằng tình hình hiện nay chưa đến mức quá căng thẳng, nhất là so với diễn biến năm 2009, khi cả năm tỷ giá tự do luôn cao hơn ngân hàng, thậm chí có thời điểm vênh tới 1.000-2.000 đồng. Ông cho biết một số ngân hàng khó mua đôla, song thời gian gần đây Ngân hàng Nhà nước cũng rất ít bơm tiền hỗ trợ.
Chiều 17-8, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Tiền tệ Quốc gia Lê Đức Thúy cũng cho rằng đây chưa phải là thời điểm căng thẳng nhất của thị trường ngoại tệ. Ông giữ quan điểm thị trường chưa có dấu hiệu bất thường nếu độ vênh giữa tỷ giá tự do và tỷ giá chính thức trong khoảng 1%.
Các hợp đồng vay ngoại tệ bắt đầu tăng mạnh sau tháng 2 và đa phần đều là hợp đồng ngắn hạn (3-6 tháng), vì vậy theo ông Thúy đỉnh điểm của đợt căng thẳng (nếu có) sẽ rơi vào cuối quý III và đầu quý IV nếu cơ quan quản lý không có những giải pháp hợp lý.
Một nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết ngoài động thái điều chỉnh tỷ giá nhằm chống nhập siêu, cơ quan này chưa có ý định tăng cung để can thiệp bởi thực tế trạng thái ngoại tệ trên toàn hệ thống vẫn đang dương.
"Có chuyện một vài ngân hàng lo lắng khi khó mua đôla hơn trước. Nhưng tình hình chưa căng thẳng, Ngân hàng Nhà nước chủ động điều chỉnh trước, phòng cho những diễn biến có thể xảy ra. Dự báo trong vài ngày đầu điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng, thị trường tự do sẽ không vượt quá xa mức 19.300 đồng ăn một đôla", nguồn tin này bình luận.
Theo VNE