Ngân hàng giữ lãi suất cho vay ổn định

Thứ ba, ngày 12/07/2022

(BDO)  Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng có động thái điều chỉnh tăng lãi suất huy động khiến thị trường lo ngại sẽ tác động tăng lãi suất đầu ra. Tuy nhiên, qua khảo sát trên địa bàn, lãi suất cho vay hầu như không biến động.

 

Các ngân hàng đang thu hút vốn, dành nguồn vốn giá rẻ cho các doanh nghiệp thuộc ngành, nghề lĩnh vực ưu tiên. Trong ảnh: Tư vấn gửi tiết kiệm và vay vốn tại Ngân hàng Bản Việt

 Giảm lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên

Theo ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc Ngân hàng Đầu tư & Phát triển (BIDV) Chi nhánh Bình Dương, biểu lãi suất huy động của chi nhánh được áp dụng từ 2021 đến nay. Do lãi suất huy động gần như không thay đổi từ năm 2021 đến nay nên hầu như không tác động đến lãi suất cho vay tại chi nhánh. Theo đó, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam và NHNN Việt Nam - Chi nhánh Bình Dương về việc dành nguồn vốn cho vay với chi phí hợp lý đối với các đối tượng ưu tiên nhằm thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế những tháng đầu năm 2022, BIDV đã giảm lãi suất cho vay các đối tượng ưu tiên theo quy định. Cụ thể, lãi suất cho vay của một số đối tượng ưu tiên đã giảm khoảng 0,5%/ năm. Hiện nay, lãi suất cho vay đối với các đối tượng ưu tiên tại chi nhánh được áp dụng ở các mức trung bình từ 5,5-11%/năm; lãi suất cho vay tiêu dùng, bất động sản ngắn hạn từ 7,5 - 12%/năm.

Qua khảo sát một số chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh, cho thấy tuy cũng có một số chi nhánh TCTD có sự điều chỉnh tăng lãi suất cho vay trung, dài hạn đối với đối tượng sản xuất, kinh doanh khác từ 11%/năm lên 11,3%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn đối với đối tượng sản xuất, kinh doanh khác từ 10,5%/năm lên 12,5%/năm… nhưng hầu hết các chi nhánh TCTD như: Vietcombank Bình Dương, Agribank Bình Dương, Vietinbank Bình Dương, BIDV Bình Dương đã có sự điều chỉnh giảm lãi suất cho vay so với tháng trước. Các ngân hàng (NH) đã giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/ năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn trên địa bàn phổ biến ở mức 4,5-7%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn trên địa bàn phổ biến ở mức 8,5-9,5%/ năm. Đối với lãi suất cho vay đô la Mỹ, hiện lãi suất ngắn hạn phổ biến ở mức 2-3,3%/ năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 3-5,58%/năm.

Theo đánh giá của NHNN Chi nhánh Bình Dương, nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm 2022, mặt bằng lãi suất tại địa bàn tỉnh Bình Dương cơ bản được tiếp tục duy trì ổn định, lãi suất huy động và cho vay trên địa bàn không có sự biến động đáng kể. Lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên được thực hiện đúng theo quy định.

Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế địa phương

Theo ghi nhận, các NH giảm lãi suất cho vay là những NH chiếm thị phần tín dụng lớn. Bên cạnh đó, trong đợt giảm lãi suất lần này còn có sự tham gia của các NHTMCP tư nhân cùng với khối NHTM Nhà nước nên giá trị và hiệu ứng sẽ mở rộng. Cũng như các đợt giảm lãi suất trước, các doanh nghiệp (DN) vay vốn được giảm lãi suất trong thời gian này thuộc các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và NHNN Việt Nam định hướng tập trung vốn hỗ trợ trong thời gian qua. Động thái giảm lãi suất là một sự nỗ lực rất lớn của ngành NH với sự phát triển của DN, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và đáp ứng nhu cầu khách hàng về tín dụng từ nay đến cuối năm.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Vận tải Bình Dương, cho biết từ năm 2021 đến nay, các NH điều chỉnh giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ tiết giảm chi phí tài chính cho DN, từ đó giúp DN kiềm chế phí dịch vụ vận chuyển, góp phần tạo ổn định mặt bằng giá thị trường. Cũng theo ông Nguyễn Văn Hùng, trong bối cảnh lạm phát có nguy cơ tăng, các TCTD áp dụng cho vay lãi suất thấp đối với DN là một kênh cộng hưởng giúp DN góp phần tạo lập mặt bằng CPI và giá trên thị trường.

Số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2022 của NHNN Chi nhánh Bình Dương, cho thấy dư nợ cho vay của các TCTD tăng 8,55% so với đầu năm do tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Bình Dương dần được kiểm soát, đồng thời lãi suất được giữ bình ổn, nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh tăng, dẫn đến nhu cầu vay vốn tăng so với đầu năm. Theo đó, nguồn tiền vay tập trung vào nhu cầu vay phục vụ sản xuất, kinh doanh qua đó góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế địa phương đạt 77,77% so với kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2022.

Ông Võ Đình Phong, Giám đốc NHNN Chi nhánh Bình Dương, cho biết đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh lãi suất cho vay nhìn chung vẫn ổn định. Các chi nhánh TCTD đã nghiêm túc thực hiện các quy định, chỉ đạo của NHNN Việt Nam về lãi suất, phí cho vay; chủ động cân đối khả năng tài chính để áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay; áp dụng mức thu phí hợp lý đối với các khoản phí được thu theo quy định nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng NH, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.

 Theo đánh giá của NHNN Chi nhánh Bình Dương, nhìn chung trong 6 tháng đầu năm 2022, mặt bằng lãi suất tại địa bàn tỉnh Bình Dương cơ bản được tiếp tục duy trì ổn định, lãi suất huy động và cho vay trên địa bàn không có sự biến động đáng kể. Lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên được thực hiện đúng theo quy định. Lãi suất cho vay ngắn hạn trên địa bàn phổ biến ở mức 4,5%-7%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn trên địa bàn phổ biến ở mức 8,5- 9,5%/năm. Đối với lãi suất cho vay đô la Mỹ, hiện lãi suất cho vay đô la Mỹ ngắn hạn phổ biến ở mức 2-3,3%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 3-5,58%/năm.

 THANH HỒNG