Ngân hàng giảm lãi suất huy động: Giải pháp thiết thực, hướng đến nhiều mục tiêu
(BDO) Sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, các ngân hàng thương mại cổ phần tiếp tục, nhanh chóng điều chỉnh lãi suất tiền gửi, tạo điều kiện giảm lãi vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế.
Các tổ chức tín dụng đã chủ động, khẩn trương triển khai các giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thiết thực cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19
Giảm lãi suất huy động
Từ cuối tuần qua, một số ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô nhỏ đã công bố biểu lãi suất huy động theo hướng điều chỉnh giảm lãi khoảng 0,1 - 0,4%/năm ở nhiều kỳ. Cụ thể, trong ngày 6-3, Ngân hàng An Bình thông báo bảng lãi suất huy động mới đối với tiền gửi khách hàng cá nhân ở kỳ hạn 15 - 36 tháng, giảm từ 7,9% xuống còn 7,7%/năm. Tương tự, lãi suất kỳ hạn 12 tháng cũng giảm 0,2% xuống còn 7,6%/năm. Bên cạnh đó, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn ngắn (1 - 3 tháng) từ mức 5%/năm cũng đồng loạt giảm 0,2% xuống còn 4,8%/năm.
Trước đó, Ngân hàng Nam Á cũng áp dụng biểu lãi suất huy động mới. Trong đó, đối với tiết kiệm trực tuyến, ngân hàng này áp dụng mức giảm 0,1% cho kỳ hạn gửi 18 tháng và giảm 0,2% cho kỳ hạn 36 tháng. Đối với sản phẩm tiền gửi tiết kiệm VND, ngân hàng này điều chỉnh giảm lãi suất huy động xuống 0,1% cho các kỳ hạn từ 18 tháng, 23 tháng, 25 tháng và các kỳ hạn từ 26 tháng trở lên. Đại diện Ngân hàng Nam Á cho biết việc điều chỉnh lãi suất huy động nằm trong định hướng chung của toàn hệ thống, góp phần vào công tác điều tiết, ổn định lãi suất trên thị trường và luôn đồng hành vì lợi ích khách hàng. Từ đó, góp phần hỗ trợ, tạo tiền đề để kéo giảm lãi suất cho vay trong thời gian sắp tới. Ghi nhận trên thị trường tiền tệ cũng cho thấy, trong 2 tuần cuối tháng 2, một số ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô nhỏ cũng đã giảm nhẹ lãi suất huy động như Bắc Á, Á Châu, Quốc Dân…
Giải pháp cho nền kinh tế
Theo các chuyên gia ngành tài chính, ngân hàng, việc điều chỉnh lãi suất huy động nhằm cơ cấu lại nguồn vốn. Do trước đó, một số ngân hàng đã chủ động huy động đủ vốn để đáp ứng quy định về an toàn vốn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) theo quy định mới nên không có áp lực huy động vốn tại thời điểm này. Mặt khác, trong báo cáo mới đây với lãnh đạo NHNN Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN, cho biết hiện nay do ảnh hưởng chung của dịch bệnh dẫn đến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn từ đó có tình trạng tăng tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu. Đến nay, có 23 tổ chức tín dụng báo cáo với NHNN ước tính 926.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, chiếm khoảng 14,27% trên tổng dự nợ của 23 TCTD này và chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống…
Với con số vừa nêu, trong buổi trả lời phỏng vấn mới đây với ngành truyền thông, chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho rằng có những tác động chính đến lĩnh vực ngành tài chính, ngân hàng trước tình hình dịch bệnh Covid-19. Thứ nhất là tiềm ẩn nợ xấu, bởi số doanh nghiệp và hộ kinh doanh bị ảnh hưởng tiêu cực đương nhiên sẽ gặp khó khăn về sản xuất, kinh doanh. Thứ hai, do tình hình kinh tế thế giới đang diễn biến khá phức tạp, Trung Quốc và Việt Nam sẽ chịu tác động tiêu cực nên tổng cầu giảm, nhu cầu tín dụng giảm so với năm trước, điều này ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng và ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng. Đó cũng là lý do để các ngân hàng sớm giảm lãi suất huy động, tiến tới giảm lãi suất cho vay là giải pháp vừa tự cứu mình là ngăn chặn nợ xấu tăng và chia sẻ khó khăn cho khách hàng là giải pháp tốt cho nền kinh tế.
Triển khai các gói tín dụng chia sẻ khó khăn 285.000 tỷ đồng Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết ngành ngân hàng đang tích cực triển khai các gói tín dụng chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 với tổng giá trị dự kiến lên tới 285.000 tỷ đồng. Theo ông Hùng với các khoản cho vay mới, nhiều ngân hàng đăng ký gói giảm hoàn toàn các phí như phí thanh toán, phí chuyển tiền, có ngân hàng đăng ký giảm lãi suất từ 0,5 đến 1% với các khoản vay hay dự nợ đang có. Trong đó, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đăng ký hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) 100 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) 35.000 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) 15.000 tỷ đồng. |
THANH HỒNG