Ngân hàng, doanh nghiệp tiếp tục song hành cùng phát triển
(BDO) Sáng 22-3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam - Chi nhánh Bình Dương tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng (NH) - doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các sở, ngành, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị
Theo báo cáo của NHNN - Chi nhánh Bình Dương, trong năm 2022, tình hình triển khai các chương trình, gói tín dụng đối với khách hàng đạt nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, kết quả hỗ trợ lãi suất (HTLS) theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của NHNN tính đến cuối tháng 1 - 2023 đạt tổng dư nợ 1.756 tỷ đồng; doanh số cho vay đạt 3.319 tỷ đồng; tổng số tiền đã HTLS trên 8,117 tỷ đồng, với 58 khách hàng được HTLS.
Các lĩnh vực cho vay HTLS tập trung chủ yếu là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành hàng không, vận tải kho bãi... Đối tượng được HTLS chủ yếu là doanh nghiệp. Dư nợ cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên chiếm tỷ lệ tương đối cao (58,55%) trên tổng dư nợ.
Hội nghị dành nhiều thời gian để các ngân hàng, hiệp hội, doanh nghiệp chia sẻ thông tin về hoạt động tín dụng năm 2022; tình hình hoạt động của doanh nghiệp; nhu cầu vốn vay và một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận, vay vốn ngân hàng. Đại diện các ngân hàng cũng trao đổi, giải đáp những vấn đề doanh nghiệp quan tâm, như: Hạn mức tín dụng, lãi suất cho vay, các thủ tục liên quan đến hồ sơ vay vốn, thời gian giải ngân...
Đại diện hiệp hội ngành hàng phát biểu ý kiến tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Dành đánh giá, trên cơ sở bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam, NHNN - Chi nhánh Bình Dương đã xây dựng các chương trình hành động của ngành, triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả các chương trình tín dụng đặc thù nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Dành đề nghị trong thời gian tới, ngành ngân hàng cần tiến hành rà soát giảm thêm các chi phí cho doanh nghiệp thông qua việc giãn, giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện để cung ứng đầy đủ, đa dạng các sản phẩm dịch vụ tài chính tín dụng. Nhất là cần căn cứ vào tình hình điều kiện thực tế để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, có dòng tiền tái sản xuất. Song song với đó, doanh nghiệp cần có tinh thần vượt khó.
Mối quan hệ cơ hữu này là tiền đề giúp cho ngành ngân hàng, doanh nghiệp tiếp tục song hành, cùng phát triển.
Thanh Hồng