Ngân hàng - doanh nghiệp kết nối, phục hồi sản xuất, kinh doanh – Kỳ I

Thứ bảy, ngày 30/05/2020

(BDO) Kỳ I: Doanh nghiệp nỗ lực duy trì hoạt động

Tuy dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam hiện đã được kiểm soát tốt nhưng dịch bệnh trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp (DN) trong các ngành nghề, lĩnh vực đối mặt với nhiều khó khăn để duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh.


Chế biến gỗ, một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Bình Dương đang gặp khó khăn từ nguyên liệu đến thị trường. Ảnh: THANH HỒNG

Khó trên nhiều lĩnh vực

Chế biến gỗ là một trong những ngành nghề xuất khẩu chủ lực của Bình Dương. Với lợi thế có nguồn lao động tay nghề cao, được đầu tư trang bị máy móc hiện đại, sản phẩm có chất lượng, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Những năm qua, ngành này luôn duy trì mức tăng trưởng cao và ổn định (trung bình 12- 15%/năm), là một trong những ngành chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh (chiếm từ 12-14%). Bình Dương luôn là một trong những địa phương hàng đầu của cả nước về xuất khẩu gỗ (chiếm trung bình từ 35%-40%).

Nhưng kể từ khi dịch bệnh Covid-19 lan rộng trên phạm vi toàn cầu, khiến chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy nghiêm trọng, nhiều giao dịch thương mại bị đình trệ hay hủy bỏ, DN chế biến gỗ gặp khó khăn rất lớn. “Không chỉ riêng DN của tôi, hiện trong hiệp hội gỗ có đến 51% DN tạm đóng cửa từ tháng 4 vì không có đơn hàng để sản xuất, 35% DN vẫn đang duy trì nhưng sẽ phải tạm ngừng sản xuất trong thời gian tới. Chỉ có 7% DN vẫn hoạt động bình thường nhưng không thể chắc chắn được vì tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp”, ông Nguyễn Liêm, Giám đốc Công ty Cổ phần Lâm Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Dương (BiFa) chia sẻ.


Hầu hết DN sản xuất gặp nhiều khó khăn về vốn, nguyên liệu, đầu ra thị trường nhất là ngoài nước. Trong ảnh: Sản xuất máy phát điện tại Công ty Cổ phầ
n Sáng Ban Mai

Khác ngành hàng khác cũng gặp phải những khó khăn tương tự, ông Trần Thành Trọng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sáng Ban Mai (KCN Mỹ Phước, Bến Cát), Chủ tịch Hiệp hội Cơ Điện Bình Dương, cho biết các DN trong hiệp hội tùy vào quy mô, tính chất mà mức độ khó khăn khác nhau. DN sản xuất sản phẩm cơ khí phục vụ nhu cầu dân sinh có tín hiệu khởi sắc tại thị trường nội địa. Ngược lại, các DN sản xuất, gia công, cơ khí chính xác, sử dụng nguồn nguyên liệu chủ yếu từ các nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… dù đã có hợp đồng sản xuất cố định nhưng tình hình xuất khẩu vẫn đang bị trì trệ do dịch bệnh. Cùng lúc này, các DN sản xuất hàng điện tử gia dụng, điện lạnh, đa số đều sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu chiếm khoảng 80% từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản bị gián đoạn, sản xuất cầm chừng nhằm duy trì hoạt động.

Cùng trong tình cảnh sản xuất cầm chừng, chờ tín hiệu mới, ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Thiên Lộc, cho biết do dịch bệnh kéo dài, giá thép liên tục giảm nhanh, đã ảnh hưởng đến tất cả DN sản xuất trong ngành thép. Ngoài ra, trong thời gian dịch bệnh, đối tác không nhận hàng, việc thực hiện các giao dịch thanh toán hợp đồng hàng hóa hầu như không thực hiện được do đối tác gặp khó khăn. “DN không bán được hàng, cắt giảm sản lượng sản xuất, đồng nghĩa với việc công nhân thiếu việc làm, thu nhập giảm hoặc bị mất việc sẽ khiến họ không yên tư tưởng gắn bó. Vì vậy, DN sản xuất cầm chừng, chờ ngày thị trường phục hồi. Nếu phải dừng sản xuất, nguy cơ thiếu hoặc mất nhân lực giỏi nghề đang là nỗi lo của DN cũng như người lao động”, ông Nghĩa nói.

Tìm đâu nguồn vốn?

Đây là câu hỏi muôn thưở không chỉ đối với nhiều startup non trẻ mà ngay cả đối với DN lâu năm, có uy tín trên thương trường đều đau đáu hàng ngày để tìm cho mình bài toán về vốn. Trong bối cảnh dịch bệnh thì tìm “bà đỡ” của mọi vấn đề lại càng khó khăn hơn bao giờ hết. Theo đánh giá của các hiệp hội DN tại Bình Dương, khó khăn lớn nhất của DN hiện nay vẫn là nguồn vốn.

Ông Nguyễn Hồng Anh, Giám đốc nhân sự - Hành chính Tổng Công ty sản xuất, xuất nhập khẩu Bình Dương - Công ty Cổ phần tại KCN Quốc tế Protrade, cho biết công ty hiện có hợp đồng với ngân hàng, tổng hạn mức cấp tín dụng xấp xỉ 200 tỷ đồng. Năm 2020 công ty được giải ngân 39 tỷ đồng, nhưng khi bắt đầu xảy ra dịch bệnh đến nay dù chưa tới hạn nhưng ngân hàng vẫn ráo riết đòi nợ làm cho tình hình thêm bi đát, thay vì tìm cách vực DN hoạt động trở lại. “Do đặc thù của công ty sử dụng công nghệ làm chủ lực nên cần đầu tư tài chính lớn. Hiện công ty phải chi lương cho 2.150 công nhân khoảng 16 tỷ đồng/tháng, trong khi 3 tháng gần đây đơn hàng không có để sản xuất, nhưng vẫn không thể cho công nhân nghỉ việc. Mặt khác vẫn duy trì các chính sách chế độ cho người lao động và hàng loạt chi phí khác trong quá trình hoạt động. Đến nay, DN đang đói vốn nhưng vẫn chưa nhận được chính sách hỗ trợ về tài chính như giãn, hoãn, hạ lãi suất từ ngân hàng”, ông Anh khẳng định.

DN ngành dệt, sợi đang gặp nhiều khó khăn hiện nay đó là vấn đề thiếu vốn để nhập nguyên liệu. Ông Nguyễn Lê Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sợi Việt Tiến, cho biết trong điều kiện hàng xuất đang bị đình trệ do dịch bệnh, nhưng DN vẫn phải duy trì sản xuất trong nước từ 70-90%, kéo theo rất nhiều chi phí. Đặc thù ngành là 100% sợi bông phải nhập khẩu từ Mỹ, Brazil, phải đặt hàng trước từ 4-6 tháng mới nhận được nguyên liệu sản xuất. Vì vậy, khi bị chậm trễ về nguyên liệu, thời gian sản xuất còn lại rất ngắn nên DN không xoay trở kịp. DN rất cần sự hỗ trợ từ ngân hàng… Trước mắt, các ngân hàng cần giãn dài vòng quay vốn lưu động nhằm giúp DN không bị nợ quá hạn. Ngoài ra, ông Hoàng cho rằng mặc dù đã có chính sách hoãn, giãn, hạ lãi suất hỗ trợ cho DN… song những chính sách này cần triển khai nhanh hơn. Mặt khác, cần tiếp tục xem xét cho DN vay thêm ngoài hạn mức phê duyệt để sử dụng kịp thời nguồn vốn nhập nguyên liệu, giúp DN đáp ứng được đơn hàng bảo đảm thông lệ quốc tế.

Bên cạnh những DN vừa nêu, hiện trên địa bàn tỉnh còn có DN thuộc ngành nghề khác như y tế, giáo dục, bất động sản, xây dựng, vận tải… cũng trong tình cảnh đôn đáo tìm vốn nhưng “lực bất tòng tâm”.

(Còn tiếp)

 THANH HỒNG