Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh: Nâng cao chất lượng tín dụng
(BDO) Cùng với giải ngân cho vay, công tác đôn đốc thu nợ có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng các chương trình tín dụng, nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội. Chính vì vậy, Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh đã tăng cường các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn nguồn vốn vay quay vòng.
Khách hàng nhận vốn chính sách tại điểm giao dịch lưu động UBND xã Tân Hưng, huyện Bàu Bàng
Củng cố hoạt động
Với quy mô hoạt động tín dụng chính sách xã hội ngày càng lớn, các chương trình tín dụng ngày càng nhiều, công tác quản lý, duy trì, phát triển nguồn vốn luôn được chú trọng. Đầu tư tín dụng phải luôn đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng để bảo đảm cho hoạt động phát triển ổn định, bền vững.
Trong những tháng đầu năm 2023, công tác quản lý, giám sát, đôn đốc thu nợ đã được NHCSXH tỉnh triển khai chặt chẽ tới các phòng giao dịch (PGD); đồng thời yêu cầu các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương và các ngành liên quan cùng phối hợp thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng về việc nâng cao năng lực và hiệu quả các nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Một loạt những giải pháp như đánh giá các khoản nợ, tăng cường kiểm tra, giám sát đột xuất phiên giao dịch đã được ngân hàng quán triệt thực hiện.
Ông Võ Văn Đức, Giám đốc NHCSXH tỉnh, cho biết đơn vị đã quán triệt mạnh mẽ về thực hiện những giải pháp thu nợ trong toàn hệ thống giao dịch và các tổ chức nhận ủy thác vốn ở các cấp. Trong đó, tổ chức phân tích, đánh giá chất lượng tín dụng theo định kỳ, tiếp tục rà soát đánh giá lại nợ quá hạn, nợ xâm tiêu, nợ lãi tồn đọng để sớm có giải pháp, kế hoạch xử lý thu hồi theo quy định. Đồng thời, đơn vị tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan trên địa bàn thực hiện việc xử lý thu hồi các trường hợp vay ké, xâm tiêu, chiếm dụng vốn.
Song song đó, ngoài việc thường xuyên giám sát và kiểm tra đột xuất các phiên giao dịch ở xã, NHCSXH tỉnh còn thực hiện kiểm tra toàn diện theo kế hoạch năm 2023 nhằm giám sát chặt chẽ việc chuyển giao, sử dụng vốn vay. Đặc biệt, ngân hàng chú trọng vai trò đôn đốc thu nợ của các tổ tiết kiệm và vay vốn (TTK & VV) ở cơ sở. Trên cơ sở quán triệt, chỉ đạo của ngân hàng và tổ chức hội cấp trên, các tổ trưởng TTK & VV thực hiện việc tiến hành kiểm tra, theo dõi tình hình sử dụng vốn, có đánh giá hiệu quả sử dụng vốn của từng tổ viên. Đồng thời, các tổ tích cực đốc thúc đối với các khoản nợ quá hạn, thường xuyên nhắc nhở, thông báo đối với các khoản nợ sắp đến hạn để các hộ vay chuẩn bị trước, chấp hành trả nợ đúng hạn.
Bảo đảm an toàn nguồn vốn
Một trong những đơn vị luôn duy trì được chất lượng tín dụng tốt đó là PGD NHCSXH huyện Bàu Bàng. Đến cuối tháng 6-2023, tại đơn vị này đã có 8.636 người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn đang được vay vốn tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ 396,5 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu thấp, tính đến nay chỉ chiếm 0,14%.
Ông Nguyễn Thành Hiệp Phó Giám đốc PGD NHCSXH huyện Bàu Bàng, cho biết có được kết quả đó là do PGD đã tham mưu kịp thời cho Ban đại diện hội đồng quản trị NHCSXH huyện trong việc triển khai, phân bổ các nguồn vốn tín dụng kịp thời đến các xã, thị trấn bảo đảm đến đúng đối tượng thụ hưởng. Bên cạnh đó, PGD còn tích cực chỉ đạo cán bộ theo dõi sát các món nợ đến hạn để phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể, TTK & VV đôn đốc hộ vay trả nợ đúng hạn. Công tác kiểm tra, giám sát cũng được PGD chú trọng thực hiện, đặc biệt là việc chấp hành quy trình nghiệp vụ tại điểm giao dịch xã. Nhờ vậy, tránh được nhiều sai sót trong quá trình cho vay, từ đó nâng cao được chất lượng tín dụng chính sách tại địa bàn.
Nguồn vốn vay từ NHCSXH đã giúp nhiều người dân trên địa bàn tỉnh giải quyết được việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Điểm sáng của hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh là chất lượng tín dụng được bảo đảm với tỷ lệ nợ quá hạn ở mức thấp, hiện ở mức gần 8 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,17% trên tổng dư nợ 4.252 tỷ đồng với 82.218 khách hàng còn dư nợ.
THANH HỒNG