Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Dương: Luôn nỗ lực vì mục tiêu giảm nghèo
15 năm sau khi có quyết định thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Bình Dương (2002-2017), ngân hàng đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Ngân hàng đã phát huy hiệu quả vai trò chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
(BDO)
Lãnh đạo NHCSXH - Chi nhánh TX.Thuận An thăm mô hình kinh doanh của một hộ vay vốn giải quyết việc làm ở khu phố Thạnh Lợi, phường An Thạnh, TX.Thuận An. Ảnh: THANH HỒNG
Tiếp sức cho người nghèo
Cho đến bây giờ ông Nguyễn Văn Hữu (ở ấp Cà Na, xã An Bình, huyện Phú Giáo) vẫn chưa quên những ngày tháng khó khăn, vất vả. Khoảng những năm 2010, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo. Nhờ NHCSXH-Chi nhánh huyện Phú Giáo, Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) ở địa phương tạo điều kiện, ông Hữu được vay 50 triệu đồng để trồng cây tiêu. Với 5.000m2 đất, cùng sự chăm chỉ của bản thân và được đại diện Tổ TK&VV hướng dẫn cách thức trồng tiêu, gia đình ông đã thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ gia đình khá giả với thu nhập ổn định hơn 300 triệu đồng/năm.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt hộ gia đình được vay vốn. Trong đó, NHCSXH đóng vai trò quan trọng giúp nhiều gia đình dân thoát nghèo, có điều kiện làm giàu ngay trên quê hương mình. Có thể thấy, từ nguồn vốn chính sách đã giúp các hộ dân trên địa bàn tỉnh thay đổi nhận thức, nỗ lực từng bước tự thân thoát nghèo. Cùng với đó là sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, địa phương, các thành viên Tổ TK&VV do các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn thành lập trong việc định hướng cách làm kinh tế, chuyển đổi mô hình cây trồng, vật nuôi cho hộ vay vốn. Đây là nền tảng quan trọng và là sự cộng hưởng tiếp sức cho những hộ khó khăn có thêm điều kiện phát triển kinh tế gia đình, từng bước vươn lên.
Ông Võ Văn Đức, Giám đốc NHCSXH tỉnh, cho biết 15 năm qua đơn vị đã bám sát các chương trình, kế hoạch của Trung ương, mục tiêu giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cùng với đó chủ động phối hợp với các ngành, các hội, đoàn thể nhận ủy thác chuyển tải kịp thời nguồn vốn tín dụng đến tận tay hàng trăm ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác một cách an toàn, tiết kiệm và hiệu quả. Thông qua công tác ủy thác vốn đã tạo điều kiện cho tổ chức hội, đoàn thể có thêm cơ hội củng cố tổ chức mình, gần và hiểu dân hơn, hoạt động hiệu quả hơn, năng lực của cán bộ hội được nâng lên, hội viên cũng gắn bó hơn với tổ chức hội.
Phát huy hiệu quả nguồn vốn vay
Tính đến ngày 31-8-2017, NHCSXH tỉnh cùng với 4 tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đã thành lập được 1.599 tổ TK&VV, trải đều khắp 91 xã, phường, thị trấn trong tỉnh, tham gia quản lý gần 1.593 tỷ đồng dư nợ, tương đương 97% tổng dư nợ, nhưng tỷ lệ nợ xấu rất thấp (0,32% trên tổng dư nợ).
Đến nay, tổng nguồn vốn của NHCSXH tỉnh đạt hơn 1.746 tỷ đồng, tăng gần 40 lần so với khi mới thành lập. 15 năm qua, đã có 185.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trong tỉnh được vay vốn tín dụng chính sách. Nguồn vốn này đã góp phần giúp gần 45.500 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 45.000 lao động; giúp cho 48.200 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng 203.500 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; hỗ trợ vốn vay để xây dựng trên 840 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác... |
Nhớ lại thời điểm NHCSXH tỉnh mới thành lập, ông Đức cho biết khi đó chi nhánh nhận bàn giao 2 chương trình tín dụng, gồm cho vay hộ nghèo và cho vay giải quyết việc làm, với tổng dư nợ 42,76 tỷ đồng. Đến nay, đơn vị đã thực hiện được 12 chương trình tín dụng. Về thực hiện các chương trình tín dụng góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, hàng năm đơn vị tham gia cùng các địa phương góp phần xây dựng nông thôn mới, bằng cách tập trung nguồn vốn tín dụng để giúp các địa phương sớm đạt các chỉ tiêu về nông thôn mới cấp trên giao. Theo đó, ngân hàng thực hiện mức vay bình quân tăng từ 2,1 triệu đồng/hộ trước đây tăng lên 23,9 triệu đồng/hộ hiện nay.
15 năm qua, tuy gặp nhiều khó khăn song tập thể cán bộ, nhân viên hệ thống NHCSXH tỉnh đều nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, được cấp ủy, chính quyền, các ngành, địa phương và nhân dân trong tỉnh đánh giá cao. Với nguồn vốn không ngừng tăng lên, chất lượng tín dụng luôn ổn định, tỷ lệ nợ xấu thấp... NHCSXH tỉnh đã giải quyết tốt nhu cầu về vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay để sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập cho gia đình. Những kết quả đó đã góp phần nâng cao niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp trên các mặt đời sống xã hội, nhất là công tác bảo đảm an sinh xã hội...
Ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban đại diện NHCSXH tỉnh: Những kết quả đạt được qua 15 năm hoạt động của NHCSXH tỉnh là rất lớn, nhưng khó khăn đã và đang đặt ra cho NHCSXH tỉnh cũng rất nhiều. Hiện nay, vẫn còn một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, cần đến sự trợ giúp của Nhà nước và cộng đồng. Trong khi đó, nguồn vốn tín dụng vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu thực tế của người vay và theo các mục tiêu đã đề ra trong chương trình mục tiêu giảm nghèo - việc làm của tỉnh. Cùng với đó, đối với công tác quản lý thu hồi nợ, chính quyền một vài địa phương chưa có những biện pháp cụ thể và tích cực để cải thiện chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn...
Để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh từ nay đến năm 2020, hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH tỉnh cần tiếp tục làm tốt để đạt mục tiêu về chỉ tiêu hoạt động, đơn giản hóa thủ tục, tiêu chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ, công tác quản trị ngân hàng, phát triển nguồn nhân lực... NHCSXH tỉnh cần bảo đảm 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trong tỉnh có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn tín dụng chính sách, được cung cấp các sản phẩm, dịch vụ của NHCSXH; phấn đấu giữ tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,4%/tổng dư nợ, chất lượng tín dụng thường xuyên được củng cố và nâng cao. Ngân hàng cũng cần thực hiện tốt công tác phối hợp, lồng ghép hoạt động cho vay vốn ưu đãi với các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tín dụng chính sách trong thời gian tới...
THANH HỒNG