Ngăn chặn “tín dụng đen” trong công nhân lao động
(BDO) Trước tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, để người lao động không rơi vào bẫy “tín dụng đen”, các cơ quan, ban ngành trong tỉnh đã có nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp với thực tế.
Trung tá Nguyễn Văn Cảnh, Trưởng đồn Công an Khu công nghiệp Sóng Thần (TP.Dĩ An), cho biết nhằm nâng cao nhận thức của công nhân lao động về pháp luật, hạn chế các vụ việc bị đối tượng “tín dụng đen” lôi kéo, cán bộ, chiến sĩ của đồn đã phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức tuyên truyền pháp luật cho người lao động trong những giờ giải lao. Đến nay, tình hình an ninh trong đối tượng công nhân làm việc ở khu công nghiệp ổn định.
Công an TP.Tân Uyên tăng cường tuyên truyền pháp luật trong công nhân để phòng ngừa tội phạm “tín dụng đen”. Ảnh: H. PHƯỚC
Có thể nói thời gian qua các ban ngành, địa phương đã chú trọng công tác giữ gìn an ninh trật tự trong công nhân, đặc biệt là trước tội phạm “tín dụng đen”. Song song đó, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) các cấp đã có những chính sách căn cơ nhằm hỗ trợ người lao động trước khó khăn. Cụ thể, để kịp thời hỗ trợ người lao động, góp phần hạn chế tình trạng “tín dụng đen”, LĐLĐ tỉnh đã thành lập Quỹ hỗ trợ công nhân lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn từ năm 2020. Quỹ hỗ trợ cho các trường hợp công nhân lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động và rủi ro khác với mức từ 4 - 10 triệu đồng/trường hợp. Tính đến nay, quỹ đã hỗ trợ cho 747 trường hợp với số tiền gần 7 tỷ đồng.
Song song đó, tổ chức Công đoàn đã thành lập Quỹ trợ vốn CEP để hỗ trợ vốn vay cho người lao động, giúp công nhân có nguồn vốn vay lãi suất thấp mà không phải vay nặng lãi bên ngoài. Khi gặp khó khăn về tài chính có thể tìm đến tổ chức công đoàn để nhờ hỗ trợ. Đến nay, tại Bình Dương đã có 2 chi nhánh của CEP đang hoạt động trợ vốn cho người lao động. Chỉ tính riêng tại chi nhánh CEP Thuận An đã có hơn 74.000 lượt công nhân viên chức lao động được vay, mức vay từ 10 - 50 triệu đồng/người/lần, với doanh số hơn 1.600 tỷ đồng. LĐLĐ tỉnh cũng tăng cường công tác giới thiệu việc làm, cung cấp thông tin doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng để người lao động biết, tìm việc làm thích hợp để có thu nhập, ổn định cuộc sống…
Bằng sự nỗ lực của các cấp, các ngành với các giải pháp thiết thực, đời sống của người lao động từng bước được cải thiện, nhận thức của người lao động cũng từng bước được nâng lên, từ đó chủ động nhận biết, phòng ngừa, góp phần hạn chế tình trạng “tín dụng đen”. Tuy nhiên, dự báo tình hình tội phạm “tín dụng đen” trong công nhân sẽ còn diễn biến phức tạp nên cần tiếp tục có sự chung tay của các cấp, các ngành, của doanh nghiệp và bản thân người lao động để đẩy lùi tội phạm này.
THANH QUANG