Ngăn chặn thuốc lá điện tử, ma túy trong môi trường học đường: Thực hiện từ sớm, từ xa

Thứ tư, ngày 22/11/2023

(BDO) Tăng cường tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử, ma túy cho học sinh (HS), sinh viên; chú trọng thành lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh vấn đề này ngay trong trường học… là những cách làm cần chú trọng thực hiện nhiều hơn nữa trong thời gian tới để bảo vệ các em trước những cám dỗ của chất gây nghiện.


Thượng tá Đỗ Ngọc Ẩn, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh tuyên truyền về tác hại của ma túy và thuốc lá điện tử cho HS. Ảnh: QUỲNH NHƯ

Chặn thuốc lá điện tử vào trường học

Theo ghi nhận của P.V, tại một trường học trên địa bàn tỉnh, vào sáng thứ hai hàng tuần, khi các HS vào khu nội trú của trường đều phải qua khâu kiểm tra của các thầy quản phòng. Quy trình trên nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng HS mang thuốc lá điện tử cũng như các vật dụng không phù hợp vào trường. Đây là một cách làm hay và nhận được sự hưởng ứng của phụ huynh trước tình trạng các loại chất kích thích, đặc biệt là thuốc lá điện tử đang nhắm vào đối tượng HS.

Cũng nhằm chủ động ngăn chặn tình trạng HS sử dụng thuốc lá điện tử và các chất kích thích; nâng cao nhận thức của các em đối với vấn nạn ma túy, thời gian qua Công an tỉnh đã phối hợp với ngành giáo dục tổ chức nhiều buổi tuyên truyền pháp luật tại các trường học. Mới đây nhất, hơn 300 HS của trường THCS Thuận Giao (TP. Thuận An) đã được Thượng tá Đỗ Ngọc Ẩn, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh thông tin về tác hại của ma túy và thuốc lá điện tử, đặc điểm nhận diện một số loại ma túy phổ biến hiện nay, các biểu hiện thường gặp đối với người nghiện ma túy, người sử dụng thuốc lá điện tử, thủ đoạn của tội phạm ma túy, cách chủ động phòng tránh để không vướng vào tệ nạn ma túy.

Theo Thượng tá Đỗ Ngọc Ẩn, ma túy là hiểm họa của nhân loại. Hiện nay, tội phạm ma túy nhắm vào các đối tượng trẻ, trong đó có HS với các loại hình như “bùa lưỡi”, “bóng cười”… Đặc biệt, hiện nay thuốc lá điện tử đang trở thành vấn nạn “đau đầu” đối với nhà trường và các bậc phụ huynh. Vì vậy, các em HS cần phải tránh xa các chất này, không để bị kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ sử dụng…

Phòng, chống ma túy từ sớm, từ xa

Hiện nay, tình hình tội phạm ma túy đang có xu hướng trẻ hóa. Đáng chú ý là loại ma túy mà người nghiện sử dụng hiện nay chủ yếu là ma túy tổng hợp, gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tinh thần và thể chất của người nghiện. Trước thực trạng trên, công tác phòng, chống ma túy (PCMT) trong giới trẻ, đặc biệt là trong đối tượng HS, sinh viên là vấn đề hết sức cấp bách.


Lực lượng công an kiểm tra một điểm bán thuốc lá điện tử trên địa bàn TP.Thuận An

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, toàn tỉnh Bình Dương hiện đang quản lý 2.105 người nghiện ma túy, trong đó có 864 người nghiện ngoài xã hội. Toàn tỉnh hiện có 5 xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy.

Từ thực tế trên, việc nhìn thẳng vào thực trạng người trẻ nghiện ma túy để có cách xử trí kịp thời là vấn đề rất được quan tâm. Vì vậy, để thực hiện dự án “Tăng cường năng lực PCMT trong học đường đến năm 2025” của Bộ Giáo dục và Đào tạo trên địa bàn, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành kế hoạch phân công vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan, ban, ngành, trong đó đặc biệt quan tâm đến vai trò của nhà trường và gia đình trong việc quản lý, giáo dục con em từ sớm, từ xa trước sự ảnh hưởng của ma túy.

Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm của nhà trường trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn ma túy đối với thế hệ trẻ trong và ngoài nhà trường; phối hợp huy động cả hệ thống chính trị đối với công tác PCMT nhằm tạo phong trào rộng khắp và xây dựng cơ chế tự phòng vệ an toàn cho xã hội trước sự tấn công của tội phạm ma túy; sử dụng đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn ma túy tác động vào thế hệ trẻ và ngăn chặn ma túy xâm nhập học đường, đặc biệt là các trường học tại khu vực, địa bàn phức tạp về tệ nạn ma túy, góp phần làm giảm số người nghiện, người sử dụng ma túy trên địa bàn tỉnh…

Trong số các giải pháp đưa ra nhằm đạt mục tiêu trên thì công tác truyền thông về PCMT trong học đường được chú trọng. Theo đó, hàng năm các đơn vị phối hợp tổ chức các hoạt động, hội thi về PCMT; lập đường dây nóng để tiếp nhận những thông tin, phản ánh nhằm tư vấn, hỗ trợ và giải đáp các thông tin về PCMT trong trường học. Cần thiết phải phát triển mô hình Câu lạc bộ “HS PCMT” và Câu lạc bộ “Tuổi trẻ PCMT” nhằm tăng cường đội ngũ tuyên truyền về tác hại của ma túy, những hệ lụy, khó khăn khi cai nghiện, cách phát hiện và phòng tránh ma túy…

Nằm trong các nhóm giải pháp, một trong những vấn đề góp phần rất lớn cho việc phát hiện, xử lý tình trạng ma túy trong học đường là tăng cường trao đổi thông tin giữa nhà trường, gia đình và cơ quan chức năng. Theo đó, cần xây dựng kế hoạch phối hợp giữa nhà trường, gia đình và các cơ quan chức năng, các tổ chức chính trị xã hội trong việc tuyên truyền, giáo dục về PCMT và tệ nạn cho HS, sinh viên; nắm bắt các thông tin của HS, sinh viên liên quan đến tệ nạn ma túy để kịp thời giáo dục, nhắc nhở và xử lý theo quy định.

Xây dựng các clip ngắn, sinh động để tuyên truyền

Qua khảo sát, đoàn giám sát HĐND tỉnh nhận định, tình trạng HS sử dụng thuốc lá điện tử đang có chiều hướng gia tăng; việc mua bán thuốc lá dễ dàng thông qua các cửa hàng, mua bán trên mạng xã hội; rất ít trường hợp bị xử phạt vì mua bán thuốc lá không đúng quy định.

Từ đó, đoàn kiến nghị trong công tác phòng ngừa xã hội, Tỉnh đoàn, ngành giáo dục, công an tăng cường phối hợp tuyên truyền pháp luật cho HS; cần chú trọng xây dựng các clip ngắn, sinh động, thu hút HS, để đăng tải trên các trang mạng xã hội; tập trung đào tạo kỹ năng cho đội ngũ báo cáo viên để các hoạt động tuyên truyền miệng ngày càng sinh động; quan tâm tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử, bóng cười…

 L.T.PHƯƠNG