Ngăn chặn ma túy tổng hợp ảnh hưởng đến giới trẻ:Gia đình và xã hội cần vào cuộc
(BDO) Thời gian qua, dư luận, đặc biệt là các bậc phụ huynh vô cùng lo lắng khi các dạng biến thể của ma túy tổng hợp xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường mà đối tượng sử dụng phần lớn là giới trẻ, học sinh, sinh viên. Để tìm hiểu về tình hình ma túy tổng hợp tại Bình Dương cũng như công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm ma túy tại tỉnh nhà, P.V đã có cuộc trao đổi với trung tá Đỗ Ngọc Ẩn, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an tỉnh xung quanh vấn đề này….
Tem giấy, một dạng ma túy tổng hợp mới, còn gọi là “bùa lưỡi” đang trở thành món đồ chơi nguy hiểm ảnh hưởng đến giới trẻ
- Thưa trung tá, gần đây dư luận rất lo ngại khi báo chí liên tục thông tin về loại ma túy tổng hợp có tên là “tem lưỡi”, “bùa lưỡi” hay “tem giấy”, loại ma túy này thật ra như thế nào? Tại Bình Dương đã xuất hiện trường hợp buôn bán, sử dụng nào hay chưa?
- Nói đây là một loại ma túy tổng hợp mới nhưng cũng không hẳn mới. Với loại ma túy này, người sử dụng một miếng giấy nhỏ với hình thù đa dạng, ngộ nghĩnh để ngậm dưới lưỡi nhằm tạo ra cảm giác hoang tưởng, kích thích ảo giác, rối loạn thần kinh. Hiện nay, loại “tem giấy” xuất hiện nhiều ở các quán hàng xung quanh trường học, khu dân cư tại TP.Hồ Chí Minh và có xu hướng lan rộng ra một số tỉnh và đối tượng sử dụng nhiều là giới trẻ, học sinh, sinh viên. Bản chất của loại ma túy này là một loại ma túy được tráng trên bề mặt lớp giấy dưới dạng LSD. Chất ma túy này được quy định rõ trong Danh mục 1, Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19-7-2013 của Chính phủ. LSD là một loại chất kích thích có khả năng gây kích thích thần kinh mạnh, chỉ cần một lượng nhỏ cũng làm cho người dùng có cảm giác thất thường, hoang tưởng, gây ảo giác, rối loạn thần kinh thị giác.
Tại Bình Dương, gần đây nhất chúng tôi vẫn chưa phát hiện có trường hợp buôn bán, sử dụng nào xuất hiện. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tăng cường công tác nắm tình hình, đồng thời có thông báo đến các đơn vị, trường học, cơ quan chức năng để bảo đảm công tác phòng, chống ma túy.
Để thực hiện tốt việc lập hồ sơ và tổ chức đưa người nghiện đi cai nghiện ma túy tập trung, ngày 14-2-2015, UBND tỉnh có Quyết định số 425/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế phối hợp lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trên địa bàn tỉnh Bình Dương và Quyết định số 1915/QĐ-UBND ngày 27- 7-2015 về việc ban hành Danh mục các biểu mẫu sử dụng trong quá trình lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Từ các văn bản này đã tạo cơ sở pháp lý, giúp cho công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương trong việc lập hồ sơ, lưu giữ người nghiện, chuyển hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thời gian qua được tăng cường và mang lại hiệu quả tích cực (tính đến ngày 19-9-2016, tổng số người nghiện ma túy không nơi cư trú đang lưu giữ tại trung tâm cai nghiện của tỉnh là 1.145 đối tượng, trong đó đã có quyết định của tòa án đối với 786 đối tượng, đang chờ tòa án xem xét 123 đối tượng, có 236 đối tượng không đủ điều kiện để xét xử). |
- Hiện nay ma túy tổng hợp đã và đang biến tướng thành nhiều loại mà đối tượng hướng đến là giới trẻ, chẳng hạn như “tem giấy”, “bóng cười”, “shisha”, “keo con chó”… trung tá đánh giá như thế nào về vấn đề này?
- Tất cả các chất ma túy và chất kích thích nói chung đều ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ. Như đã nói trên thì “tem giấy” là chất LSD, một loại ma túy tổng hợp gây ảo giác. Còn “bóng cười” hay NO2, “keo con chó” và “shisha” lại không có tên trong danh mục những loại ma túy bị cấm như Nghị định 82. Điều này rõ ràng còn nhiều bất cập bởi qua nghiên cứu thì các chất này đều được điều chế với những thành phần hóa học nhằm tạo cảm giác kích thích hệ thần kinh trung ương, gây ảo giác, từ đó nhận thức sai lệch về hành vi và ảnh hưởng đến sức khỏe. Shisha hay còn được gọi là “thuốc lào Ả Rập” có tính độc hại hơn 100 lần so với các loại thuốc lá thông thường. Nicotin với liều lượng lớn trong loại chất kích thích này cũng không nằm trong danh mục cấm của Chính phủ. Những loại ảo giác tạo ra khi sử dụng các loại chất kích thích trên chủ yếu là ảo thanh và ảo thị, người sử dụng có tâm lý hoảng sợ, hoảng loạn và phát sinh ảo giác trong tư tưởng.
Lứa tuổi thanh thiếu niên là lứa tuổi với tâm lý chưa ổn định, thường háo hức, tò mò, muốn khám phá những cảm giác mới lạ. Do đó, các đối tượng buôn bán ma túy thường hướng đến đối tượng thanh thiếu niên và xem như khách hàng tiềm năng của chúng.
Một trong những vấn đề mà những người làm công tác phòng, chống ma túy chúng tôi băn khoăn đó là vai trò của các bậc phụ huynh trong việc quản lý con cái. Khi những bạn trẻ, học sinh đi chơi đêm, đến những nơi giải trí xô bồ, tiêu cực thì các bậc phụ huynh có bao giờ đặt câu hỏi: “Con mình giờ này đang ở đâu?”. Có rất nhiều bậc phụ huynh rất thờ ơ trong việc quản lý, giáo dục con cái, đó cũng là một trong những nguyên nhân để các bạn trẻ dễ sa ngã.
- Để phòng ngừa, ngăn chặn sự biến tướng của các loại ma túy tổng hợp tràn về Bình Dương, trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm ma túy, phía cơ quan chức năng có biện pháp gì?
- Chúng tôi tiếp tục tăng cường công tác nắm tình hình, vận động các ngành, các cấp cùng chung tay trong công tác phòng, chống ma túy. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh để người dân, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên, sinh viên, học sinh hiểu rõ hơn tác hại của ma túy, từ đó nâng cao ý thức tự phòng ngừa cũng như tuyên truyền lại cho người thân, bạn bè.
Bình Dương là một trong những địa phương làm tốt công tác thống kê người nghiện trên địa bàn, quản lý người nghiện theo các nghị định. Chúng tôi đã tổ chức tập huấn tại 91 xã, phường, thị trấn, quản lý người nghiện theo Nghị định số 111/2013/NĐ-CP và Nghị định số 56/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30-9-2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Đối với người nghiện không nơi cư trú, cai nghiện không thành công, chúng tôi vận động đưa vào cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Trên mặt trận đấu tranh, chúng tôi quán triệt đến từng chiến sĩ cảnh sát điều tra chống tội phạm ma túy các cấp là phải kiên quyết bắt giữ những trường hợp vi phạm, không để tội phạm ma túy lộng hành, đúng như tinh thần được chỉ đạo từ cấp trên: không để phát sinh, không để hình thành điểm nóng.
Ngoài ra, công tác vận động người dân tố giác tội phạm cũng được chúng tôi quan tâm, chú trọng trong thời gian qua. Về công tác phối hợp, chúng tôi phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tư pháp, Tỉnh đoàn, Sở Y tế, Hội Nông dân… thực hiện các chương trình hành động, kế hoạch liên tịch... cùng chung tay trong công tác tuyên truyền, đấu tranh, phòng chống tội phạm ma túy.
Số vụ án ma túy bị triệt phá tăng
Từ đầu năm đến nay, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã phát hiện và bắt giữ tổng cộng 295 vụ với 466 đối tượng mua bán tàng trữ, vận chuyển ma túy trái phép. So với cùng kỳ năm ngoái tăng 38 vụ, tỷ lệ tăng tương ứng 14,78%; tăng 49 đối tượng (446/397) tỷ lệ tăng tương ứng 12,34%.
Nhằm góp phần kìm hãm sự ảnh hưởng, lây lan của ma túy trong cộng đồng dân cư, đặc biệt là thế hệ trẻ, trong thời gian qua, các cấp, các ngành, lực lượng chức năng của tỉnh Bình Dương đã quyết liệt phối hợp triển khai triệt phá các tụ điểm, đối tượng nghiện ma túy (chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016, lực lượng Công an tỉnh đã phát hiện 216 vụ liên quan đến ma túy, tăng 71 vụ so với cùng kỳ, bắt 310 tên, triệt xóa 155 điểm phức tạp về ma túy. Đã khởi tố điều tra 149 vụ với 188 đối tượng; đã lập 499 hồ sơ đối tượng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc). Song song đó, tỉnh cũng đã thực hiện nhiều giải pháp khác như: Đã mở được 2 cơ sở điều trị bằng Methadone (1 cơ sở tại TP.Thủ Dầu Một và 1 cơ sở tại TX.Dĩ An) để hướng dẫn, tạo điều kiện cho người nghiện tiếp cận với các dịch vụ điều trị thích hợp tại cộng đồng; tăng cường công tác tuyên tuyền, vận động để người nghiện ma túy đi cai nghiện tự nguyện tại trung tâm…
TÂM TRANG (thực hiện)