Ngầm hóa lưới điện - cáp viễn thông: Cần có kế hoạch cho từng giai đoạn
Hướng tới thành phố không dây
Hiện nay, các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng... đều đã có kế hoạch và đang triển khai hệ thống ngầm hóa LĐ-CVT. Ở Hải Phòng, việc triển khai ngầm hóa lưới điện trung thế được thực hiện từ năm 2009 với tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, toàn bộ nội thành sẽ bỏ cấp điện áp 6 KV, thay vào đó là cấp điện áp 22 KV và xóa bỏ hoàn toàn lưới điện trung thế. Còn ở Hà Nội hiện cũng đang tập trung ngầm hóa lưới điện trung thế tại quận Cầu Giấy với kinh phí dự kiến 732 tỷ đồng, thực hiện từ 2011 đến 2015. Để phấn đấu trở thành một thành phố không dây, TP.Đà Nẵng cũng đã có kế hoạch ngầm hóa LĐ-CVT. Theo đó, từ nay đến năm 2020, địa phương này sẽ tập trung ngầm hóa LĐ-CVT ở hai quận trung tâm là Hải Châu và Thanh Khê. Những năm tiếp theo sẽ mở rộng ra các địa bàn còn lại. Theo kế hoạch đã đề ra, đến năm 2030, TP.Đà Nẵng sẽ hoàn thành toàn bộ việc ngầm hóa LĐ-CVT trên toàn thành phố.
Gần Bình Dương nhất là TP.HCM, cách đây chục năm cũng đã triển khai kế hoạch ngầm hóa LĐ-CVT và hiện đã hoàn thành trên một số tuyến đường khu vực trung tâm, như: Lê Lợi, Lê Duẩn, Nguyễn Huệ, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Văn Trỗi... với tổng kinh phí đầu tư hơn 150 tỷ đồng. Để ngầm hóa hết LĐ-CVT ở những khu vực trung tâm của các quận, huyện trên địa bàn, TP.HCM cần khoảng hơn 14.000 tỷ đồng (tổng chiều dài dây cáp điện khoảng 5.000km). Tính đến nay, TP.HCM đã có 19/45 dự án được các doanh nghiệp đăng ký tham gia, trong đó có 2 dự án đã khởi động.
Đối với Bình Dương, hiện khu vực trung tâm thành phố mới được Becamex IDC quy hoạch và xây dựng, toàn bộ hệ thống LĐ-CVT được đi ngầm. Tuy nhiên, xung quanh khu vực trung tâm này lại có quá nhiều hệ thống lưới điện cao thế, trung thế đi ngang, gây mất mỹ quan cho một đô thị được quy hoạch bài bản. Ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Becamex IDC từng nhấn mạnh trong một cuộc họp với Sở Công Thương, Điện lực Bình Dương, cần phải ngầm hóa hệ thống lưới điện ở các khu vực trung tâm, đặc biệt là khu vực thành phố mới. Vì thế, mới đây một dự án đường dây đi ngang qua thành phố mới của Điện lực Bình Dương đã không được Becamex IDC đồng thuận đành phải chuyển hướng, thay đổi thiết kế.
Cần có kế hoạch ngay từ bây giờ
Cùng với dự án ngầm hóa hệ thống lưới điện, đương nhiên phải ngầm hóa cả hệ thống cáp viễn thông mới bảo đảm được mỹ quan, an toàn và cả việc kết hợp cùng đào bới hệ thống ngầm... Như vậy, kinh phí cho dự án ngầm hóa này là rất lớn, nhưng nếu ngại vì kinh phí lớn mà không có kế hoạch cho lâu dài thì ngày càng khó hơn. Kinh nghiệm tại các thành phố từng thực hiện dự án ngầm hóa LĐ-CVT cho thấy họ mất nhiều năm trời mới hoàn thành được từng tuyến một mà không thể đầu tư cùng lúc. Tuy nhiên, đối với những thành phố còn thưa dân và có kế hoạch ngầm hóa LĐ-CVT sớm thì việc đào bới đường sá sẽ nhanh hơn vì ít quá tải, có thể kết hợp tốt hơn khi triển khai làm mới các tuyến đường nội ô, tránh lãng phí và gây hư hỏng đường về sau.
Ông Trương Chí Dũng, Giám đốc Điện lực Bình Dương, cho biết nguồn vốn đầu tư cho việc ngầm hóa lưới điện là rất lớn. Theo tính toán sơ bộ, tổng vốn để ngầm hóa lưới điện trung thế trong nội ô TP.Thủ Dầu Một lên đến hơn 1.000 tỷ đồng. Trong khi đó, Điện lực Bình Dương là đơn vị hạch toán phụ thuộc Tổng Công ty Điện lực Miền Nam nên không có thẩm quyền quyết định về nguồn vốn đầu tư. Do đó, ông Dũng cũng đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh cần có buổi làm việc với Tổng Công ty Điện lực Miền Nam để thống nhất về chủ trương và nguồn vốn thực hiện.
Nói về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm, cho biết hiện nay tỉnh chưa có chủ trương ngầm hóa lưới điện trong đô thị Thủ Dầu Một cũ, nhưng có thể lắp cáp hoặc thay đổi cáp cho an toàn. “Chúng ta cũng có thể tiến hành theo cách mỗi năm ngầm hóa một tuyến và điện lực cần có kế hoạch cụ thể. Có thể làm tuyến đường Yersin trước bởi hiện nay tuyến này rất đông người dân sinh sống cũng như qua lại hàng ngày...”, ông Liêm nói.
T.ĐỒNG