Nga: Nhân vật đối lập với Tổng thống Putin chưa thôi tranh cử

Thứ hai, ngày 15/01/2018

(BDO) Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga đã chính thức tuyên bố ứng cử viên Alaxei Navalny - người được xem là đối thủ duy nhất có cơ hội thách thức Tổng thống Vladimir Putin - không đủ điều kiện ra tranh cử vì tội danh tham nhũng và đang chịu án 5 năm tù treo.

Tuy nhiên ông Navalny cho rằng, cáo buộc đó mang động cơ chính trị. Phản ứng trước động thái trên, thủ lĩnh phe đối lập đã kêu gọi những người ủng hộ tẩy chay cuộc bầu cử vào tháng 3 tới.

Phát biểu trước báo giới, người đứng đầu Ủy ban Bầu cử Trung ương, bà Ella Pamfilova, cho biết cơ quan này chỉ áp dụng luật pháp để bác bỏ điều kiện ra tranh cử của ông Navalny. Thủ lĩnh phe đối lập nhấn mạnh sẽ kháng cáo lên Tòa án Hiến pháp Nga. Và từ những ngày cuối năm 2017, ông Navalny, năm nay 41 tuổi, đã thu thập được khoảng 800 chữ ký, điều kiện cần thiết để đảm bảo quyền ra ứng cử của ông và hy vọng điều này sẽ gây áp lực lên Ủy ban Bầu cử cho phép ông tranh cử.

Ông Navalny còn kêu gọi “Chúng tôi sẽ tiến hành cuộc biểu tình của cử tri. Cuộc bầu cử mà chúng tôi không được mời tham dự không phải là cuộc bầu cử”. Sau quyết định của Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga, Navalny đã đệ đơn kháng cáo lên Tòa án Tối cao Nga.

Ngày 30-12-2017, Tòa án Tối cao Nga ra phán quyết bác bỏ đơn kháng cáo của ứng viên Alexei Navalny. Theo đó, quyết định của Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga tiếp tục được thi hành.

Chính trị gia phe đối lập Alexei Navalny sinh ngày 4-6-1976 tại Butyn, khu vực Moskva, tốt nghiệp ngành luật tại Đại học Tổng hợp hữu nghị các dân tộc Nga (RUDN) ở Moskva năm 1998. Theo hãng tin BBC, Alexei Navalny bắt đầu thể hiện như là một nhân vật chính trị đối lập từ năm 2007 với những blog có nội dung cáo buộc vấn đề lạm dụng chức quyền và tham nhũng tại một số công ty lớn của Nga do nhà nước kiểm soát, là người sáng lập và điều hành trực tiếp “Quỹ chống tham nhũng”.

Navalny còn cho thành lập trang LiveJournal, chủ yếu đăng tải những vụ việc tham nhũng của một số nhân vật cao cấp trong chính quyền. Bằng việc mua nhiều cổ phiếu của những công ty năng lượng lớn của Nga, Alexei Navalny tiếp cận được nhiều tài liệu mật của chính phủ và đăng tải lên trang mạng của mình nhằm phơi bày những vụ sử dụng tiền công quỹ không hợp lý cùng việc công bố những tài liệu bí mật về các thỏa thuận gây tranh cãi của Chính phủ Nga, nhờ đó, được rất nhiều người chú ý ở cả trong đời thực lẫn mạng xã hội.

Bằng nghệ thuật dẫn luận và phản biện của một luật sư, Navalny nhanh chóng nổi tiếng với giới báo chí và truyền thông quốc tế. Thời điểm năm 2011 và 2012, Navalny có những bài diễn thuyết “gây bão” phản đối việc ông Putin đắc cử nhiệm kỳ 3. Năm 2013, Alexei Navalny bị tố cáo biển thủ số tài sản trị giá 500.000 USD từ công ty gỗ nhà nước Kirovles trong khi làm cố vấn cho Thống đốc vùng Kirov. Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECHR) đã bác bỏ bản án này.

Tuy nhiên, bản án 5 năm tù treo dành cho Navalny vẫn được cơ quan hành pháp Nga giữ nguyên. Cũng trong năm 2016, Navalny đã 3 lần bị bắt giam và bị cáo buộc vi phạm pháp luật khi nhiều lần tổ chức các cuộc biểu tình quy mô lớn chống chính phủ. Cổ súy cho Alexei Navalny, các tổ chức truyền thông và thông tấn phương Tây đều gọi Navalny với các biệt danh như “Người anh hùng đối lập cuối cùng của Nga” hay “người đàn ông khiến Vladimir Putin sợ nhất”.


Alexei Navalny trong năm 2016 bị bắt 3 lần vì tổ chức biểu tình trái phép.

Trên thực tế, tỷ lệ tín nhiệm mà người Nga dành cho Navalny vào năm 2013 là 6%. Ông Pavel Salin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính trị tại Đại học Tài chính Nga, cho biết, khi đó, Moskva bắt đầu coi Navalny là một nhân vật chính trị cần được chú ý hơn là một blogger độc lập. Navalny từng cố gắng cạnh tranh vào vị trí Thị trưởng Moscow với người được ông Putin đề bạt là Sergei Sobyanin, tuy nhiên lại thất bại với số phiếu sít sao.

Dù vậy, trong chiến dịch bầu cử Thị trưởng Moskva, Navalny đã gây ra điều bất ngờ khi giành được 27% số phiếu bầu, xếp vị trí thứ hai. Kể từ đó, cái tên Navalny được chú ý hơn, đều đặn xuất hiện trên những phương tiện truyền thông đại chúng phủ sóng trên toàn nước Nga.

Kết quả một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Trung tâm Phân tích Levada cho thấy, phần lớn người Nga không tín nhiệm nhân vật đối lập Alexei Navalny làm Tổng thống kế nhiệm ông Vladimir Putin. Kết quả khảo sát cho câu hỏi: “Bạn có bỏ phiếu cho Alexei Navalny trong kỳ bầu cử Tổng thống Nga sắp tới?”.

Có 45% số người được hỏi khẳng định: Chắc chắn sẽ không bỏ phiếu cho nhân vật đối lập này. Nhiều người tin rằng, thủ lĩnh đối lập Navalny không xứng đáng để họ xuống đường tuần hành và thể hiện sự ủng hộ. Kết quả thăm dò cho thấy, đa số những người tham gia biểu tình là vì tò mò hay được bạn bè, người thân lôi kéo, trong khi thực tế có rất ít người ủng hộ Alxei Navalny.

Còn theo kết quả cuộc bầu cử Duma Quốc gia Nga hồi tháng 9-2016 thì đảng Nước Nga Thống nhất - đảng chính trị của Tổng thống Putin - và các đảng thân Putin chiếm tới 76% số phiếu bầu và giành được tới 343 ghế trong số 450 ghế của Duma. Việc ông Navalny bị kết tội biển thủ, tham ô là một việc hết sức bình thường chứ không hẳn là một toan tính chính trị như các đối thủ của Putin nhận định. Nếu các đối thủ không thay đổi nhận diện sự việc, mà cứ muốn “chính trị hóa một phiên tòa hình sự” thì có thể họ lại “việt vị” trước ông Putin lần nữa.

Theo CAND