Nga ghi điểm trên bàn cờ Sirya

Thứ năm, ngày 12/09/2013

Tình hình Syria đã trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết kể từ khi xảy ra vụ tấn công hôm 21-8 vào khu vực ngoại ô thủ đô Damascus làm ít nhất 1.400 người thiệt mạng. Mỹ và một số đồng minh châu Âu liên tiếp kêu gọi thế giới có hành động cứng rắn trừng phạt Syria vì cho rằng, Chính quyền của ông Assad đã vượt qua “giới hạn đỏ”. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia phân tích, chiến tranh sẽ không dễ xảy ra và dường như tất cả đã có một kịch bản từ trước.

  Hình ảnh đau thương về các nạn nhân của vụ tấn công hôm 21-8 ở Syria

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry mở màn trước khi nhấn mạnh chính quyền Syria phải giao nộp vũ khí hóa học cho cộng đồng quốc tế trong vòng 1 tuần nếu không muốn chiến tranh xảy ra. Ngay sau đó vài giờ, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đưa ra đề xuất về kế hoạch đặt toàn bộ kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát của quốc tế để tránh nguy cơ bị tấn công. Ngoại trưởng Syria Walid al-Moualem cũng lập tức tuyên bố Syria hoàn toàn đồng ý với đề xuất của Nga.

Trong các cuộc phỏng vấn trên truyền hình ngày 10/9, Tổng thống Mỹ Obama nói đề xuất trên “có thể là đột phá” và ông có thể cân nhắc lại quyết định sử dụng vũ lực với Syria nếu chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad chấp thuận. Ông Obama cũng cho rằng, “Áp lực quốc tế đã phát huy tác dụng”.

Trong khi đó, giới chức Mỹ vẫn tỏ ý nghi ngờ đề xuất của Nga và cho rằng đó là một chiến thuật nhằm trì hoãn kế hoạch can thiệp quân sự của Washington. Phát biểu tại phiên điều trần của Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ vào sáng 11/9 (giờ Việt Nam), Ngoại trưởng John Kerry tuyên bố Mỹ trông đợi việc Syria thực thi đề xuất của Nga nhưng đòi hỏi kế hoạch đó phải được thực hiện nhanh chóng.

Ông Kerry nói: “Chúng tôi đang chờ đợi kế hoạch giải quyết vấn đề vũ khí hóa học của Syria, nhưng sẽ không đợi lâu. Tổng thống Obama sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng, nhưng kế hoạch này phải thực chất, được thực hiện nhanh chóng và có thể kiểm chứng được. Đó không thể là một chiến thuật trì hoãn”.

Các đồng minh của chính quyền Obama trong Quốc hội cũng nhấn mạnh rằng cơ quan lập pháp cần thể hiện sức mạnh để hỗ trợ các nhà ngoại giao. Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, nghị sỹ đảng Dân chủ Harry Reid nêu rõ mối đe dọa hiển hiện về khả năng sử dụng vũ lực của Mỹ đã khiến các cuộc đàm phán ngoại giao với Syria trở nên khả thi và do vậy Mỹ không nên thay đổi hướng đi hiện nay.

Tuy vậy, một quan chức chính quyền Tổng thống Obama đã thừa nhận rằng, đề xuất của Nga đủ hấp dẫn để Nhà Trắng có thể rút lại lời kêu gọi Quốc hội nhanh chóng bỏ phiếu thông qua nghị quyết tấn công Syria.

Mỹ có thật sự muốn tấn công Syria?

Lựa chọn chiến tranh không chỉ gây đổ máu cho các bên tham chiến mà còn làm ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế của bất cứ quốc gia nào tham gia vào một hành động quân sự. Vậy nước Mỹ sẽ phải chi bao nhiêu cho một cuộc tấn công nhằm vào Syria?

Theo ước tính của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Martin Dempsey, số tiền ước tính cho cuộc chiến ở Syria có thể lên tới 12 tỷ USD/năm. Ông cho biết, riêng việc tấn công nhằm phá hủy kho dự trữ vũ khí của Syria sẽ mất hơn 1 tỷ USD/tháng bởi "hàng trăm máy bay, tàu chiến, tàu ngầm và các thiết bị khác" cùng với "hàng ngàn binh sĩ của lực lượng đặc nhiệm và các lực lượng mặt đất" cần được huy động để bảo vệ các phòng tuyến quan trọng.

Cũng theo ông Dempsey, riêng việc chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng cho cuộc tấn công như việc tái vũ trang cho quân đội cũng tiêu tốn không ít tiền của Lầu Năm Góc.

Hiện nay Hải quân Mỹ đã triển khai 4 tàu khu trục tới phía đông Biển Địa Trung Hải, mỗi tàu sẽ được trang bị 96 tên lửa. Đô đốc Jonathan Greenert, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ cho biết, chi phí hoạt động bình thường của các tàu vào khoảng 25 triệu USD/tuần.

Tàu sân bay USS Nimitz cùng các tàu hỗ trợ cũng trực chiến trên Biển Đỏ với chi phí hoạt động bình thường trong một tuần của các tàu vào khoảng 25 triệu USD. Tuy nhiên, chi phí sẽ lên tới khoảng 40 triệu USD/ tuần nếu tàu sân bay này tiến hành các chiến dịch quân sự.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là những ước tính tổn thất về mặt vật chất, chưa kể đến những mất mát về con người và những hậu quả khôn lường khác mà nước Mỹ cũng như Syria phải gánh chịu nếu một cuộc can thiệp quân sự thực sự nổ ra ở quốc gia này.

Mặc dù có quyền phát động ngay lập tức một cuộc chiến chống lại chế độ Assad, nhưng Tổng thống Mỹ Obama lại “chuyền bóng” cho lưỡng viện, khi trưng cầu ý kiến về kế hoạch tấn công Syria. Tại sao ông Obama lại tỏ ra quá thận trọng như vậy? Liệu có phải ông đang lo ngại cuộc tấn công mới sẽ khiến Mỹ một lần nữa sa lầy như những gì đã và đang diễn ra ở Afghanistan và Iraq? Và liệu việc Mỹ tấn công Syria là vì vị thế cường quốc hay chỉ vì sự sỹ diện của nước lớn tự cho minh cái quyền lãnh đạo thế giới?

Tổng thống Nga Putin cảnh báo rằng các cuộc tấn công của Mỹ và phương Tây mà không có sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an sẽ là một hành vi “xâm lược” không thể chấp nhận được. Ông cho rằng, ít nhất cũng phải đợi kết quả của đoàn thanh sát trước khi có những hành động cụ thể.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon tuyên bố, việc sử dụng vũ khí hóa học là “tội ác chiến tranh”. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng: “Hội đồng Bảo an có trách nhiệm chính trong việc giữ vững hòa bình và an ninh quốc tế”, và giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc là phương án khả thi nhất.

Trên thực tế, đồng minh thân cận của Mỹ là Anh lại tuyên bố sẽ không cùng Mỹ thực hiện một kế hoạch tấn công Syria sau khi Quốc hội Anh bác yêu cầu của Đảng Bảo thủ- đây là một việc làm vô tiền khoáng hậu trong hơn 150 năm qua.

Theo các chuyên gia phân tích, nếu chiến tranh Syria nổ ra, Mỹ cũng sẽ không trở thành người được hưởng lợi hoàn toàn. Hơn ai hết Mỹ hiểu rõ những tổn thất khôn lường do chiến tranh gây ra khi họ đã và đang sa lầy tại 2 mặt trận ở Iraq và Afghanistan. Bên cạnh đó, nếu quân Mỹ bị cuốn vào cuộc chiến Syria, chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương đang được họ nỗ lực thúc đẩy cũng sẽ bị kiềm chế, điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến vị thế toàn cầu của Mỹ.

Syria nằm ở khu trung tâm của Trung Đông, phía Bắc tiếp giáp Thổ Nhĩ Kỳ, phía Nam tiếp giáp Israel, Jordan, phía Đông gần Iraq, vì thế nên Syria có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng. Nếu cuộc chiến Syria nổ ra, khủng hoảng sẽ lan ra toàn bộ khu vực Trung Đông, thậm chí tác động đến tình hình an ninh toàn cầu.

Đồng minh thân thiết của Syria là Iran cũng rất hiểu đạo lý "môi hở răng lạnh", nếu như chính quyền Syria sụp đổ, Iran có thể sẽ bị đe dọa nghiêm trọng, vì vậy Iran đã kiên quyết ủng hộ Syria đồng thời tuyên bố sẵn sàng gây hấn với Israel nếu Mỹ tấn công Syria. Đó là còn chưa kể đến việc Nga luôn cam kết giữ vững quan điểm ủng hộ Chính quyền của Tổng thống Assad.

Mỹ đã lên kế hoạch để thực hiện một cuộc tấn công có giới hạn về thời gian và phạm vi vào Syria, nhưng theo Tướng Barno, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ thì những cuộc không kích này nếu xảy ra sẽ không bao giờ ở trong 'giới hạn' ban đầu.

Tướng Barno  cho rằng, "hệ quả dễ xảy ra nhất đối với các cuộc không kích như vậy ở Syria chính là: chiến tranh bùng nổ với một chính quyền bạo dạn hơn, cả khu vực sẽ trở thành chảo lửa, và Washington sẽ phải gây sức ép liên tục để có thể kiểm soát tình hình. Ông Assad sẽ không thoái lui khi sự tồn vong của ông ta gặp nguy hiểm. Sự trượt dốc không thể tránh khỏi có thể nhanh chóng đẩy sự can dự của Mỹ ngày càng lún sâu hơn nữa mà thôi".

Mặc dù ông Obama đang tìm cách trấn an người Mỹ rằng Syria sẽ "không phải là Iraq hay Afghanistan", nhưng Washington cũng sợ bị dính líu sâu hơn tại Syria do thiên hướng ngày càng Hồi giáo cực đoan của những phiến quân đang chiến đấu chống lại ông Assad.

Mối quan hệ vốn không mấy tốt đẹp giữa Mỹ với các quốc gia Hồi giáo vốn đã không mấy tốt đẹp trong những năm gần đây có thể sẽ càng trở nên xấu đi nếu Mỹ tấn công Syria. Và đó sẽ là nguy cơ tiềm ẩn đe dọa đến cuộc chiến chống khủng bố mà Mỹ vẫn đang theo đuổi trong những năm gần đây.

Bên cạnh đó, các chiến lược gia của Nhà Trắng vẫn còn đang quan ngại về bản chất của bất kỳ chính quyền hậu Assad nào tại Syria, nhất là khi Mỹ đang bị coi là đã liên minh với chính quyền đó. Đó là lý do khiến Nhà Trắng chưa cung cấp vũ khí cho phiến quân Syria, mặc dù đã cam kết thực hiện từ tháng Sáu.

Đề xuất của Nga: dung hòa cho cả Mỹ và Syria

Theo giới phân tích, thực tế Mỹ đã có dấu hiệu “chùn tay” trong việc can thiệp quân sự vào Syria, bằng chứng là trước đó mặc dù mất đi sự ủng hộ của đồng minh truyền thống là Anh, Tổng thống Obama còn mạnh miệng tuyên bố có thể đơn phương tấn công quân sự Syria nhưng sau đó đã đẩy quả bóng trách nhiệm sang lưỡng viện Mỹ.

Rõ ràng, ở vị thế của mình, Mỹ không thể cứ tuyên bố rồi dễ dàng rút lại những gì mình đã nói, và dường như đề xuất của Nga chính là “chiếc phao cứu sinh” cho những tuyên bố cứng rắn trước đó của Mỹ.

Tại London, khi phóng viên hỏi chính phủ Assad có cách nào để ngăn Mỹ tấn công hay không, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói: “Có, ông ta (Tổng thống Assad) có thể giao nộp toàn bộ vũ khí hóa học cho cộng đồng quốc tế trong tuần tới. Giao không chậm trễ, giao toàn bộ và cho phép quốc tế thống kê chúng”.

Chỉ vài giờ sau đó, Nga chớp cơ hội thúc giục Syria đặt các cơ sở chứa vũ khí hóa học dưới sự kiểm soát của quốc tế để tránh bị tấn công. Ngoại trưởng Syria Walid al-Moualem đang ở thăm Moscow cũng nhanh chóng có động thái “hoan nghênh” đề xuất này.

Không được đa số người dân ủng hộ và đối mặt với cuộc bỏ phiếu khó lường tại Quốc hội về đề xuất tấn công Syria, Tổng thống Mỹ Obama có lẽ đã bất ngờ tìm được lối thoát không thể tốt hơn cho vấn đề Syria sau đề xuất từ phía Nga.

Đề xuất bất ngờ của Moscow đã nhận được phản hồi lập tức từ Washington. Thỏa thuận cuối cùng đạt được có thể còn gặp rất nhiều trở ngại – chưa kể đến việc triển khai hay xác thực nó. Mỹ cũng có thể hoài nghi về một chiêu “trì hoãn ” của Syria giữa lúc các tàu chiến Mỹ chỉ đang trực chờ khai hỏa cũng như động cơ thực sự của Nga trong việc này.

Nhưng phản ứng nhanh chóng của Tổng thống Obama trước đề xuất trên đã hé lộ phần nào sự đơn độc về chính trị của ông chủ Nhà Trắng. Sự ủng hộ dành cho hành động quân sự tại quốc hội đang dần tan biến, trong khi uy tín với tư cách chính khách của thế giới cũng đang bị hoài nghi.

Về phía Syria, Tổng thống Bashar al-Assad chắc chắn cũng không hề muốn chiến tranh xảy ra. Ông Assad không muốn người dân nước mình bỏ mạng bởi những nhóm vận động hành lang ở Washington muốn thúc đẩy cuộc chiến tranh này. Rõ ràng, nếu để Mỹ tấn công, lực lượng của Chính phủ Syria sẽ bị tổn hại nặng nề, và đó sẽ là cơ hội không thể tốt hơn cho lực lượng phiến quân giành lợi thế trên chiến trường. Vì vậy, ông Assad sẽ vui vẻ chấp nhận đề xuất của Nga.

Theo VOV