Nga cảnh báo các cường quốc tránh xa Syria
Nga hôm qua (2-10) đã cảnh báo liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương – NATO và các cường quốc thế giới hãy tránh xa Syria. Nga cho rằng, NATO và các cường quốc không nên tìm cách can thiệp vào cuộc chiến ở Syria hay tìm cách lập các vùng đệm giữa quân chính phủ và phe nổi dậy ở đất nước Trung Đông này.
Tuyên bố trên của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Gennady Gatilov là một trong những lời cảnh báo cụ thể nhất mà Moscow đưa ra cho giới lãnh đạo phương Tây và các nước Ả-rập về việc tránh xa cuộc xung đột kéo dài hơn 18 tháng qua ở Syria.
"Trong những lần tiếp xúc với các đối tác trong NATO và trong khu vực, chúng tôi luôn kêu gọi họ không được tìm cớ để tiến hành một kịch bản quân sự hay để đưa ra những sáng kiến như hành lang nhân đạo hay vùng đệm an toàn ở Syria”, Thứ trưởng Gatilov cho hãng tin Interfax biết.
Cuộc khủng hoảng ở đất nước Syria là nơi chứng kiến cuộc đối đầu gay gắt giữa hai phe cường quốc, một bên là phương Tây do Mỹ dẫn đầu và bên kia là hai nước Nga-Trung. Phương Tây muốn can thiệp quân sự vào Syria nhưng Nga và Trung Quốc coi đó là điều “không thể chấp nhận”. Moscow và Bắc Kinh liên tục khẳng định sẽ không để phương Tây biến Syria thành Libya thứ hai. Cả Trung Quốc và Nga đều tin rằng, phương Tây đang đứng về phe nổi dậy trong cuộc khủng hoảng ở Syria và điều này chỉ khiến tình hình thêm trầm trọng.
Moscow và Bắc Kinh đã nhiều lần khẳng định, hòa bình chỉ có thể đạt được thông qua các phương tiện hòa bình. Bạo lực đáp trả bằng bạo lực chỉ khiến có thêm nhiều người chết và gây ra những mối thù hận khó hóa giải. Nga, Trung đã đưa ra dẫn chứng về tình hình Libya để chứng minh cho quyết tâm ngăn chặn một chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria. Theo hai nước này, hơn một năm trôi qua kể từ khi NATO dội bom vào Libya để lật đổ chính phủ trước đó, tình hình ở đất nước Bắc Phi này vẫn rơi vào hỗn loạn.
Với lập trường trên, Nga và Trung Quốc đã 3 lần dùng quyền phủ quyết để bác bỏ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ nhằm lên án Tổng thống Bashar al-Assad cũng như ngăn cản các nỗ lực nhằm áp đặt lệnh trừng phạt lên Syria hoặc can thiệp trực tiếp hơn vào cuộc xung đột ở đất nước Trung Đông này.
Nước láng giềng của Syria, Thổ Nhĩ Kỳ từng đưa ra ý tưởng thiết lập “các vùng an toàn” ở bên trong lãnh thổ Syria nhằm bảo vệ dân thường nhưng đề xuất này cũng cần phải được Hội đồng Bảo an LHQ thông qua.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gatilov đã kêu gọi sự kiềm chế giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên của NATO và cũng là một trong những nước chỉ trích Tổng thống Assad mạnh mẽ nhất. Ankara liên tục phàn nàn về tình trạng các cuộc giao tranh ở Syria lan sang khu vực biên giới nước họ khiến nhiều dân thường thiệt mạng vì “tên rơi đạn lạc”. Tuần trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã phát đi cảnh báo, nước này sẽ hành động nếu tiếp tục còn tái diễn tình trạng bom đạn từ Syria bay sang biên giới của họ.
"Chúng tôi tin rằng, cả giới quan chức ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đều sẽ kiềm chế một cách tối đa trong tình huống này, tính đến số người cực đoan ngày càng gia tăng trong lực lượng đối lập ở Syria. Đây là những kẻ đang cố tình khiêu khích để gây ra những cuộc xung đột ở khu vực biên giới”, Thứ trưởng Gatilov cho hay.
Mỹ tiếp tục khẳng định không can thiệp quân sự vào Syria
Ngay sau khi Nga đưa ra lời cảnh báo NATO và các cường quốc tránh xa Syria, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên tiếng tái khẳng định, Mỹ sẽ không can thiệp quân sự vào đất nước Trung Đông.
Bà Victoria Nuland nhấn mạnh, Washington hoàn toàn không có kế hoạch sử dụng vũ lực ở Syria.
Khi được các phóng viên hỏi liệu tuyên bố trên có phải là phản ứng của Bộ Ngoại giao Mỹ trước lời cảnh báo của Nga về việc “phương Tây không được can thiệp vào Syria hay lập vùng đệm hoặc áp đặt lệnh cấm bay ở đây”, bà Nuland trả lời: “Tôi nghĩ, chúng tôi đã nói rất rõ về điều mà chúng tôi hướng tới trong các hoạt động ủng hộ phe nổi dậy Syria. Chúng tôi chỉ bàn về sự hậu thuẫn không gây chết chóc”.
“Chúng tôi thảo luận về công tác đào tạo, huấn luyện. Chúng tôi bàn bạc về việc làm sao nỗ lực giúp quản lý và cung cấp viện trợ những người dân Syria ở các khu vực đã được giải phóng khỏi chính quyền”, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay.
Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ lên tiếng bác bỏ khả năng can thiệp quân sự vào Syria. Trước đó, hồi tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta từng khẳng định: “Một sự can thiệp trực tiếp của Mỹ vào Syria sẽ là một sai lầm nghiêm trọng”.
“Nếu cộng đồng quốc tế quyết định rằng, đó là một bước đi mà cộng đồng quốc tế muốn thực hiện thì rõ ràng, chúng tôi sẽ là một phần của bước đi đó. Tuy nhiên, nếu không có sự ủng hộ rộng khắp của cộng đồng quốc tế thì tôi nghĩ, việc Mỹ can thiệp vào Syria sẽ là một sai lầm”, ông chủ Lầu Năm Góc cho biết.
Cách đây một tuần, giới lãnh đạo Qatar từng kêu gọi các nước Ả-rập can thiệp quân sự vào Syria. Cuộc xung đột kéo dài hơn 18 tháng qua ở Syria được cho là đã cướp đi sinh mạng của khoảng 20.000 người. Đây là con số ước tính do các phe nhóm đối lập Syria đưa ra. Trong khi đó, theo con số thống kê của LHQ, số người thiệt mạng vì bạo lực ở Syria rơi vào khoảng 18.000 người. Chính quyền Syria đưa ra con số 8.000 người.
Theo VnMedia