Nếu dịch bệnh xảy ra, chúng tôi tiếp tục xung phong…

Thứ ba, ngày 16/03/2021

(BDO)  Khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn huyện Phú Giáo, đội ngũ y, bác sĩ Trung tâm Y tế huyện đã gửi lại con nhỏ cho ông bà, người thân để lao vào vùng dịch làm công tác truy vết dịch bệnh. Biết là nguy hiểm nhưng họ sẵn sàng xung phong vào tuyến đầu, với mong muốn sớm khống chế được dịch bệnh. Có người làm việc liên tục trong 4 ngày, không có thời gian để tắm, phải ăn và ngủ trên xe...

 Bác sĩ Nguyễn Minh Đức và Trần Thị Thanh Thi trong tổ truy vết dịch bệnh Trung tâm Y tế huyện Phú Giáo

 Làm việc liên tục

Những ngày đầu tháng 3, đội ngũ y, bác sĩ làm việc tại khoa kiểm soát dịch bệnh Trung tâm Y tế huyện Phú Giáo vẫn tất bật với hàng đống hồ sơ, báo cáo. Tuy nhiên, có thể nói họ đã thở phào nhẹ nhõm khi đã vượt qua những áp lực khủng khiếp trong những ngày trước tết. Đó là lần đầu tiên trên địa bàn Phú Giáo xuất hiện ca dương tính SARS-COV2 tại ấp Cà Na, xã An Bình.

Bác sĩ Nguyễn Minh Đức, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh của trung tâm nhớ lại, chiều 29-1, khi nhận được thông tin trên địa bàn có ca bệnh, ngay lập tức, toàn huyện khởi động hệ thống phòng, chống dịch bệnh (PCDB) trên toàn địa bàn. Các lực lượng vào cuộc, không ai được chậm trễ. “Rất áp lực! Bệnh nhân 1801 trước đó đi ăn cưới nhà người thân từ Hải Dương vào, có lịch trình khá phức tạp. Chỉ riêng các trường hợp tiếp xúc gần (F1) đã trên 40 người. Tuy nhiên, trong quá trình khai báo y tế, bệnh nhân không nhớ rõ, khiến đội ngũ truy vết mất rất nhiều thời gian. Hiện tại tất cả các ca bệnh tại ấp Cà Na đều có sức khỏe tốt sau thời gian điều trị, đang thực hiện cách ly tại trung tâm và cũng gần đến ngày được về nhà. Dịch bệnh trên địa bàn đã được khống chế tốt”, bác sĩ Đức nói.

Là Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh kiêm luôn tổ trưởng tổ truy vết, trong những ngày thực hiện PCDB trên địa bàn, bác sĩ Đức đã vượt qua không ít khó khăn. Theo bác sĩ Đức, vào những ngày đó, gần như tất cả 7 người trong tổ truy vết làm việc xuyên suốt cả ngày lẫn đêm, không có thời gian để ăn hay ngủ. Các thành viên trong tổ phải di chuyển liên tục từ địa bàn này sang địa bàn khác, về đến trung tâm thì mở máy làm báo cáo cho lãnh đạo, các cấp. Mỗi ngày họ chỉ chợp mắt được vài giờ, có khi ngủ dọc đường trên ô tô trong quá trình di chuyển, cũng có lúc ngủ trên bàn làm việc. “4 ngày đầu tiên là khoảng thời gian khủng khiếp nhất. Tôi chỉ mặc đúng một bộ đồ đi dự tiệc ngày cuối năm, tóc tai dựng đứng lên, mắt thì thâm đen. Nhưng dù sao mình vẫn khỏe hơn phái nữ, những người chân yếu tay mềm nhưng phải gồng mình cả 10 ngày liên tục. Có người biết gặp nguy hiểm, vẫn gửi con nhỏ cho người thân, xung phong vào vùng dịch, họ mới là những người đáng được nhắc đến để tuyên dương”, bác sĩ Đức nói.

Ăn ngủ trên ô tô

Đó là trường hợp của bác sĩ Trần Thị Thanh Thi, Phòng Kế hoạch Trung tâm Y tế huyện Phú Giáo. Trò chuyện với chúng tôi, bác sĩ Thi khá khiêm tốn khi kể về công lao. Nhưng những người ở tuyến đầu tham gia PCDB tại Phú Giáo ai cũng biết, người bác sĩ tuy có hình thể “mi nhon” ấy lại có một nghị lực phi thường. “Ngày trên địa bàn xảy ra dịch bệnh, những người có chuyên môn làm công tác truy vết trên địa bàn không nhiều. Biết vậy, nên em mạnh dạn xin Ban giám đốc trung tâm xung phong vào tuyến đầu đi truy vết. Nói chung ai cũng sợ dịch bệnh, nhưng phải biết vượt qua sợ hãi thì mới mong điều tốt đẹp sớm trở lại”, bác sĩ Thi tâm sự.

Những ngày PCDB phải đi lại nhiều, trung tâm lại thiếu phương tiện, vậy là bác sĩ Thi đã dùng ô tô cá nhân giúp tổ truy vết “chiến đấu” xuyên suốt. “Có hôm đã 4 giờ sáng, cả tổ vẫn còn lang thang trên đường đi gõ cửa nhà dân. Nói chung, có sự giúp sức rất lớn từ các lực lượng, cộng thêm sự phối hợp tốt của bà con nên tổ mới sớm hoàn thành nhiệm vụ. Gần như tất cả các thành viên trong tổ đều phải làm việc liên tục như thế, không đếm thời gian mà chỉ biết phấn đấu cho đến lúc xong việc. Muốn kiểm soát tốt dịch bệnh lúc đó, phải chạy đua với thời gian, không được chậm trễ”, bác sĩ Thi nói.

Trong khoảng thời gian hơn 10 ngày làm công tác truy vết, với bác sĩ Thi là những ngày khó quên trong cuộc đời ngành y. Đó là có hôm chiến đấu suốt ngày, khi trên đường trở về trung tâm y tế đã hơn 4 giờ sáng, chị không thể mở nổi mắt để ôm vô lăng: “Trên đường từ xã An Linh về, khi ra đến đường lớn, tôi quay đầu nói với 2 đồng nghiệp nữ phải tấp xe vào lề chợp mắt chứ không đi nổi nữa rồi. Nói chưa dứt câu, khi quay lại thì họ đã ngủ say ở băng ghế sau. Vậy là tôi buông vô lăng và ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Khi tỉnh dậy trời đã mờ sáng, nhìn lại băng ghế sau đồng nghiệp vẫn đang ngủ say, chúng tôi tiếp tục hành trình”, bác sĩ Thi nhớ lại.

Thực đơn trong bữa ăn của các y, bác sĩ trong tổ truy vết lúc đó là củ khoai, gói mì, cơm hộp dọc đường. Tuy nhiên, gần như không ai có đủ thời gian để quan tâm đến sức khỏe hay hôm nay đã ăn gì chưa, ăn lúc nào, hay ngủ được bao nhiêu tiếng? Vấn đề họ quan tâm là đã truy vết đến đâu, bao nhiêu ca F1, F2... và cầu mong trên địa bàn đừng có thêm ca dương tính nữa. Khi chúng tôi nhắc đến chuyện công việc gia đình trong những ngày chống dịch, bác sĩ Thi đã nghẹn ngào tâm sự: “Thương lắm, hơn 10 ngày 2 đứa nhỏ nhà em ở với bà nội. Chúng nó lần đầu tiên xa mẹ nên nhớ mẹ lắm. Bản thân em lúc đó cũng không biết ngày nào trở về với con, bởi không biết lúc nào trên địa bàn mới khống chế được dịch bệnh. Mẹ con nhớ nhau, chỉ trò chuyện vội vài câu qua điện thoại chứ cũng không có nhiều thời gian. Có hôm nhớ con quá, em đã rơi nước mắt, chỉ biết làm việc và cầu mong dịch bệnh sớm trôi qua”.

Bao vất vả và cả hiểm nguy với người tham gia làm công tác truy vết vùng dịch là thế, nhưng khi chúng tôi hỏi rằng, nếu dịch bệnh quay trở lại, chị có tiếp tục tham gia nhiệm vụ này không? Bác sĩ Thi liền gật đầu không một chút do dự: “Tinh thần người Việt, trách nhiệm nghề y, không riêng gì tôi, mà nhiều y, bác sĩ khác trên tuyến đầu PCDB của cả nước vẫn thế, họ đã thầm lặng hy sinh rất nhiều. Cũng vì thế mà sau mỗi đợt xảy ra, dịch bệnh sẽ nhanh chóng được khống chế trong thời gian ngắn”.

 QUANG TÁM