Nét độc đáo của Bình Dương là lấy công nghiệp làm nền tảng đột phá

2022-04-20 13:40:47

(BDO) Tại hội thảo khoa học “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường ¼ thế kỷ: Thành tựu và triển vọng”, ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương, Trưởng Ban tổ chức hội thảo, đã có bài tổng thuật sâu sắc.  


Toàn cảnh buổi hội thảo. Ảnh: XUÂN THI

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho rằng, đi cùng với tiến trình lịch sử, tỉnh Bình Dương đã có trên 300 năm hình thành, xây dựng và phát triển; qua bao thăng trầm, bình yên và chiến tranh, rồi hòa bình lập lại, Đảng bộ và nhân dân Bình Dương bắt tay cùng xây dựng quê hương. Có được quê hương Bình Dương như ngày hôm nay là kết quả phấn đấu kiên cường, dũng cảm, năng động, đổi mới, sáng tạo không ngơi nghỉ của các thế hệ, của các đồng chí lão thành cách mạng, của toàn Đảng bộ và nhân dân với các thành phần kinh tế trên vùng đất này.

Trong khuôn khổ các hoạt động của hội thảo khoa học trong 2 ngày 19 và 20-4, dưới sự chứng kiến của Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương đã ký kết với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương Chương trình hợp tác tổng kết “Mô hình phát triển của Bình Dương trong công cuộc đổi mới của đất nước và tầm nhìn đến năm 2050”. 


Các đại biểu tham dự buổi hội thảo. Ảnh: XUÂN THI

Tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đã có ý kiến phát biểu chỉ đạo rất quan trọng nhằm làm rõ hơn về tầm nhìn chiến lược, định hướng phát triển, mục tiêu phấn đấu và tạo ra những điểm khác biệt mang tính đột phá cho giai đoạn phát triển tiếp theo của Bình Dương.

Với tinh thần làm việc khẩn trương, khoa học, 20 báo cáo khoa học đã được Ban tổ chức hội  thảo lựa chọn trình bày cùng với trên 30 ý kiến phát biểu thảo luận cũng như ý kiến phản biện, các nhà khoa học đã mang đến cho hội thảo một khối lượng thông tin rất phong phú, từ nhiều góc độ khác nhau đã góp phần làm sáng tỏ, khẳng định những giá trị và bài học kinh nghiệm qua thực tiễn 25 năm xây dựng và phát triển tỉnh Bình Dương, gợi ý đề xuất những định hướng, giải pháp phát triển kinh tế và đô thị tỉnh Bình Dương từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặt trong mối quan hệ của Bình Dương với TP.Hồ Chí Minh, với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với các địa phương trong nước, với khu vực và thế giới. 


Văn nghệ chào mừng hội thảo. Ảnh: XUÂN THI

Ông Nguyễn Hoàng Thao cho  rằng, từ kết quả làm việc tại các phiên chuyên đề và những nội dung trình bày trong phiên toàn thể, hội thảo đã làm sáng tỏ chủ đề “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường ¼ thế kỷ: Thành tựu và triển vọng”. Trước hết, các báo cáo khoa học và ý kiến phát biểu đã làm sáng tỏ và khẳng định Nghị quyết của Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (kỳ họp thứ 10, tháng 12-1996) về chia tách tỉnh Sông Bé thành 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước cũng như việc thành lập Đảng bộ tỉnh Bình Dương là một sự kiện đúng đắn, đúng thời điểm, có ý nghĩa “nhân thời mở vận” để Bình Dương bước sang một trang sử mới. 

Đây không chỉ là sự kiện mở đầu, mà còn là tiền đề để Bình Dương phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, chủ động tìm tòi, sáng tạo trong phát triển toàn diện kinh tế, xã hội, đưa Bình Dương trở thành hình mẫu lý tưởng của đất nước về công nghiệp hóa, đô thị hóa, xây dựng cuộc sống giàu mạnh cho nhân dân.


Ông Nguyễn Hoàng Thao phát biểu tại hội thảo. Ảnh: XUÂN THI

Bình Dương là tỉnh đầu tiên của cả nước thực hiện mô hình Bí thư Đảng ủy kiêm chủ tịch UBND cấp xã/phường. Bình Dương là tỉnh đầu tiên xây dựng khu công nghiệp và trang trại. Lãnh đạo tỉnh đã sớm nhận thức để phát triển kinh tế địa phương và đô thị hóa cần bắt đầu từ công nghiệp. Công nghiệp hóa tạo nguồn lực cho đô thị hóa và ngược lại, đô thị hóa tạo cơ sở cho công nghiệp phát triển. Những quyết sách của lãnh đạo tỉnh nổi bật trong thời gian qua như: Đặt trọng tâm vào phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, kiên trì theo quy hoạch khung của tỉnh, quy hoạch vùng, thực hiện đồng bộ phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; chú trọng phát trển công nghiệp và bảo vệ môi trường, chú trọng và tranh thủ toàn diện việc hội nhập quốc tế, phát huy vai trò đòn bẩy của doanh nghiệp nhà nước, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao… 


Phó Giáo sư – Tiến sĩ Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng tham luận tại hội thảo. Ảnh: XUÂN THI

Hội thảo được các tác giả viết báo cáo và tham gia thảo luận đông đảo nhất – đó là thành tựu, triển vọng phát triển kinh tế và đô thị của Bình Dương. Qua 25 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương đã tạo được những chuyển biến đột phá trong phát triển kinh tế và đô thị. Từ một tỉnh chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp, Bình Dương có sự phát triển vượt bậc với những chỉ tiêu kinh tế cao gấp hàng chục lần so với thời điểm chia tách tỉnh. Kinh tế tăng trưởng ở mức cao trong nhiều năm liên tục. Cơ cấu chuyển dịch đúng hướng. Bình Dương cũng luôn đi đầu trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ngay cả ở những thời điểm kinh tế thế giới có những dấu hiệu khủng hoảng hay suy thoái, nhất là trong thời gian cả thế giới chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Bình Dương vẫn là điểm sáng về thu hút đầu tư và thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng… 

Trong phát triển kinh tế và đô thị, nét độc đáo của Bình Dương là luôn lấy công nghiệp làm nền tảng đột phá mà hạt nhân là xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp gắn với đô thị hóa. Từ lợi thế về hạ tầng phát triển công nghiệp, tỉnh đã triển khai nhiều dự án công nghiệp và đô thị. Điển hình là Khu liên hợp Công nghiệp Dịch vụ Đô thị, trong đó Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương được quy hoạch và đầu tư theo hướng đạt trình độ đẳng cấp quốc tế và trình độ phát triển theo tiêu chí đô thị sinh thái ứng dụng công nghệ cao, cũng là hạt nhân kết nối với nhiều tuyến giao thông quan trọng của tỉnh, của cả nước. 


Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: XUÂN THI

Với chủ đề con người và văn hóa - xã hội, các nhà khoa học và quý vị đại biểu đã cùng thống nhất luận điểm hết sức quan trọng là công nghiệp hóa, đô thị hóa, các quyết sách phát triển kinh tế - xã hội ở Bình Dương luôn hướng đến con người, coi trọng lợi ích của nhân dân, quan tâm đến an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Một số tác giả đi sâu vào chủ đề “người Bình Dương trong quá khứ và hiện tại”, phác họa những nét đặc trưng của chủ thể văn hóa trong mối liên hệ với quá khứ - hiện tại - dự báo tương lai, trong quy hoạch phát triển đô thị, phát triển nguồn nhân lực, giải quyết các vấn đề về lao động - việc làm, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế về lao động và xã hội của tỉnh. Một số tác giả bàn luận khá sâu về các giá trị văn hóa truyền thống của Bình Dương, đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vật thể…

Đối với chủ đề quốc phòng - an ninh, qua các báo cáo khoa học được trình bày cũng như ý kiến trao đổi của quý vị đại biểu cho thấy, 25 năm qua, tỉnh Bình Dương đã quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về quốc phòng - an ninh vào thực tiễn địa phương; thực hiện tốt phương châm “an ninh chủ động, quốc phòng từ xa”, bảo đảm tuyệt đối an ninh chính trị các mục tiêu quan trọng của Đảng, Nhà nước, bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân. Trên mặt trận an ninh, hội thảo đã bàn luận một cách khách quan về chính sách phát triển  kinh tế - xã hội kết hợp với củng cố, tăng cường an ninh bền vững; về công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, nhất là đối với an ninh công nhân và phòng chống tội phạm trong tình hình mới góp phần bảo đảm sự lành mạnh, an toàn đối với môi trường đầu tư; về các loại hình tội phạm và tệ nạn xã hội phát sinh trong tình hình mới… 

Một vấn đề được Ban tổ chức hội  thảo và các nhà khoa học, quý vị đại biểu lưu tâm trong hội thảo này là hoạt động đối ngoại của tỉnh trong chặng đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong quá trình diễn ra hội thảo, các báo cáo khoa học được trình bày và ý kiến phát biểu thảo luận của quý vị đại biểu có phần khiêm tốn hơn những chủ đề về kinh tế, văn hóa nhưng đã nêu lên và gợi mở những chấm phá quan trọng về hoạt động kết hợp giữa chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng và ngoại giao nhà nước, vai trò của hoạt động đối ngoại trong phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa, vấn đề thiết lập mối quan hệ hợp tác với các địa phương với trọng tâm liên kết và hội nhập quốc tế. 

Hội thảo đã cho thấy, Bình Dương đã sớm chú trọng hội nhập, chủ động tiếp cận và tranh thủ phát huy những mặt tích cực của hội nhập quốc tế để phát triển. 

Trong quá trình nghiên cứu, tổng kết các bài học kinh nghiệm và khuyến nghị chính sách, hội thảo cũng đề cập đến những vấn đề còn hạn chế, bất cập trong quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa của tỉnh. Một số báo cáo và ý kiến phát biểu thảo luận đã không ngại những vấn đề nhạy cảm, trực tiếp hoặc gián tiếp chỉ ra những hạn chế bất cập cả về hoạch định chính sách và công tác điều hành kinh tế, xã hội của tỉnh. Vấn đề nổi bật về hạn chế, bất cập hiện hay được đa số các tác giả nêu lên và thảo luận là tình hình gia tăng dân số, chủ yếu là lao động nhập cư, gây nhiều áp lực về giáo dục, y tế, nhà ở, việc làm, các chính sách an sinh xã hội cho tỉnh. Đây là vấn đề cần được nhìn nhận khách quan cả 2 chiều vì lực lượng này bổ sung nguồn nhân lực đáng kể để phát triển kinh tế, thiếu lao động thì không thể thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp. 

Qua hội thảo này, chúng ta cảm ơn Đảng, Nhà nước đã có quyết định đúng đắn để Bình Dương bước vào thời kỳ mới. Chúng ta cũng rất cảm kích và tri ân các thế hệ cán bộ của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Sông Bé, Bình Dương đã dấn thân, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn để có được tỉnh Bình Dương như hôm nay. Chúng ta cũng rất cảm ơn nhân dân Bình Dương đã đồng thuận với Đảng bộ, chính quyền tỉnh trên nhiều phương diện từ hưởng ứng chủ trương chính sách xây dựng khu công nghiệp, xây dựng hạ tầng giao thông, đô thị, nông thôn mới và nhiều mặt khác trong đời sống. Đây cũng là bài học rõ nhất để chúng ta nêu cao ý thức trách nhiệm và tình cảm, không ngừng trau dồi bản lĩnh, trí tuệ, lòng nhiệt huyết, đoàn kết xây dựng phát triển tỉnh Bình Dương ngày càng giàu đẹp, trở thành thành phố thông minh, trung tâm công nghiệp hiện đại, động lực tăng trưởng của miền Đông Nam bộ như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cũng là kỳ vọng của nhân dân Bình Dương.

HỒ VĂN

 

Báo Bình Dương