Nên xem xét mức tiền điện phù hợp với thu nhập của công nhân lao động

Thứ ba, ngày 11/10/2022

(BDO) Trước thông tin giá điện sinh hoạt dự kiến sẽ tăng, NLĐ và cán bộ Công đoàn tại các tỉnh Bắc Trung Bộ đều băn khoăn, lo, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống NLĐ.


Ông Hoàng Văn Tuân - Chủ tịch Công đoàn ngành Công thương tỉnh Quảng Trị chia sẻ sự lo lắng của người lao động tại Công ty Cổ phần may xuất khẩu Tân Định trước thông tin dự kiến tăng giá điện sinh hoạt.

Chồng không có việc làm ổn định, thu nhập chính phụ thuộc vào nghề may của chị Nguyễn Thị Mỹ Chính (trú tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng, nên cuộc sống của đôi vợ chồng cùng 2 con nhỏ gặp nhiều khó khăn. Mỗi tháng, để các chi phí sinh hoạt trong gia đình không vượt quá số tiền lương, chị Chính phải cân đo, vạch sẵn mức chi tiêu.

Nghe tin dự kiến giá bán điện lẻ bình quân “rục rịch” tăng, chị Chính rất lo lắng. “Mỗi tháng, gia đình dùng tiết kiệm nên số tiền điện không nhiều. Nhưng mỗi thứ cứ tăng một ít, mà thu nhập thì vẫn vậy, nên chắc chắn sẽ gặp thêm khó khăn” - chị Chính chia sẻ.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Như Lài làm việc ở bộ phận tạp vụ Công ty Cổ phần May xuất khẩu Tân Định (huyện Cam Lộ) than thở khi nghe thông tin trên. Theo chị Lài, với thu nhập ngang mức lương tối thiểu vùng đã chưa đủ sống, mọi chi phí cũng từ đồng lương, trong khi giá điện tăng mà lương không tăng thì chắc chắn cuộc sống sẽ rất bí bách.

Khu vực dọc đường Đặng Thai Mai (xã Hưng Đông, TP.Vinh) là nơi có nhiều dãy nhà trọ cho công nhân thuê. Công nhân ở đây làm việc chủ yếu trong Khu công nghiệp Bắc Vinh - Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An và một số khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn TP.Vinh và huyện Hưng Nguyên. Bà Nguyễn Thị Nga - chủ một dãy nhà trọ ở đây cho biết: “Công nhân ở đây đều khó khăn, mức lương thấp nên chi tiêu rất chật vật. Tiền nước, tiền điện họ cũng rất tiết kiệm. Nhiều gia đình phải về quê đưa lương thực, thực phẩm lên cho đỡ chi phí. Nếu tiền điện sinh hoạt tăng thì họ sẽ càng thêm khổ”.

Chị Nguyễn Thị Hiền (25 tuổi, quê ở huyện Quỳ Châu - Nghệ An) thuê trọ tại nhà bà Nga cho biết: “Tôi làm ở khu công nghiệp Bắc Vinh, lương 4 - 5 triệu đồng/tháng, phải tiết kiệm lắm mới đủ chi tiêu. Nếu tiền điện tăng tôi sẽ càng phải tiết kiệm, dè sẻn hơn”.

Chung nỗi lo, anh Phạm Văn Trung (37 tuổi, quê Quỳnh Lưu, trọ tại xã Hưng Đông - TP.Vinh) than thở: “Hai vợ chồng tôi đều là công nhân đi làm tại khu công nghiệp Bắc Vinh, lương tháng tổng cộng 12 triệu đồng, nuôi 2 con nhỏ và phải lo việc gia đình, chật vật lắm mới đủ chi tiêu, nên chỉ mong giảm được đồng nào chi phí chi tiêu tốt chừng đó. Nếu tiền điện tăng, cuộc sống gia đình càng thêm chật vật”.

Những ngày gần đây, ông Hoàng Văn Tuân - Chủ tịch Công đoàn ngành Công thương tỉnh Quảng Trị đến làm việc tại nhiều cơ sở, đến đâu vấn đề tăng giá điện sinh hoạt cũng được người lao động nhắc đến.

Theo ông Hoàng Văn Tuân, trong những năm qua, nhà nước tập trung cho việc tăng mức lương tối thiểu vùng để người lao động sống được. Tuy nhiên, qua tiếp xúc với người lao động trong ngành, với mức lương tối thiểu như hiện nay rất khó khăn để trang trải cuộc sống. Vì vậy, việc tăng giá điện sinh hoạt sẽ tác động đến cuộc sống của NLĐ. “Nhất là lực lượng lao động trực tiếp, họ đang vất vả với thu nhập hằng tháng và sẽ phải vất vả hơn nữa nếu giá điện tới đây tăng lên. Vì vậy, NLĐ mong muốn được nâng cao thu nhập trước tăng giá các mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, đời sống của họ” - ông Hoàng Văn Tuân, nói.

Phó Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An Trần Thị Nguyệt cho hay, công nhân lao động tại Nghệ An hầu hết đều có mức lương thấp, cuộc sống còn nhiều vất vả. Mong rằng các cơ quan có thẩm quyền xem xét áp dụng mức giá điện phù hợp với công nhân lao động.

Theo LĐO