Nền tảng thương mại điện tử

Thứ hai, ngày 06/02/2023

(BDO) Thương mại điện tử là nền tảng đón đầu xu hướng tiêu dùng hiệu quả và phát triển bền vững, bất chấp những khó khăn của kinh tế toàn cầu. Không nằm ngoài sự chuyển dịch chung đó, các doanh nghiệp, thương hiệu đã tìm đến thương mại điện tử để mở rộng mô hình kinh doanh và tăng trưởng.

Tại hội thảo “Thương mại điện tử- Xu thế phát triển bền vững” diễn ra trong chuỗi hoạt động của Techfest 2022 tổ chức tại Bình Dương, các chuyên gia cho rằng kinh doanh thương mại điện tử là cuộc chiến về chiến lược tư duy bền vững. Theo các chuyên gia, trước những diễn biến phức tạp của nền kinh tế, các doanh nghiệp nên có những bước chuyển đổi số khi đưa ra những chiến lược kinh doanh dài hạn. Điều này giúp doanh nghiệp “giữ sức đường dài” để phục vụ người tiêu dùng tốt nhất, đặc biệt là những nhóm doanh nghiệp kinh doanh đa kênh, đa nền tảng.

Ông Nguyễn Thế Quang, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Bộ Công thương, nhận định thương mại điện tử là cơ hội để thúc đẩy nền kinh tế số, là môi trường thuận lợi cho việc ứng dụng các mô hình kinh doanh. Với giải pháp công nghệ, nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử đã áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn để vận hành tích hợp, phân tích, theo dõi đơn hàng nhằm giải quyết các vấn đề về hàng hóa trong thương mại điện tử, quản lý hàng tồn kho để tối ưu hóa thời gian, chi phí hoạt động.

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Bộ Công thương cho biết hiện nay thương mại điện tử không chỉ hoạt động độc lập mà liên kết với nhau để đánh giá, phân tích tâm lý khách hàng. Xu thế này qua cuộc cách mạng 4.0 ngày càng rõ nét. Việt Nam rất nhạy trong việc phân tích dữ liệu. Thương mại điện tử không chỉ là nền tảng độc lập mà dùng nhiều công cụ kết hợp như trí tuệ nhân tạo (AI), các dữ liệu trên nền tảng xã hội khác để tích hợp đưa ra phân tích thị trường khách hàng. Sử dụng công nghệ trong bán hàng phải xuất phát từ nhu cầu thị trường. Các bạn trẻ Việt Nam đã rất nhanh nhạy trong việc đánh giá xu hướng, nhu cầu khách hàng, đánh giá khách hàng tiềm năng.

Sự phát triển của thương mại điện tử đã và đang tạo ra những thách thức không nhỏ cho việc xây dựng một thị trường trực tuyến lành mạnh ở Việt Nam. Dựa trên mục tiêu đã đề ra trong kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021- 2025, một thị trường thương mại điện tử an toàn, lành mạnh là điều hoàn toàn có thể thực hiện khi có sự vào cuộc đồng bộ của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và những doanh nghiệp đã, đang và sẽ tham gia vào thị trường trực tuyến.

 PHƯƠNG AN